55 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng rất nặng, 2 ca nguy cơ tử vong

VÕ THU, Theo Gia đình và xã hội 17:15 21/05/2021
Chia sẻ

Tính đến chiều 21/5, cả nước có 65 ca tiên lượng nặng, 55 ca tiên lượng rất nặng, 2 ca tiên lượng tử vong (một ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, một ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM).

Cuối giờ sáng 21/5, Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) hội chẩn 18 bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương báo cáo 14 ca nặng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng báo cáo 2 ca, Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh và Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đắk Lắk mỗi nơi báo cáo 1 ca.

Trong 18 bệnh nhân nặng được báo, có 4 trường hợp trẻ tuổi (35 - 37 tuổi) không có tiền sử bệnh lý; 14 bệnh nhân còn lại tuổi từ 50 - 81, có nhiều người có bệnh lý nền phức tạp như ung thư phổi, xơ gan, tăng huyết áp, tiểu đường lâu năm, suy thận mạn, phổi tắc nghẽn mãn tính…

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nhân không mắc COVID-19 tình trạng bệnh tật đã rất nặng, tiên lượng tử vong như BN 3153, BN 3780 (bị ung thư phổi khá lâu), BN 3019 (ung thư phổi di căn xương). Do đó việc điều trị đối với những bệnh nhân này thực sự là một hành trình khó khăn.

Trong số các bệnh nhân được hội chẩn hôm nay, có những bệnh nhân được hội chẩn nhiều lần, trong đó có BN 3760 được hội chẩn lần 3. Đây là bệnh nhân bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, tiểu đường, suy giáp, suy thượng thận. Hiện đang được điều trị an thần, thở máy xâm nhập, cân bằng điện giải, chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết, huyết áp; kháng sinh chống nấm.

55 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng rất nặng, 2 ca nguy cơ tử vong - Ảnh 1.

Tiểu ban Điều trị thường xuyên tổ chức hội chẩn quốc gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh: Võ Thu)

Bệnh nhân trẻ, không tiền sử bệnh tật vẫn trở nặng nhanh

Ngoài trường hợp thai phụ 35 tuổi ở Hà Nội, một bệnh nhân nam trẻ tuổi khác là nam bác sĩ 37 tuổi, không có bệnh lý nền. Hiện bệnh nhân đã hạ sốt, đang thở máy qua nội khí quản, lọc máu liên tục quả lọc oxiris; duy trì an thần, giãn cơ, chăm sóc hô hấp.

Người thứ 3 cũng có tiền sử khoẻ mạnh nhưng diễn biến tăng nặng nhanh khi nhiễm SARS-CoV-2 là BN 3207, 37 tuổi ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Bệnh nhân phát hiện dương tính hôm 7/5.

Sau khi xuất hiện sốt, ho, tức ngực, người đàn ông trẻ tuổi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị 4 ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, suy hô hấp tăng, phải thở oxy dòng cao (HFNC) rồi chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khi SpO2 chỉ còn 82%.

Lập tức bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, chuyển lên khoa Hồi sức tích cực (ngày 18/5).

Chỉ 4 tiếng sau khi vào viện, bệnh nhân diễn biến tăng nặng nhanh, được chỉ định ECMO. Hình ảnh X-quang phổi cho thấy đã mờ lan toả ¾ trường phổi. Hiện bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi ARDS nặng (suy hô hấp cấp tiến triển) do SARS-CoV-2.

Bệnh nhân đang được giảm dần an thần, tiếp tục duy trì kháng sinh, chăm sóc hô hấp, thay đổi tư thế nằm và dinh dưỡng, cân bằng dịch.

2 ca tiên lượng tử vong, 55 ca tiên lượng rất nặng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết từ 27/4 đến nay, chỉ trong gần 1 tháng, Việt Nam ghi nhận tới khoảng 1.900 bệnh nhân, tương đương lượng bệnh nhân cả năm ngoái. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân nặng trong đợt dịch này khá cao.

Tính đến chiều 21/5, cả nước có 65 ca tiên lượng nặng, 55 ca tiên lượng rất nặng, 2 ca tiên lượng tử vong (một Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, một ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM).

Theo diễn biến điều trị, hiện có 71 ca thở oxy, 7 ca nặng - thở máy không xâm nhập, 21 ca nguy kịch - thở máy xâm nhập và 3 bệnh nhân phải chạy ECMO.

Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đang điều trị 61 bệnh nhân có triệu chứng, trong đó có 20 ca thở oxy, 3 ca thở máy HFNC, 1 ca thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục.

TS Vũ Đình Phú - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - cho biết, hiện Bệnh viện có 360 bệnh nhân COVID-19, trong số này có 57 bệnh nhân thở oxy, 6 bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC), 19 ca thở máy, 2 ca ECMO. 84 bệnh nhân có bệnh lý nền nặng.

Các thầy thuốc từ Tiểu ban Điều trị đến các bệnh viện đã nỗ lực liên tục hội chẩn, chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý các thầy thuốc trực tiếp điều trị phải theo dõi sát sao bệnh nhân, liên tục báo cáo về Tiểu ban Điều trị để có những hỗ trợ kịp thời.

Tại buổi hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - cho biết ngay sau khi có công văn đề nghị của Sở Y tế Bắc Ninh, sáng nay Cục đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai khẩn cấp xuất cấp cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh mượn một số loại vật tư, hóa chất để sử dụng cho hệ thống ECMO và máy lọc máu liên tục, nhằm đảm bảo điều trị.

PGS Khuê cũng hoan nghênh Bệnh viện Bạch Mai đã kịp thời cử kíp cán bộ và hỗ trợ chuyên môn hồi sức tích cực cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, củng cố khoa này để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày