5 ngày 3 vụ cây đổ đè chết người ở Sài Gòn: Có phải là "thiên tai bất khả kháng"?

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 31/08/2016

Chỉ trong 5 ngày trở lại đây, trên địa bàn TP. HCM đã xảy ra 3 vụ cây xanh gãy đổ trong mưa lớn, đè bẹp nhiều ô tô, xe máy và gây chết người. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường trong vụ việc này?

Nơm nớp ra đường khi trời mưa vì sợ tai nạn từ... trên trời rơi xuống

Sài Gòn đã bước vào mùa mưa và đang gây lo ngại cho người dân thành phố mỗi khi ra đường. Bởi chỉ chưa đến một tuần đã xảy ra 3 vụ cây gãy đổ đè chết người và gây thiệt hại tài sản. Trong đó có một cụ bà và một thanh niên đã tử vong vì bị cây đè.

5 ngày 3 vụ cây đổ đè chết người ở Sài Gòn: Có phải là thiên tai bất khả kháng? - Ảnh 1.

Một cây xanh gãy đổ sau cơn mưa lớn ở Sài Gòn.

Cụ thể vào sáng 26/8, bà Trương Thị Ngọc Mai (60 tuổi) đi bộ tập thể dục trong công viên Tao Đàn thì bất ngờ bị một nhánh cây lớn từ trên cao rơi xuống khiến bà trọng thương phải nhập viện. Sau 3 ngày điều trị, bà Mai đã không qua khỏi.

Tiếp đó, vào chiều ngày 28/8 trên đường An Dương Vương (quận 5, TP. HCM), một cây xà cừ cổ thụ có đường kính khoảng 1 mét, cao gần 30 mét bất ngờ bật gốc, đổ chắn ngang đường. Thân cây đè trúng một ôtô đỗ gần đó và phần ngọn đập vào ba ngôi nhà đối diện bên đường. Lúc đổ xuống, cành cây cũng quật trúng anh Khải (25 tuổi, nhân viên trang trí xe ô tô gần đó). Do cú va đập mạnh, anh Khải đã mất nhiều máu đồng thời bị chấn thương sọ não, dù được các y bác sĩ nhiệt tình cứu chữa nhưng nạn nhân đã không qua khỏi.

5 ngày 3 vụ cây đổ đè chết người ở Sài Gòn: Có phải là thiên tai bất khả kháng? - Ảnh 2.

Cây cổ thụ bật gốc trong mưa lớn và ngã đổ, đè chết một thanh niên trẻ tuổi.

Mới đây nhất vào chiều ngày 30/8, một cây xà cừ lớn bất ngờ đổ ập xuống đường Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5 khiến một nam thanh niên bị thương ở chân, tay, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. 

5 ngày 3 vụ cây đổ đè chết người ở Sài Gòn: Có phải là thiên tai bất khả kháng? - Ảnh 3.

Một cây xà cừ lớn bất ngờ đổ ập xuống đường Sư Vạn Hạnh.

Liên tiếp nhiều vụ tai nạn từ "trên trời rơi xuống" như thế, lại xảy ra liên tiếp nên đã gây hoang mang cho người dân thành phố. Những ngày gần đây, hầu như Sài Gòn đều phải chịu những cơn mưa to, gió giật vào giờ tan tầm. Ngoài lo ngại về tình trạng kẹt xe, ngập lụt trên một số tuyến đường, người dân vẫn nơm nớp lo sợ, nhất là khi đi vào những con đường có nhiều hàng cây xanh trăm tuổi như đường 3 tháng 2, An Dương Vương, Sư Vạn Hạnh... vì sợ cây bật gốc, gãy đổ.

Chị Thu Hiền, nhân viên văn phòng ở quận 3 chia sẻ: "Mấy ngày này chiều nào cũng mưa lớn, tôi luôn phải gọi về nhà để nói người thân không nên ra đường vì sợ cây đổ bất chợt gây nguy hiểm. Riêng tôi thì ngồi lại công ty khá muộn, chờ ngớt mưa, đứng gió thì mới dám ra đường".

Cây đổ trong mưa có phải là "thiên tai bất khả kháng"?

Có người cho rằng, việc cây đổ trong mưa là không lường trước được nên không thể quy trách nhiệm cho cá nhân hoặc tổ chức cụ thể nào. Tuy nhiên, nói về điều kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

"Các sự kiện được xem là bất khả kháng và không truy cứu trách nhiệm của người quản lý trực tiếp phải là sự kiện thiên tai, lũ lụt, mưa bão, hạn hán... và phải được cơ quan chức năng công bố. Như vậy, đối với cái chết của 2 người do bị cây đè trong mưa dông, đây không được xem sự kiện bất khả kháng", luật sư Hoài Nam khẳng định.

5 ngày 3 vụ cây đổ đè chết người ở Sài Gòn: Có phải là thiên tai bất khả kháng? - Ảnh 4.

Hai vụ cây đè chết người trước đó, theo luật sư Nam, không phải là sự kiện bất khả kháng.

Theo luật sư, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM là đơn vị dịch vụ công ích được UBND TP giao nhiệm vụ trồng cây, quản lý và chăm sóc cây xanh, thì họ phải là người có trách nhiệm biết trước mùa thiên tai, mưa bão đến gần và tiến hành chặt, tỉa cành những cây có nguy cơ gãy đổ cao, không thể để những tai nạn như thế này gây thương vong, thiệt hại cho người dân thành phố.

Về vấn đề bồi thường, luật sư Hoài Nam cho biết đơn vị này có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại về người và tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Những người thân của nạn nhân có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc khởi kiện ở toà án có thẩm quyền. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 

Việc bồi thường được xác định như sau: "Nếu thiệt hại xảy ra là sức khỏe và tính mạng của người bị hại thì phải bồi thường toàn bộ chi phí cứu chữa, điều trị, chi phí lo mai táng và một khoản bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần khi sức khỏe, tính mạng bị xâm hại". 

Còn đối với trường hợp được xác định là bất khả kháng thì dựa vào hợp đồng mua bảo hiểm của Công ty cây xanh này để bồi thường cho gia đình nạn nhân. "Các doanh nghiệp công ích nên có cơ chế và chính sách mua bảo hiểm cho hoạt động của mình nhằm đảm bảo việc bồi thường nếu có xảy ra sự cố, tránh đùn đẩy trách nhiệm", luật sư góp ý.

TPHCM yêu cầu kiểm tra tất cả cây cổ thụ

Tại buổi họp báo thường kỳ UBND, ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP HCM chia sẻ với phản ánh của người dân về tâm lý hoang mang, lo lắng lúc ra đường khi mưa gió vì kẹt xe, nước ngập và đặc biệt là sự cố cây đổ gây chết người.

Theo ông Hoan, hiện nay cây xanh trên 100 năm tuổi ở TP HCM có nhiều lý do đổ sập vì lâu năm già yếu, tình trạng bê tông hóa khiến phần rễ cây không phát triển bình thường.

"Nguyên nhân quan trọng nữa là quá trình đô thị hóa hạ tầng, các đơn vị thi công cứ đào qua đào lại, cắt xén tới lui ảnh hưởng đến bộ rễ khiến nó chịu lực kém, dẫn tới gãy đổ khi mưa to gió lớn", ông Hoan phân tích.

Chánh văn phòng UBND TP yêu cầu công ty công viên cây xanh TP, các Khu quản lý giao thông đô thị và Sở GTVT phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân vụ ngã cây gây chết người là do cây già yếu hay do hạ tầng giao thông cắt xén khiến cây không chịu lực được nữa. Từ đó đưa ra phương án kiểm tra tất cả cây xanh lớn tuổi trên địa bàn và đưa ra cách giải quyết thích hợp chứ hiện nay ứng phó với tình trạng này rất khó khăn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày