40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại

Toàn Nguyễn - Hà Giang, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/10/2019

Mùa hè năm 1978, chế độ diệt chủng Pol Pot tấn công vào làng Ba Chúc (An Giang) thảm sát hơn 3000 người dân vô tội, nhấn chìm ngôi làng nhỏ trong tang thương. Hôm nay sau hơn 40 năm, nhìn lại bức tranh đen tối của lịch sử để trân quý hơn những ngày tháng hoà bình.

Đã là nỗi đau thì không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào, chỉ là khác cách chúng ta đón nhận và bước qua.

---

Tháng 4, năm 1978...

Làng Ba Chúc - ngôi làng nhỏ miền biên viễn chìm trong khói lửa. Bom đạn của quân Khmer đỏ liên tiếp rải trên những mái nhà, lửa cháy nghi ngút, tiếng hét thất thanh xé ngang bầu trời, từng dòng người tìm đường tháo chạy. Anh em thằng Đẩu theo chân ngoại chạy vào chùa Phi Lai để tránh giặc. Xưa nay ở xứ này chiến tranh đâu có xa lạ, thời chống Pháp, thời chống Mỹ cũng súng đạn bắn ngày đêm, nhưng là lính đánh lính, tuyệt đối không giết hại dân thường.

Trong chính điện, người ngồi san sát nhau, sự lo âu, nỗi bàng hoàng đặc quánh trong không khí. Tiếng cầu nguyện râm ran lẫn trong tiếng khóc than của đám con nít, người ta tự trấn an nhau rằng giặc dù có tàn nhẫn cũng không giết người trước cửa phật. Chị hai nói với thằng Đẩu: "Hay chị em mình qua chỗ ngoại (bàn thờ phật) ngồi cho an toàn". Vừa dứt lời thì bất ngờ quân Pol Pot bắn một quả pháo vào chùa, nhưng pháo lép, không nổ.

"Phật độ! Phật độ!" - mọi người mừng rỡ vì thoát chết trong gang tấc, nhưng niềm vui chưa kịp trọn thì quả pháo thứ hai tiếp tục dội lên mái chùa. Thằng Đẩu chỉ kịp nghe một tiếng nổ rất lớn, rồi máu người chảy thành dòng dưới nền chùa, dưới tượng phật. Xác người nằm la liệt.

Sau trận mưa pháo phủ đầu vào ngày 17/4/1978, sáng ngày 18/4 hai cánh quân Pol Pot tiến sâu vào Ba Chúc, một cánh chặn đường thoát thân của người dân, một cánh tràn vào từng ngõ ngách xóm làng để giết hại người vô tội. Chúng vào chùa áp tải từng đoàn người ra cánh đồng rồi lần lượt bắn chết. Người chết chồng lên người chết, đau đớn chồng lên đau đớn, cao đến tận trời xanh.

Nhiều nhóm người chạy lên núi Tượng, chui vào các hang đá để lẩn trốn sự truy sát của quân Pol Pot. Những tháng ngày sống chui rút trong hang tối như loài chuột, không thức ăn, thiếu nước uống nhưng luôn thừa thải sự sợ hãi tột cùng. Nhiều ngày liền không có lương thực, lũ trẻ khóc oà lên vì đói khát. Để bảo vệ cho tính mạng hàng chục con người đang lẩn trốn trong hang, người ta bàn nhau việc bức tử những đứa trẻ.

Trong giây phút đó, liệu có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào. Chắc chỉ có người trong cuộc mới thấu. Một mạng người hay chục mạng người? Ông Hai nghẹn lòng khi nghe đứa con mới lên 5 của mình bật khóc: "Cha ơi! Đừng giết con!". Ông quay mặt sang một góc, trong khi tiếng thằng bé tắt dần. Mọi thứ chìm vào tĩnh lặng. Đâu còn nước mắt để rơi.

Thế nhưng sự hy sinh của đứa trẻ không ngăn được cơn cuồng sát của quân Pol Pot. Suốt nhiều ngày liền lính Khmer đỏ dẫn theo chó săn lên núi Tượng, lần dò trong các hang đá, để bắn, giết những người đang lẩn trốn. Không chừa một ai.

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 1.

Chỉ vỏn vẹn 12 ngày chiếm đóng Ba Chúc, quân Pol Pot đã tàn nhẫn giết hại 3157 thường dân, phá nát nhà cửa, đốt cháy ruộng đồng. Ba Chúc điêu tàn, tang thương.

Tội ác mà chế độ diệt chủng Pol Pot đã gây ra trên toàn tỉnh

An Giang trong chiến tranh biên giới Tây Nam:

- Tàn sát 4158 người dân.

- 774 người bị thương.

- Tàn phá 4500 ngôi nhà.

- Tàn phá ruộng vườn, hoa màu trên 22 xã.

- Trâu bò và súc vật khác bị giết: 112 con.

- 8 xã bị huỷ diệt hoàn toàn.

Xin đừng lãng quên nỗi đau Ba Chúc

Lần tìm những tài liệu về chiến tranh biên giới Tây Nam 1978, tôi mong muốn biết thêm thông tin về cuộc thảm sát kinh hoàng mà tập đoàn Pol Pot đã gây ra trên ngôi làng dọc biên giới ngày nào, nhưng không có quá nhiều tư liệu đề cập. Quá nửa trong những người bạn mà tôi quen chưa hề biết đến cuộc thảm sát ở Ba Chúc. Phải chăng lịch sử đã bỏ quên Ba Chúc ở một con ngõ nào đó?

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 3.

Câu chuyện về Ba Chúc không được nhiều người trẻ biết đến.

Thử tìm kiếm trong sách giáo khoa lịch sử hiện hành, tôi chỉ tìm được một vài dòng ngắn ngủi mô tả về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam như sau:

"Do có âm mưu từ trước, ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari ở Campuchia do Pôn Pốt cầm đầu đã mở những đợt hành quân khiêu khích, xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Đầu tháng 5 năm 1975, chúng cho quân đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Quốc; sau đó đánh chiếm đảo Thổ Chu. Ngày 22 tháng 12 năm 1978, chúng huy động 19 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng tiến đánh Tây Ninh, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới nước ta.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân ta tổ chức cuộc phản công tiêu diệt và quét sạch quân xâm lược ra khỏi nước ta. Theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân đội Việt Nam cùng với lực lượng cách mạng Campuchia tiến công, xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng".

Những mô tả khá sơ lược về cuộc chiến không đủ để nói lên những mất mát mà quân và dân ta đã đánh đổi trong những năm tháng đã qua. Tôi tự hỏi: ngày hôm nay, sau hơn 40 năm từ cuộc thảm sát, lòng người Ba Chúc có còn rỉ máu?

Ký ức người ở lại trong cuộc thảm sát Ba Chúc 1978.

Chuyến đi tìm về miền ký ức

Chuyến xe đò đưa về Ba Chúc, băng qua những cánh đồng bạt ngàn xanh mướt, tôi miên man nghĩ về phận người sống sót sau cuộc thảm sát đẫm máu. Trở về từ cõi chết, nhưng cuộc sống của các chứng nhân lịch sử ấy liệu có dễ dàng, khi vết thương ngoài da đã liền sẹo, còn vết thương lòng thì vẫn nhói đau mỗi khi nhớ về.

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 5.

Những vết nứt trên sọ do quân Pol Pot dùng gậy đập vào đầu người dân.

Toạ lạc tại trung tâm thị trấn, khu di tích nhà mồ Ba Chúc gồm chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai và nhà mồ được xây theo hình tượng hoa sen úp ngược nổi bật với màu trắng tinh khiết, mỗi cánh hoa sen chứa đựng hài cốt của những nạn nhân trong cuộc thảm sát 40 năm về trước. Trong dòng người nhỏ lẻ viếng thăm nhà mồ, không ít người chết lặng trước những hình ảnh quá đỗi bi thương. Tiếng sáo du dương của người nghệ sĩ mù như đưa con người ta trở về một miền ký ức buồn.

Mong muốn tìm gặp 2 nhân chứng quan trọng trong cuộc thảm sát năm xưa là bà Hà Thị Nga và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương để lắng nghe câu chuyện cũng như cuộc sống hiện tại của họ, thế nhưng tôi đã đến muộn. Bà Nga vừa qua đời vì tuổi cao, còn bà Sương sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hiện không còn đủ sức khoẻ và minh mẫn để nhớ lại câu chuyện năm xưa. Ký ức Ba Chúc trong phút chốc mỏng manh như làn khói.

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 7.

Các nhân chứng ở Ba Chúc rồi cũng lớn tuổi, không còn đủ minh mẫn để nhớ lại chuyện xưa.

Được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà của ông tư Hẹn - người đã sống sót trong hang núi Tượng suốt những ngày bị quân Pol Pot truy sát. Nhiều năm đã trôi qua, nỗi đau cũng vơi dần nhưng mỗi khi nhớ về ngày cũ lòng tư Hẹn vẫn còn nhiều day dứt.

"Pol Pot tấn công vào làng thì gia đình tôi bị thất lạc nhau. Đến khi đi tìm thì mới hay là cha, mẹ, vợ, con đã bị giặc giết hại" - ông tư Hẹn nghẹn ngào, chuỗi ngày sau đó là tháng ngày mà cả cuộc đời này ông không thể quên. Sống trong hang tối với nỗi đau mất người thân, với nỗ sợ hãi, cái đói, cái khát và cái chết treo lơ lửng trên đầu.

Ông tư nhớ lại: "Phải đợi tới đêm, khi lính Pol Pot xuống núi thì tôi mới lén bò ra khỏi hang để đi đào khoai mỳ về ăn sống, cứ vậy cầm cự suốt 11 ngày, đến ngày thứ 12 thì quân giải phóng vào, lúc đó thì mới biết là mình được sống rồi".

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 8.
Ông tư Hẹn may mắn sống sót trong cuộc thảm sát.

Trong những câu chuyện về Ba Chúc điều khiến tôi luôn thắc mắc là vì sao ngày đó dù biết giặc sẽ tràn vào, nhưng hàng ngàn người dân nhất quyết ở lại, không theo bộ đội đi sơ tán, để rồi máu xương họ hoà cùng đất mẹ. Ông Tư Inh (người dân ở Ba Chúc) giải thích: "Dân mình ngày xưa nghèo lắm, nói rời khỏi đây thì không biết lấy gì để sống, ở đây có nhà cửa, ruộng, vườn, chứ đi sơ tán thì lúa gạo đâu mà ăn. Thành ra người ta ở lại, phần vì nghĩ rằng giặc sẽ không giết hại người dân thường, có ai ngờ đâu lại tàn nhẫn đến như vậy".

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 9.

Mầm sống trên đống tàn tro

Suốt một năm sau cuộc thảm sát, Ba Chúc quạnh hiu như vùng đất hoang vu, bởi người ở lại đã chết, còn người đi sơ tán thì chưa dám về. Mãi cho đến tháng 7 - tháng 8 năm sau, khi dòng nước lũ sông Mekong dân cao cuốn đau thương trôi theo dòng chảy, nước về đất khô cằn lại hoá phì nhiêu, cỏ cây vươn lên như chưa từng bị giày xéo.

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 10.

Sau mùa mưa cây cối mọc lên đem lại sức sống cho vùng đất chết.

"Mà ngộ lắm, không biết từ đâu cây đu đủ mọc lên như rừng, ở đâu cũng thấy cây đu đủ mọc xanh tươi. Không chỉ mọc trên đất hoang, ngay cả trên những vết nứt trong nền nhà bị giặc phá nát cũng mọc lên cây đu đủ trĩu quả. Người cao niên trong làng gật gù bảo: Vậy chắc đủ rồi. Xứ này giặc giả như vậy là đủ rồi. Mà thiệt, từ đó tới giờ là thanh bình luôn, không còn nghe tiếng súng nữa" - ông Tư Inh kể cho tôi nghe câu chuyện kỳ diệu về mầm xanh nảy chồi trên tàn tro chiến tranh.

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 11.

Ông Tư Inh kể lại câu chuyện kỳ diệu một năm sau ngày thảm sát.

Tất cả người ở Ba Chúc đều chẳng biết vì sao đu đủ lại mọc nhiều đến thế, nhưng hơn ai hết họ hiểu rằng mọi thứ đã qua giờ đây là lúc hồi sinh vùng đất này.

"Hơn 40 năm đã trôi qua, liệu lòng người Ba Chúc có còn thù hận?" - Trước khi ra về tôi hỏi ông Tư Inh.

Ông Tư nhẹ nhàng bảo: "Thời gian qua đi, thù hận cũng vơi đi. Ngày đó nếu kêu tôi cần súng đi đánh Pol Pot thì tôi nhất định sẽ đi. Nhưng lấy thù trả thù thì được gì. Chuyện này là do Pol Pot gây ra, người dân Campuchia cũng chịu rất nhiều đau đớn. Thôi thì cái gì đã qua thì hãy cho qua, còn lịch sử là để cho con cháu sau này được biết".

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 12.
Nhìn lại bức tranh đen tối của quá khứ, để người trẻ hôm nay trân trọng những ngày tháng bình yên.

Cựu thù rồi cũng dần đi vào quên lãng, như cách mà người Ba Chúc vẫn niềm nở đón nhận cuộc sống mới. Đến vùng đất này để hiểu rằng mỗi sớm mai thức dậy không còn nghe tiếng súng đã là một niềm hạnh phúc thật lớn lao.

40 năm sau cuộc thảm sát 3,157 người dân ở Ba Chúc: Ký ức đau thương xin cất sâu trong tim người ở lại - Ảnh 13.

Cây dầu 300 năm tuổi ở trung tâm thị trấn Ba Chúc, dù đã chết khô, nhưng một ngày nọ đàn chim từ đâu đem về hạt mầm cây da, và mầm non sinh sôi nảy nở trên thân cây khô già, khiến cây dầu như được tái sinh. Đó là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người dân Ba Chúc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày