Thực tế thì chỉ có con người mới đặt ra các tiêu chuẩn về vẻ mỹ miều và sự ghê tởm. Các động vật không quan tâm. Chúng ăn để sống, chỉ đơn giản là như vậy mà thôi.
Trùng hợp là đôi khi, món ưa thích của chúng lại là thứ khiến ta cảm thấy rợn hết cả người.
1. Bướm Amazon - uống cạn nước mắt
Nếu tới rừng mưa phía tây Amazon, bạn có thể bắt gặp cảnh cả đàn bướm xinh tươi tụ tập quanh một con rùa. Tất nhiên, chúng không quây quần lại để nô giỡn với nhà rùa, mà thay phiên nhau đáp xuống uống nước mắt của con vật này.
Sở dĩ loài bướm ở Amazon thích "lệ rùa", vì trong đó có natri, khoáng chất hết sức quan trọng với cơ thể của một sinh vật sống. Trong khi các động vật ăn cỏ phải vật lộn lo thu nạp sao cho đủ muối, bướm Amazon lại phát hiện ra nguồn khoáng chất thiết yếu ấy dồi dào trong nước mắt của rùa, một loài ăn thịt.
Thực ra, nước mắt rùa không phải là nguồn natri duy nhất. Các loài côn trùng cũng có thể lấy nó từ nước tiểu, mồ hôi của người và động vật, hoặc từ bùn hay đất sét...
Và nước mắt rùa cũng không phải là "món tủ" duy nhất của họ nhà bướm. Nó còn có thể là nước mắt chim, thậm chí là nước mắt cá sấu nữa.
2. Chim sẻ ma cà rồng và một loài chim bị... điên
Đúng như cái danh "ma cà rồng", chim sẻ ma cà rồng (Geospiza difficilis) dùng cái mỏ sắc nhọn của nó chọc chim điên chân xanh (Sula nebouxii) một lỗ rồi khoái trá uống từng giọt máu.
Nhưng chim điên chân xanh đúng là... điên. Mặc dù bị những con chim sẻ ma cà rồng bé tẹo khoét thịt "xin huyết", nó cũng chẳng buồn động đậy. Thi thoảng, có con cũng xù lông ra khi bị rỉa thịt, song đấy cũng là giới hạn phản kháng cao nhất. Ngay cả khi bị nguyên một đàn chim sẻ ma cà rồng thay phiên nhau "dùng bữa", nó cũng cứ đứng yên chịu trận.
Uống đến thấm máu đẫm cả lông nhưng vẫn bình thường
Không chỉ hút máu chim điên chân xanh trưởng thành, chim sẻ ma cà rồng còn phá cả trứng lẫn tấn công chim non của chúng nữa. Dẫu vậy, chim điên chân xanh lớn cũng cứ mặc kệ.
3. Kiến Dracula - hút máu chính con non đồng loại
Nếu xét độ kinh dị, chim sẻ ma cà rồng vẫn chưa là gì so với kiến Dracula (Adetomyrma venatrix). Loài kiến này hút máu chính những con non đồng loại.
Một tổ kiến Dracula có thể đông tới 10.000 con. Như mọi loài kiến khác, kiến Dracula cũng phân công công việc rõ ràng. Theo đó, kiến thợ có nhiệm vụ mang thức ăn đi mớm cho con non.
Tuy nhiên, trước khi cho con non ăn, chúng lo làm đầy cái dạ dày của mình trước. Và "món tủ" của chúng chính là "máu" của ấu trùng.
Đầu tiên, kiến thợ Dracula sẽ "khợp" một phát trên mình ấu trùng, sau đó hút chất dịch từ vết cắn. Nó sẽ không hút nhiều đến mức lấy mạng con non, nhưng quan sát cho thấy, đám ấu trùng có vẻ cực kỳ sợ hãi.
4. Giun lai rắn thì ăn da của mẹ mình
Trái ngược với kiến Dracula hút máu con của chúng, ấu trùng của Caecilian - một loài trông như giun lai rắn - được tìm thấy ở Châu Phi lại gặm dần da của con mẹ ra để làm thức ăn.
Vì da Caecilian mẹ vừa có các dưỡng chất cần thiết lại vừa đủ chất béo, nên con non chỉ việc gặm mà ăn là đủ để lớn lên. Nó cũng không phải lo lắng Caecilian mẹ sẽ chết, vì làn da của Caecilian mẹ sẽ mọc lại chỉ sau 3 ngày.
Tuy nhiên, cái cảnh... con non gặm con mẹ thì quả thực không dễ chịu chút nào.
Một điểm khá thú vị là Caecilian chẳng liên quan gì đến giun và rắn. Chúng thực chất là một loài lưỡng cư, sống chủ yếu sống trong đất ở Trung-Nam Mỹ và Đông Nam Á. Thức ăn quen thuộc của chúng cũng là mối và côn trùng chứ không phải da của đồng loại.
Nhờ có hàm và răng, chúng dễ dàng nhai nuốt con mồi. Chuyện ăn da của cá thể mẹ chỉ xảy ra riêng biệt ở một phân loài Caecilian sinh trưởng tại Châu Phi mà thôi.
5. Loài ký sinh trùng chỉ thích khoét nhãn cầu cá mập
Đó là Ommatokoita - một loài ký sinh trùng. Loài này thường được tìm thấy ở mắt cá mập Greenland và cá mập ngủ Thái Bình Dương. Chúng dài khoảng 5cm, bám chặt vào nhãn cầu của hai loài cá mập trên cả đời, gây suy giảm thị lực nghiêm trọng cho vật chủ.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, cá mập hình như không dựa dẫm vào thị giác. Vì thế, nó cũng chẳng buồn bận tâm tới con mắt đang mỗi ngày một mờ đi.
Ngoài ra, một số nhà khoa học còn suy đoán giữa cá mập Greenland (và cá mập ngủ Thái Bình Dương) với Ommatokoita có mối quan hệ cộng sinh. Vì Ommatokoita có thể phát quang, nên biết đâu nó là "mồi giả" thu hút các động vật biển khác tới đớp rồi sa vào hàm cá mập. Nhưng cái này mới chỉ là giả thuyết thôi, chưa được xác thực.