Phàm là người, hầu như ai chẳng có nhu cầu yêu và được yêu. Mà để tình yêu nảy nở thì cần trải qua giai đoạn "thả thính". Từ xưa đến nay, "thính" chỉ chuyển từ dạng này qua dạng khác, chứ lúc nào cũng tồn tại xuyên suốt lịch sử loài người.
Ấy nhưng mà "thính" giữa người với người còn khác, nữa là xét trên góc độ quốc gia? Tùy vào khác biệt văn hóa mà có những cách tán tỉnh sẽ trở nên không phù hợp, dù là quen thuộc đến mức nào.
Hôn nhau và thể hiện tình cảm công khai chốn công cộng, bạn nghĩ đó là chuyện bình thường? Cũng có thể, nhưng ở nhiều quốc gia, bạn có thể phải chịu hậu quả khá lớn nếu làm điều đó.
Tại Mỹ, đây là chuyện bình thường. Với Nhật Bản và Hàn Quốc, thân mật nơi công cộng sẽ bị xem là thô lỗ. Nhưng ở Arab Saudi và các quốc gia trong Thế giới Ả Rập (Arab World), bạn có thể bị bắt đấy vì luật Hồi giáo không cho phép điều đó.
Tuy nhiên đối với một số nền văn hóa của Trung và Nam Mỹ, câu chuyện lại có phần khác. Các quốc gia này có thói quen chào hỏi bằng cách hôn má, và nếu bạn không chịu thể hiện một nụ hôn "ra chất" một chút thì có thể bị xem là thiếu nhiệt tình, hoặc lạnh lùng.
Tại châu Âu, nụ hôn lại có những ý nghĩa khác. Người Đức và người Ba Lan chẳng hạn, bạn chỉ nên ôm khi mới hẹn hò. Nụ hôn thường được để dành cho những mối quan hệ nghiêm túc hơn.
Ở phương Tây, nhìn chung chuyện share tiền sau bữa ăn là điều hết sức bình thường kể cả khi hẹn hò cưa cẩm, hoàn toàn không ảnh hưởng đến bất kỳ điều gì. Dĩ nhiên thông thường, đàn ông sẽ muốn đề nghị được trả, nhưng nhiều người cho rằng nếu chấp nhận điều đó cũng đồng nghĩa với việc cho rằng người phụ nữ không thể tự lo cho bản thân.
Nhưng ở nhiều quốc gia Á Đông - chẳng hạn như Hàn Quốc, việc chia tiền trong buổi hẹn đầu tiên là không nên, vì đó là điều chỉ bạn bè làm với nhau. Nam giới sẽ được kỳ vọng thanh toán khoản này, nhưng trong một số trường hợp phụ nữ có thể đứng ra trả cũng không sao cả, tùy thuộc vào mối quan hệ ấy là như thế nào.
Một trong những việc "truyền thống" nhất người ta thường làm khi hẹn hò là mời nhau đi ăn. Vấn đề là ăn ở đâu?
Ở Mỹ, nếu bạn là người đã đi làm và có công việc ổn, nơi đi ăn được kỳ vọng là một nhà hàng có phần sang chảnh một chút. Hẹn hò ở quán fastfood cũng được thôi, nhưng nơi ấy phù hợp hơn với học sinh cấp 3, hoặc các cụ già muốn hồi xuân.
Tại châu Âu thì khác. Như ở Thụy Điển, cuộc hẹn đầu tiên chỉ là "fika" - nghĩa là tập dượt, và họ sẽ chỉ chọn những quán cafe thông thường trước khi "xuất tiền" cho một nơi sang chảnh hơn.
Tại Mỹ, việc đi trễ trong cuộc hẹn đầu tiên không đến nỗi bị kỳ thị, thậm chí còn được xem là hợp lý bởi việc đến quá sớm sẽ khiến bạn cảm thấy bồn chồn, dẫn đến những hệ quả không hay. Mà đó lại còn là cuộc hẹn đầu tiên, nơi bạn cần gây ấn tượng với người ta.
Nhưng ở châu Âu, đi trễ là không ổn đâu. Như tại Đức, thời gian là một tài sản quý giá với từng cá nhân, nên việc đi trễ sẽ được xem là thô lỗ.
Có lẽ với chúng ta - những người bình thường từ mảnh đất chữ S, việc chia sẻ phần ăn của mình tại nhà hàng là điều không có gì lạ. Nhưng khi ra nước ngoài, bạn cần tìm hiểu trước về phong tục của người ta khi muốn làm như vậy.
Tại phương Tây, có rất nhiều quy định liên quan đến phép lịch sự trên bàn tiệc mà bạn phải tuân thủ, chẳng hạn như phải đưa đồ ăn bằng cả dao và nĩa. Nhưng tại Nhật Bản, nếu chuyển thức ăn bằng đũa thì lại bị nghiêm cấm, vì đó là hành động thường xuất hiện trong đám tang.
Tặng hoa thôi cũng cần nghệ thuật các bạn ạ. Như ở Nga, việc đàn ông tặng hoa cho phụ nữ vào buổi hẹn đầu tiên là chuyện bình thường, nhưng đó nên là một giỏ hoa và số hoa bên trong phải là số lẻ. Nếu là số chẵn, đó là hoa dùng trong đám tang.
Trong lịch sử, câu chuyện tặng hoa cũng rất phức tạp. Anh Quốc thời Victoria, tặng hoa hồng vàng sẽ được xem là bất lịch sự, vì màu sắc ấy là biểu tượng cho sự ghen tuông và thiếu chung thủy. Ngày nay, hoa hồng vàng là biểu tượng của tình bạn ở Anh, vậy nên nếu đang thả thính ai mà tặng hoa hồng vàng thì chẳng khác gì bảo rằng anh muốn bước vào "friendzone".