Ngày 1/8, liên quan đến sự cố điểm ở Tây Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) tiến sĩ Sái Công Hồng cho biết, Bộ sẽ kiểm tra nhật ký chấm và làm rõ lỗi từ bộ phận nào để xử lý nghiêm túc và rút kinh nghiệm cho công tác chấm thi trắc nghiệm tới đây.
Trong báo cáo gửi Bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh nêu rõ nguyên nhân là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.
Ông Trần Đức Thuận - Phó Hiệu trưởng Đại học công nghệ Đồng Nai - Trưởng ban Phúc khảo cho biết, Hội đồng xác định 3 nguyên nhân chính của việc thay đổi điểm thi, là do các nguyên nhân kỹ thuật liên quan đến giấy in, chất lượng in Phiếu trả lời trắc nghiệm…nên máy quét không nhận dạng được chính xác phiếu trả lời trắc nghiệm.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân thí sinh tô sai mã đề; thí sinh chọn lại phương án mới nhưng không tẩy hết phương án cũ.
Trưởng ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm, Hội đồng thi THPT Quốc gia tỉnh Tây Ninh cho rằng trong số hơn 20.000 bài thi trắc nghiệm của 8.700 thí sinh dự thi ở Hội đồng này, việc vẫn còn vài chục bài thi phải chủ động đưa vào diện chấm phúc khảo là điều khó tránh khỏi.
Công tác phúc khảo bài thi trắc nghiệm nằm trong quy định của quy chế thi THPT Quốc gia, với lịch trình cụ thể được quy định từ trước để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, không ảnh hưởng đến việc xét công nhận tốt nghiệp cũng như xét tuyển sinh đại học, cao đẳng của thí sinh. Ban phúc khảo bài thi trắc nghiệm làm việc đúng quy trình, quy định của Quy chế để trả lại điểm thật, tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Sau phúc khảo, 58 bài thi nhận điểm 0 tăng từ 2 đến 8,75 điểm. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, phần mềm chấm trắc nghiệm không thể bị lỗi, vì nếu bị, lỗi sẽ xuất hiện ở bài thi của 63 tỉnh thành.
Trả lời VTC News, PGS.TS Trần Văn Tớp - Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa năm nay cho biết, việc chấm thi trắc nghiệm được thực hiện theo bốn bước: Quét, soát, sửa và chấm. Để thực hiện được những bước này, các trường phải được tập huấn kỹ càng.
Ông Tớp nhận định, phần mềm năm nay có tính bảo mật cao. Việc quét bài thi theo từng phòng giúp xác định chính xác những sai sót như thí sinh tô sai mãi đề, trùng mã đề.
“Hầu hết dữ liệu từ khâu quét, đến khâu sửa lỗi, khâu chấm đều được mã hóa và bảo mật. Bản thân người chấm không thể nhìn được toàn bộ bài thi của thí sinh và không thể can thiệp được.
Kết quả chấm cuối cùng chúng tôi chỉ gửi về Bộ GD&ĐT dưới dạng mã hóa và chỉ Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia mới mở được”, ông Tớp nói.
Hiệu phó trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng sự việc thí sinh ở Tây Ninh được tăng điểm sau chấm phúc khảo là hiện tượng cá biệt chứ không phải lỗi phần mềm hay gian lận.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa. (Ảnh: VHDN)
Có nhiều năm kinh nghiệm trong chấm thi trắc nghiệm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trưởng ban chấm thi tại Hội đồng thi tỉnh Đắk Lắk cho rằng, phần mềm chấm thi của Bộ GD&ĐT cung cấp thông minh, cho phép nhận dạng và báo những bài thi tô mờ, hoặc tô sai số báo danh, tô sai mã đề.
Với trường hợp tô sai mã đề, do phần mềm năm nay quét bài thi theo từng phòng thi, mỗi phòng thi quy định có 24 mã đề, nên trường hợp thí sinh tô sai, cán bộ chấm thi hoàn toàn có thể phát hiện để sửa chữa.
Với trường hợp bài thi tô quá mờ, những câu không có đáp án, phần mềm cũng nhận dạng được và khuyến cáo nên mở bài thi để xem có tô mờ đáp án không.
“Chỉ cần những khâu này xảy ra sai sót, phần mềm sẽ không thể đọc được dữ liệu trên bài thi của thí sinh”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Liên quan đến 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 tại Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh, ông Dũng cho rằng, nguyên nhân có thể đến từ vấn đề máy móc, Phiếu trả lời trắc nghiệm hoặc cán bộ coi thi. Giả thiết lỗi do hệ thống phần mềm chấm thi là hoàn toàn không có cơ sở, bởi nếu lỗi hệ thống phần mềm thì sự cố đã xảy ra đồng loạt trên 63 tỉnh thành.
Ông cũng phân tích, quy trình scan, quét hình ảnh bài thi là khâu quan trọng bởi độ chính xác của file ảnh sẽ quyết định tính chính xác của kết quả chấm thi. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật của người thực hiện cũng như máy móc và chất lượng bản in Phiếu trả lời trắc nghiệm.
“Nếu như máy cũ, bộ phận cuốn giấy mòn, hư hỏng, có thể kẹt bài thi, scan bị lệch. Hoặc người chấm chủ quan, chỉ cần đặt lệch, nghiêng phiếu trả lời trắc nghiệm, thì file nhận dạng đã không đúng”, ông Dũng nói.
Theo kết quả công bố phúc khảo mới đây Sở giáo dục và Đào tạo Tây Ninh, trong 62 bài trắc nghiệm, 58 bài bị điểm 0 đã được tăng điểm mạnh sau phúc khảo, nhiều nhất có môn lên đến 8,75 điểm.
Trong số thí sinh bị điểm 0, có em đạt học sinh giỏi quốc gia.