Tiền vệ Tuấn Anh: 6 năm trốn chạy kẻ thù và những tấm ảnh film nâng đỡ đôi chân pha lê của bóng đá Việt Nam

HIẾU LƯƠNG (SPORT5.VN), Theo Trí Thức Trẻ 23:29 02/06/2019
Chia sẻ

5 năm qua, bóng đá Việt Nam có một chàng trai mãi chẳng được phô diễn hết tài năng. 5 năm qua, người hâm mộ khắc khoải niềm nuối tiếc về cậu. Cậu tên Nguyễn Tuấn Anh, mang trong mình dòng máu nghệ sĩ và đôi chân khiến tạo hoá hờn ghen để nước mắt người đời bao phen chỉ muốn chực trào nơi khoé mắt.

Nhật ký của Tuấn Anh…

Ngày 26 tháng 03 năm 2018,

Cửa sổ phòng bác sĩ.

Ngày 27 tháng 03 năm 2018,

Chúng tôi đang đợi ở ngoài bệnh viện.

Bên ngoài cánh cửa căn phòng của một bác sĩ khác. Lại một bác sĩ khác.

Ngày 31 tháng 03 năm 2018,

Tấm hình khiến thế giới dường như vẫn đẹp đẽ nhưng những người trong ảnh thì mang nặng nỗi buồn.

Tiền vệ Tuấn Anh: 6 năm trốn chạy kẻ thù và những tấm ảnh film nâng đỡ đôi chân pha lê của bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

6 năm vừa đá bóng, vừa chạy trốn "sa mạc"

Những dòng trên là ký ức của Nguyễn Tuấn Anh được lưu giữ qua một vài tấm ảnh ngày anh sang bệnh viện ở Hàn Quốc khi cái đầu gối một lần nữa không còn nghe lời. Ngày ấy nắng vẫn rực rỡ nhưng tâm can của chàng trai sắp tròn 23 tuổi chỉ còn những vết rạn.

Bác sĩ khuyên anh phẫu thuật để chữa trị dứt điểm chấn thương. Tuấn Anh níu kéo bằng lời đề nghị xin được chữa trị bằng tập hồi phục. Bác sĩ nói không thể và một lần nữa Tuấn Anh phải nhờ tới sự can thiệp của dao kéo để cứu rỗi đời cầu thủ.

Có những thứ ta làm nhiều thành quen mà lấy làm vui vẻ nhưng có những thứ lại hoá thành sợ hãi. Tuấn Anh mang nỗi sợ tự nhiên khi phải đối mặt với kẻ thù của sự nghiệp cầu thủ: chấn thương. Anh lên bàn mổ, mọi thứ kết thúc, Tuấn Anh hy vọng thế rồi cuộc đời một lần nữa nhúng anh xuống bùn. Cơ thể Tuấn Anh 6 năm qua phải gồng gánh hơn 10 chấn thương các loại với 7 đợt chữa trị tất cả. Đầu gối được xem là nơi quan trọng nhất của cầu thủ thì với Tuấn Anh, anh phải mổ cả hai, trở thành trường hợp hiếm của bóng đá nước nhà.

Chưa ai quên Tuấn Anh đã lỡ chuyến đi tới Hy Lạp thử việc vào đầu năm 2013, lỡ cả SEA Games 2015, chẳng kịp chứng tỏ mình tại Nhật Bản năm 2016 và còn đó những kỷ niệm của 2017, 2018. U23 Việt Nam làm nên lịch sử tại Trung Quốc đáng lẽ đã có tên Nguyễn Tuấn Anh. Tất cả đều do kẻ thù mang tên "chấn thương".

Tiền vệ Tuấn Anh: 6 năm trốn chạy kẻ thù và những tấm ảnh film nâng đỡ đôi chân pha lê của bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức của HAGL từng chia sẻ: "Lứa này ngon đấy. Và tôi cho rằng, Tuấn Anh là ngon nhất. Nếu không chấn thương, tôi nghĩ hắn sẽ toả sáng". HLV Guillaume Graechen thì nuối tiếc: "Tuấn Anh là một cầu thủ đặc biệt! Ngay từ khi còn là một cậu bé, Tuấn Anh từng làm tôi lay động và khẳng định đây sẽ là một cầu thủ lớn trong tương lai, có thể ra nước ngoài thi đấu. Tiếc thay, những chấn thương nghiệt ngã đã cản bước phát triển của cậu ấy".

Đời cầu thủ cùng lắm có được hai lần 10 năm, đời cầu thủ Việt Nam có khi chỉ được một nửa số ấy, thế mà Tuấn Anh dành 5/6 năm qua chỉ để đối mặt với chấn thương, chữa trị và hồi phục. Bi kịch với một tài năng bắt nguồn từ đấy để rồi có lúc cậu phải thốt lên: "Tôi chỉ ước mình có thể chạy nhảy như một người bình thường". Thế rồi, cậu chụp đôi nạng lên trang cá nhân với hai chữ đầy ám ảnh: "Third leg (chiếc chân thứ ba)".

Nhiều lúc ngẫm nghĩ khoảng thời gian vừa qua của Tuấn Anh như một sa mạc khô cằn, lay lắt vài sự sống và mạch nước trong lành. Cậu khao khát được dành thanh xuân cho sân cỏ xanh thay vì những chiếc giường bệnh vải trắng. Cậu muốn điểm nhìn của mình hướng đến khung thành đối phương thay vì khung cửa sổ bệnh viện với tầm ngắm là những khối bê tông lạnh lùng.

Tuấn Anh đọc "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời" của Haruki Murakami để rồi biết rằng nhân vật chính ấp ủ thứ tình cảm nguyên thuỷ, được thoả mãn nhưng sau cùng điều còn lại cũng chỉ là sa mạc. Tuấn Anh cũng nghe nhạc Trịnh, "nhìn những mùa thu đi" mà nhìn thấy con người mình trong dòng chảy của tiếng tíc tắc đồng hồ.

"Và lá rụng ngoài sân

Nghe tên mình vào quên lãng

Nghe tháng ngày chết trong thu vàng".

Tiền vệ Tuấn Anh: 6 năm trốn chạy kẻ thù và những tấm ảnh film nâng đỡ đôi chân pha lê của bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

Nỗi đau là điều không thể tránh khỏi, khổ sở dày vò là một sự lựa chọn

Cuối cùng, chàng "Nhô" mà chúng ta biết không bỏ cuộc. Cậu lại đứng dậy và làm lại với những lần nghiến răng chịu đau sau phẫu thuật, mệt đến khó thở trong phòng gym với mồ hôi đầm đìa sau lưng áo. Trẻ con thì muốn đi chơi còn cầu thủ chỉ muốn ra sân và giành chiến thắng. Họ ghét những giờ tập chiến thuật, ghét những buổi phải đắm chìm trong phòng gym cũng như trẻ con ghét ngồi vào bàn học. Thế nhưng, cuộc sống của Tuấn Anh đâu chỉ có thế.

Tuấn Anh từng thử tìm kiếm vận may bằng hình xăm, là "thánh giá", là dòng chữ "Only God can judge me" (chỉ có Chúa mới có thể phán xét tôi) trên cánh tay trái. Phía sau lưng chàng trai sinh năm 1995 còn một hình xăm khác nhưng cậu vẫn giữ kín cho đến bây giờ.

Khi nỗi buồn lặp đi lặp lại nhiều lần, Tuấn Anh chọn cho mình một đức tin để bám víu và vượt qua thử thách. Tâm hồn Tuấn Anh còn bám chặt vào nhạc Trịnh, vào những ca khúc "Indie" đang thịnh hành đến từ một lớp nghệ sĩ Underground trẻ của Việt Nam nổi lên dạo này.

Những ngày chấn thương dai dẳng đưa Tuấn Anh đến với sách với những cơn mộng thay cho nỗi đau của cuộc đời, từ "Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki" của Yasigawa Satoshi đến "Em sẽ đến cùng cơn mưa" của Takuji Ichikawa, hay đi tìm chút "ngẫu hứng" từ tự truyện của nhạc sĩ Trần Tiến.

Tuấn Anh còn mang trong mình sự đồng cảm sâu sắc với phong cách Nhật Bản và sẽ chẳng là nói quá khi cậu là "người Nhật nhất" trong số những cầu thủ Việt Nam. Từ mái tóc, thứ mà Tuấn Anh từng thốt lên "bố khỉ" vì có người nói rằng "cái đầu này tối tăm không phất lên được", cho đến thời trang, từ niềm yêu thích các tác phẩm văn học của xứ Phù Tang đến sở thích lưu lại khoảnh khắc cuộc sống bằng những tấm ảnh film do chính tay mình chụp.

Chuyến đi của Tuấn Anh lúc nào cũng kề cận một chiếc máy ảnh hiệu Minolta. Cái âm thanh, thứ màu sắc đặc trưng, cả cái cảm giác tiếc hùi hụi vì chụp thật nhiều để rồi 2 tháng sau mở ra mới biết mình quên chưa lắp phim vào máy, tất cả đều lôi cuốn Tuấn Anh.

Trang Instagram như một không gian nhỏ miêu tả lại một phần ký ức của Tuấn Anh trong 6 năm qua, dù có năm là khoảng trắng, là nơi cậu lưu giữ những hình ảnh sau những ngày rong ruổi ở những nơi cậu đi qua. Nhìn vào đấy, những người hâm mộ yêu mến Tuấn Anh nhìn thấy thứ màu sắc hoài cổ dù là film hay giả film nhưng thứ đọng lại là nét yên bình qua điểm nhìn của người chụp. Tuấn Anh hay bất cứ con người nào xuất hiện trong tấm ảnh do chính anh bấm máy đều chỉ là một phần trong không gian rộng lớn của tự nhiên cũng là không gian yêu thích của tiền vệ người Thái Bình.

Tiền vệ Tuấn Anh: 6 năm trốn chạy kẻ thù và những tấm ảnh film nâng đỡ đôi chân pha lê của bóng đá Việt Nam - Ảnh 5.

Tuấn Anh từng chia sẻ thế này trên trang Instagram của anh: "Mình xin lỗi những bạn mà mình chặn. Mình không ghét ai cả. Chỉ vì ở đây toàn những thứ buồn chán và nhảm nhí mà thôi. Vì thế trước khi làm ai chán và phiền toái thì mình làm trước vậy. Thành thật xin lỗi".

Với quá nhiều nỗi đau trong quá khứ, Tuấn Anh vẫn may khi còn có nơi để dành cho riêng mình, được bộc lộ cái tôi và nói lên những điều mình cảm nhận được. Với chưa đầy 14.000 lượt follow, con số ấy chẳng thấm tháp vào đâu so với người bạn thân Phượng, Trường, nhưng Tuấn Anh vẫn được là Tuấn Anh.

Rõ ràng, nỗi đau là điều không thể tránh khỏi nhưng Tuấn Anh đã không chọn dày vò bản thân. Cậu đi theo thú vui của mình để quên đi quãng thời gian khó khăn ấy. Nhiều người hâm mộ từng cảm thán: "Đừng buồn Tuấn Anh nhé!" khi chứng kiến cuộc đời của cậu để rồi nhân vật chính phải đứng ra phân trần: "À, thực ra mình không buồn như mọi người vẫn nghĩ đâu".

Sau cơn mưa trời lại sáng và may mắn thì có cả cầu vồng, Tuấn Anh trở lại rồi đấy thôi.

Đây rồi bộ tứ huyền ảo của phố Núi Pleiku

Ngày 26/5/2019, bản danh sách 23 tuyển thủ Việt Nam dự King’s Cup được công bố, Tuấn Anh có tên và rõ ràng sự ngỡ ngàng vẫn còn ẩn hiện ở nhiều người sau khi xem xong. Lý do thật sự khiến Tuấn Anh được gọi là gì, có lẽ chỉ có HLV Park Hang-seo hay trợ lý Lee Young-jin trả lời mới đem lại sự thuyết phục, còn lại tất cả đều chỉ là những bình luận và dự đoán.

Quan trọng hơn, sau nhiều ngày tháng, người hâm mộ được chứng kiến 4 cầu thủ là những thần tượng lớn nhất của lứa đầu tiên lò đào tạo HAGL Arsenal JMG một thời góp mặt ở đội tuyển quốc gia, gồm: Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Văn Toàn.

Lần gần nhất điều này xuất hiện là từ chuyến làm khách trước Iraq thuộc vòng loại World Cup 2018 diễn ra đầu năm 2016. Tại SEA Games 2017, cả 4 cái tên cũng được cùng U22 Việt Nam hành quân đến Malaysia.

Lần gần nhất cả 4 cái tên cùng góp mặt trong một trận đấu là trận hoà 1-1 của HAGL trước Hải Phòng tại vòng 2 V.League 2018. Ngày 17/3 ấy chắc chắn khó quên khi Tuấn Anh rời sân bằng cáng trong cơn đau và nước mắt. Bộ tứ HAGL cũng tạm thời biến mất từ đó đến nay.

1 năm sau, Tuấn Anh trở lại và chỉ còn Văn Toàn ở lại phố Núi. Xuân Trường sang Thái Lan đầu quân cho Buriram United, còn Công Phượng trở lại Đông Á, đầu quân cho Incheon United tại K.League Classic 2019.

Giai đoạn 2013 – 2015 là những tháng ngày người hâm mộ bóng đá phát cuồng về cặp tiền vệ trung tâm và tiền đạo của U19 Việt Nam, của HAGL. Tuấn Anh - Xuân Trường, Văn Toàn – Công Phượng trở thành những thần tượng mới khi mới 19, đôi mươi. Họ cùng nhau nổi tiếng, cùng nhau trải qua những thăng trầm, đi qua những chỉ trích để giờ đây, khi đã bước qua ngưỡng cầu thủ trẻ, tất cả đều đã có chỗ đứng trong làng bóng đá nước nhà. Nhưng, mùa giải 2019 tiếp tục tạo nên những bước ngoặt cho 4 người.

Xuân Trường, Công Phượng tiếp tục chật vật chứng tỏ bản thân ở các CLB nước ngoài trong lần thứ 2 xuất ngoại. Họ là ngôi sao ở Việt Nam nhưng khi ra nước ngoài đều phải từng bước, từng bước chứng tỏ và hoà nhập với nền bóng đá mới. Thế nhưng, con đường họ đi vẫn được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho bóng đá Việt Nam, cho những ngày có thêm nhiều cầu thủ Việt ra nước ngoài chơi bóng.

Văn Toàn thì vẫn vậy, nhiệt huyết và máu lửa, luôn lao nhanh như một cơn gió trên sân để ghi bàn, để cướp bóng. Sau 12 vòng đấu tại V.League 2019, giới chuyên môn thừa nhận chưa khi nào được chứng kiến một Văn Toàn xuất sắc như hiện tại. 5 bàn thắng, 4 kiến tạo cho HAGL là minh chứng cho sự tiến bộ và những lời khen.

Tuấn Anh thì khác. Ngày anh trở lại V.League đã là một sự kiện đáng chú ý. Ngày anh vượt qua được nỗi ám ảnh ở SVĐ Lạch Tray lại trở thành một sự kiện đáng chú ý khác. Và cuối cùng khi V.League 2019 trôi qua 10 vòng đấu, những tiếng thở phào nhẹ nhõm được cất lên, Tuấn Anh vẫn còn đó, vẫn thi đấu và chẳng còn nhăn nhó vì bất cứ chấn thương nào.

Trên đất Thái Lan những ngày đầu tháng 6, "bộ tứ" ngày nào sẽ lại cùng nhau tập luyện. Trên mặt cỏ, dưới ánh đèn SVĐ Thunder Castle, liệu có khi nào cả 4 cùng xuất hiện trên sân? Khoảnh khắc ấy nếu thành sự thật sẽ kéo về cả miền ký ức của người hâm mộ về lứa U19 chơi bóng hoa mỹ năm nào ùa về.

Dưới bàn tay HLV Park Hang-seo, Tuấn Anh cũng được kỳ vọng sẽ có môi trường tốt nhất để phát triển và lấy lại những gì anh đã bỏ lỡ suốt nửa thập kỷ qua trong màu áo đội tuyển quốc gia. Sau quãng thời gian tăm tối, tài năng của bóng đá Việt Nam đã có được dặm dài ánh sáng niềm tin.

"Chúa" sau những lần quay lưng liệu có thể để cho chàng trai ấy được yên bình?

Thử thách đủ rồi. Tuấn Anh và đôi chân của cậu ấy cần được giải phóng để tạo nên những nét đẹp cho đời, cho bóng đá và người hâm mộ Việt Nam. Với "Tiểu Mozart", mọi thứ một lần nữa lại diễn ra từ điểm bắt đầu.

Chào mừng trở lại đội tuyển, chàng "Nhô" của bóng đá Việt!

Tiền vệ Tuấn Anh: 6 năm trốn chạy kẻ thù và những tấm ảnh film nâng đỡ đôi chân pha lê của bóng đá Việt Nam - Ảnh 8.

Lịch thi đấu King's Cup 2019. Đồ hoạ: Giang Nguyễn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày