Vụ việc bắt đầu vào cuối tháng 5, nghi vấn trốn thuế của Phạm Băng Băng bắt đầu nhen nhóm khi MC nổi tiếng Thôi Vĩnh Nguyên đã có bài viết úp mở ngầm tố 1 ngôi sao tên tuổi nhận tiền catse với giá "trên trời" kèm theo ảnh chụp hợp đồng. Nam MC cho biết diễn viên nọ đã ký hai hợp đồng, một hợp đồng thực tế ghi tiền caste là 10 triệu NDT (khoảng 35,6 tỷ VNĐ), một hợp đồng "ngầm" nhận thêm 50 triệu NDT nữa (xấp xỉ 178 tỷ VNĐ). Cư dân mạng nhanh chóng tìm được diễn viên mà MC Thôi Vĩnh Nguyên ám chỉ là Phạm Băng Băng, gần đây cô đang có mặt tại phim trường "Di Động 2".
Sau đó, liên tiếp có những lời đồn về việc Phạm Băng Băng thua bạc ở Mỹ, có ý định từ bỏ quốc tịch Trung Quốc hay thậm chí là bị bắt giam vì trốn thuế... Mặc dù đại diện của Phạm Băng Băng đã ngay lập tức mạnh miệng thanh minh nữ diễn viên chưa từng ký tên vào "Hợp đồng âm dương". Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng bị điều tra, Phạm Băng Băng đã bị cục thuế kết luận hành vi trốn thuế và phải nộp phạt số tiền khổng lồ gần 900 triệu NDT (3100 tỷ).
Từ cuối tháng 11/2018, nhà nghiên cứu He Jiankui từ Trung Quốc gây sốc cả thế giới khi tuyên bố đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR để tạo ra 2 bé gái sinh đôi miễn nhiễm HIV. Trước làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng khoa học, chỉ trích việc làm của ông trái với các nguyên tắc đạo đức, He Jiankui đã lên tiếng bảo vệ nghiên cứu của mình. Ông nói rằng mình tự hào về nó. Hai đứa trẻ có tên là Lulu và Nana hiện vẫn "bình thường và khỏe mạnh", He Jiankui nói sẽ theo dõi chúng đến năm 18 tuổi.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã mở một cuộc điều tra về vụ việc và thông báo cấm ông He Jiankui không được thực hiện bất kỳ nghiên cứu nào nữa. Có thông tin cho rằng nhà khoa học này hiện đang bị quản thúc tại căn hộ tầng 4 thuộc nhà khách của Đại học Khoa học và Công nghệ miền nam thành phố Thâm Quyến.
Trước thềm tổ chức sự kiện The Great Show tại Thượng Hải tối ngày 21/11, NTK của hãng Dolce & Gabbana – ông Stefano Gabbana – bất ngờ dính phải nghi vấn kỳ thị, chửi bới người Trung Quốc trên MXH. Ngay lập tức hàng loạt ngôi sao danh tiếng đã thông báo sẽ không tham dự sự kiện này, chính người đại diện khu vực châu Á Thái Bình Dương của Dolce&Gabbana là Địch Lệ Nhiệt Ba và Vương Tuấn Khải cũng tuyên bố vắng mặt tại event nói trên.
Nhưng không chỉ dừng ở việc bị chỉ trích và huỷ show thời trang, nhà mốt đến từ nước Ý còn phải chịu sự tẩy chay trên diện rộng khi các trang web thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc đồng loạt xoá sạch các sản phẩm Dolce&Gabbana. Sau đó, nhận thấy tình hình quá nghiêm trọng, 2 NTK của thương hiệu này là Stefano Gabbana và Domenico Dolce đã phải chính thức ra mặt, nói lời xin lỗi với toàn thể khách hàng, cụ thể là người dân Trung Quốc. Nhưng điều đó vẫn không thể xoa dịu được cơn phẫn nộ của đất nước tỉ dân, nơi chiếm tới 33% lượng tiêu thụ đồ hiệu đắt tiền trên toàn cầu.
Clip cô người mẫu đã sử dụng đũa để ăn pizza, spaghetti… với động tác lóng ngóng và biểu cảm khá tức cười do Dolce & Gabbana đăng tải đã châm ngòi cho làn sóng tẩy chay hãng thời trang ở Trung Quốc
Bà Sabrina - Mạnh Vãn Chu là phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông đình đám Huawei, cũng là con gái của người sáng lập Nhậm Chính Phi. Ngày 1/12, nữ CFO này bất ngờ bị bắt tại Canada và bị cáo buộc vi phạm các lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Iran đồng thời đứng trước nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ để xét xử.
Huawei xác nhận vụ bắt giữ trong một thông cáo, đồng thời cho biết tập đoàn cũng không có nhiều thông tin về các cáo buộc nhắm vào bà Mạnh. Huawei khẳng định "không nhận thấy bất cứ hành vi sai phạm nào của bà Mạnh". Dù nhà chức trách Canada không công bố chi tiết, nhưng dường như vụ bà Mạnh bị bắt có liên quan tới nhiều hoạt động trong quá khứ của Huawei, tập đoàn bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, theo Verge.
Cho đến ngày 22/12, tòa án căn cứ vào lý lịch không phạm tội, vấn đề sức khỏe cũng như nguyện vọng của bà Mạnh được lưu trú tại Vancouver, quyết định cho bà Mạnh được bảo lãnh. Trước đó, có thông tin luật sư bà Mạnh Vãn Chu đã đề nghị nộp 11,3 triệu USD cho tòa án để bảo lãnh cho bà Mạnh.
Phong trào #MeToo - chống quấy rối và bạo hành tình dục tiếp tục tạo nên làn sóng ở Trung Quốc vào năm 2018, đặc biệt là chống lại những nhân vật quyền lực trong giới giải trí và cả trong xã hội.
Vào tháng 8, Richard Liu (Lưu Cường Đông), giám đốc điều hành tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com đã bị bắt tại Mỹ với cáo buộc cưỡng hiếp. Nhưng sau đó các công tố viên ở Minnesota tuyên bố rằng họ đã bác bỏ vụ án do không đủ bằng chứng. Việc ông Lưu được tại ngoại đã dấy lên nhiều tranh cãi trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong một cuộc khảo sát cũng đã phát hiện ra rằng hơn 80% trong số 400 nhà báo nữ cho biết đã bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc càng khiến phong trào này phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một số người đàn ông bị buộc tội lạm dụng tình dục cũng đã đáp trả lại cáo buộc vì cho rằng điều đó không đúng với sự thật. Một giám đốc điều hành cấp cao của tổ chức bảo tồn động vật hoang dã WWF Trung Quốc đang kiện một cựu nhân viên đã buộc tội anh ta quấy rối tình dục hồi tháng 7, dưới danh nghĩa phong trào #MeToo. Hay MC truyền hình Chu Quân, cũng kiện một cựu thực tập sinh vì làm tổn hại danh tiếng lẫn tinh thần của ông, sau khi bị cô gái này tố cáo hành vi quấy rối.
(Theo SCMP)