5 nguyên tắc kinh tế phải học thuộc lòng để không bị hớ khi mua sắm ngày Black Friday

Thu Hương, Theo Trí Thức Trẻ 22:54 24/11/2017

Khi đi mua sắm trong ngày Black Friday, hãy luôn ghi nhớ 3 điều: mua sắm chính là 1 môn thể thao, đây là giải đấu rất khốc liệt và các nhà bán lẻ chơi môn thể thao này giỏi hơn bạn!

Quy luật đầu tiên về giá là khách hàng không thể biết chính xác thật sự thì 1 món đồ có giá trị bao nhiêu. Người đi mua hàng được chỉ đường bởi những manh mối hời hợt (ví dụ như món đồ A rẻ hơn món đồ B) và những nhận định đầy cảm tính thay vì suy nghĩ một cách thấu đáo.

5 nguyên tắc kinh tế phải học thuộc lòng để không bị hớ khi mua sắm ngày Black Friday - Ảnh 1.

Những món đồ giảm giá mà bạn nhìn thấy giống như màn kịch được đạo diễn bởi các cửa hàng bán lẻ và nhà cung ứng. 1 chiếc áo len cardigan màu đỏ rất hấp dẫn trong mắt người mua hàng khi được trưng biển giảm giá 40% và chỉ còn 39,99 USD. Nhưng giảm giá 40% so với cái gì? Bình thường bạn sẽ phải mua nó với giá 68 USD ư? Theo Wall Street Journal, rất tiếc câu trả lời là không! Trò chơi giảm giá sẽ hoạt động theo quy tắc như sau: khách hàng sẽ được “tiêm” một liều “thuốc kích thích” với suy nghĩ mình vừa vợt được một món hời, còn lợi nhuận của cửa hàng thì chẳng hề suy giảm.

Dưới đây là 5 mẹo để bạn có thể mua sắm 1 cách thông minh, tất cả đều dựa trên những nguyên lý cơ bản của kinh tế học vi mô, kinh tế học hành vi và tâm lý học.

1. Tại sao lại gọi là Ngày thứ 6 đen tối?

Có khá nhiều cách giải thích cho tên gọi Black Friday của dịp lễ mua sắm lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, có 1 điều bạn nên nhớ: đây chính là quãng thời gian để nhiều cửa hàng đi từ lỗ (in the red) sang có lãi (in the black). Black Friday không phải là ngày dành cho bạn mà là cho các cửa hàng.

Sai lầm lớn nhất mà mọi người thường mắc phải dịp Black Friday là mặc định đây chính là ngày tốt nhất trong năm để mua bất cứ thứ gì. Nếu bước vào cửa hàng lúc 5h sáng ngày thứ 5, bạn cũng sẽ bắt gặp những tấm biển giảm giá kịch sàn ở khắp mọi nơi. Thêm vào đó, sẽ chỉ có một số ít mặt hàng được bán dưới giá vốn để lôi kéo người mua. Cách sắp xếp bày biện thông minh của các cửa hàng sẽ dễ dàng dẫn bạn đến những món đồ đem lại nhiều lợi nhuận hơn.

2. Những món hời nhất không ở tuần này

Có 2 lý do phổ biến nhất để 1 mặt hàng giảm giá sâu: chính sách phân biệt giá (price discrimination) và áp lực về hàng tồn kho. Trong trường hợp phân biệt giá, cửa hàng đánh vào tâm lý chuộng hàng rẻ của khách và truyền đi thông điệp: “Hey, người ham giá rẻ, tôi biết bạn sẽ không bao giờ mua cái ấm này với giá 50 USD, mà tôi chỉ bán giá 40 USD thôi. Hãy nhanh tay mua nó đi!”. Trong trường hợp còn lại, thông điệp là: “Giá 50 USD hay 40 USD bạn đều không mua, mà cái ấm này đang chiếm diện tích trong kho và khiến chúng tôi mất tiền, vì thế tôi sẽ bán rẻ như cho. 38 USD bạn có mua không?”

Đừng vì những lời nói đầy sức thuyết phục như vậy mà vội vã đưa ra quyết định. Thực tế mấy năm gần đây cho thấy giá sẽ tiếp tục thấp như vậy đến tận đầu tháng 12, thậm chí còn giảm sâu hơn nữa vì áp lực hàng tồn kho cuối năm.

3. Giá cuối cùng không phải là giá trên hóa đơn

Hãy tính đến cả tiền xăng mà bạn phải tiêu tốn để lang thang ở khắp các trung tâm thương mại, chi phí vận chuyển đóng gói hàng hóa và nhiều chi phí khác có vẻ lặt vặt nhưng cộng dồn lại sẽ không hề nhỏ.

Chúng ta thường bỏ qua các chi phí này vì tập trung quá nhiều vào câu chuyện giảm giá. Tuy nhiên, nếu bạn phải mất tới 40 phút để lái xe đến trung tâm mua sắm và thêm 20 phút nữa để chờ đợi ở bãi đỗ xe, chi phí cho chuyến mua sắm của bạn đã tăng lên đáng kể.

4. Hãy kiên định với danh sách mua sắm đã đề ra

Chúng ta thường dễ dàng rơi vào tình trạng “mệt mỏi vì đưa ra quyết định”, khiến cho bạn không còn khả năng từ chối lại những món đồ hấp dẫn sau khi đã trải qua cả 1 buổi bận rộn chọn lựa hàng hóa.

Theo dõi chặt chẽ số tiền đã bỏ ra là điều nên làm, nhưng hãy cẩn thận vì các con số có thể khiến suy nghĩ của bạn bị đóng khung theo cách tiêu cực. Nhà kinh tế học Dan Ariely lấy ví dụ cùng là 1 chiếc ghế giá 150 USD nhưng nếu vừa chi 500 USD mua 1 món đồ khác thì bạn sẽ sẵn sàng mua chiếc ghế này hơn so với trường hợp vừa bỏ ra chỉ 5 USD cho bữa trưa.

Cách tốt nhất để vượt qua 2 vấn đề kể trên là viết ra 1 danh sách và chỉ mua những món đồ có trong danh sách này.

5. Cẩn trọng với từ “miễn phí”

Sẽ có điều khá kỳ lạ xảy ra với não bộ của bạn khi nhìn thấy giá của 1 món đồ giảm từ 1 USD xuống 0,01 USD và cuối cùng là 0 USD. Cách đây một vài năm, Amazon.com bắt đầu thực hiện chương trình miễn phí ship cho hóa đơn lớn hơn 1 mức nhất định. Mua 1 quyển sách với giá 16,95 USD bạn sẽ mất 3,95 USD tiền ship, nhưng nếu mua 2 quyển giá tổng cộng 31,90 USD sẽ là free ship. Bạn không thực sự muốn mua quyển thứ 2, nhưng giao hàng miễn phí là thứ đủ hấp dẫn để bạn quyết định mua thêm 1 quyển.

Miễn phí không phải là thứ xấu, thậm chí là rất tốt. Nhưng chúng ta thường hào hứng thái quá và dễ dàng phạm phải sai lầm.

Theo The Atlantic