4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action "Detective Pikachu"

Paul, Theo Helino 15:59 12/05/2019

Kỹ xảo thì đẹp, bầy Pokémon thì trông thật đấy nhưng có một thứ mà "Pokémon Detective Pikachu" không thực hiện được, đó chính là truyền tải tinh thần của series anime.

Fan của dòng phim hoạt hình Pokémon hẳn sẽ rất háo hức chuẩn bị ra rạp xem Pokémon Detective Pikachu (Tạm dịch: Pokémon: Thám Tử Pikachu). Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng do phim được chuyển thể từ dòng game Detective Pikachu của hãng Nintendo phát hành, nên sẽ có một số chi tiết, hoặc thông điệp của phim sẽ không giống với bản hoạt hình.

Nếu trong bản hoạt hình, chú Pikachu là "trợ thủ" của nhân vật chính, Ash trên chuyến phiêu lưu chinh phục thế giới Pokémon rộng lớn thì sang Detective Pikachu sẽ ngược lại. Pikachu trở thành nhân vật chính và hành trình tìm kiếm ký ức  bị mất của chú sẽ đồng thời hé lộ sự thật về người cha mất tích của Tim, đồng sự của chú chuột điện.

Trailer của "Pokémon: Thám tử Pikachu"

1. Họ tên Pokémon loạn xạ

Vì bản quyền của thương hiệu Pokémon vốn thuộc về Nhật Bản, nên khi sang phần phụ đề, tên gọi của những chú thần thú đáng yêu đều bị đổi sang tiếng Nhật. Trong khi đó trong lời thoại nhân vật, tên Pokémon đều là tiếng Anh. Sự thiếu nhất quán trong tên gọi của những chú Pokémon và bản phụ đề được thực hiện khá loạn xạ. Ở Việt Nam, chỉ có những tập phim hoạt hình sử dụng tên tiếng Nhật, trong khi đó những người tiếp cận qua các tựa game hay phim bản tiếng Anh sẽ nhớ đến Pokémon bằng tên tiếng Anh.

Trên phim, các chú Pokémon được gọi tên theo phiên bản tiếng Anh nhưng khi phụ đề lại, tên Pokemon lại bị... chuyển hết thành tiếng Nhật? Chú vịt siêu năng Psyduck trong phụ đề bị đổi tên thành... Koduck, Bulbasaur trên phim dưới phụ đề là Fushigidane v.v... Đây có lẽ chỉ là vấn đề của riêng các rạp chiếu Việt Nam, không có gì to tát nhưng là fan của thương hiệu Pokemon, hẳn ai cũng biết rằng việc theo dõi Pokemon bản tiếng Nhật hay tiếng Anh là... cả một trường phái. Những người trót thích anime Nhật sẽ thuộc nằm lòng bảng Pokedex (danh sách Pokémon) Nhật, trong khi đó fan của series trò chơi điện tử Pokemon, hay bộ phim hoạt hình tiếng Anh thường sẽ quen thuộc với Pokedex tiếng Anh hơn.

4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action Detective Pikachu - Ảnh 2.

Psyduck thành... Koduck?

Biết rằng nỗ lực kết hợp cả hai bảng Pokedex Anh Nhật nhằm giúp trung hòa đối tượng xem phim, khiến cho fan anime lẫn fan hoạt hình đều có thể hiểu nội dung phim nhưng thật ra việc này lại bị phản tác dụng. Khi xem phim, hai tên gọi khác nhau của một Pokemon xuất hiện cùng lúc sẽ làm người xem rất dễ bị phân tâm. Nhiều người đọc phụ đề còn chưa kịp thẩm thấu thì hình ảnh trên phim đã nhảy sang đoạn khác mất rồi.

4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action Detective Pikachu - Ảnh 3.

Fan của thương hiệu Pokémon, tự bản thân đã thuộc tên của các chủng loại theo phong cách của mình. Đáng lẽ phần phụ đề bản Việt nên giữ nguyên tên tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, người hâm mộ tự khắc hiểu nội dung phim đang nói gì mà không bị phân tâm.

2. Detective Pokémon bị biến thành tác phẩm của Mỹ

Văn hóa Mỹ từng nhiều lần được dựng thành phim thành công và được khán giả khắp thế giới chào đón. Detective Pikachu không phải là trường hợp như vậy. Tinh thần gốc của thương hiệu Pokémon dựa trên chuyến hành trình dài vô tận của các nhận vật chính, đi khắp nơi khám phá thế giới Pokemon. Đối với Detective Pikachu, phim bị biến thành một... phim xã hội với kịch bản không thể nào sai tinh thần hơn. Nhân vật chính của phim trở thành một cậu bé tuổi teen gặp hiểu lầm với cha mình và sau đó cậu lên đường đi tìm kiếm sự thật về cái chết của cha? Điều đặc biệt cốt lõi của thương hiệu Pokémon bị thay đổi hoàn toàn. Chuyến hành trình của nhân vật chính - Tim Goodman (Justin Smith) bị thu hẹp chỉ còn có... hai thành phố.

4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action Detective Pikachu - Ảnh 4.
4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action Detective Pikachu - Ảnh 5.
4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action Detective Pikachu - Ảnh 6.

Cuộc sống dung hòa giữa người và Pokémon là thứ mà cả thế giới hoạt hình lẫn game, truyện tranh Pokémon đều có chứ không phải chỉ có một mình thành phố Ryme.

Trên hết, điều đặc biệt nhất của thương hiệu Pokémon chính là tình bạn, cuộc sống chan hòa giữa loài người và loài sinh vật kì diệu trên anime bị biến thành một... điều độc quyền chỉ có thành phố Ryme mới có?

3. Nhân vật chính bị biến đổi hoàn toàn

Một bằng chứng cho thấy Hollywood đã biến một biểu tượng thời đại toàn cầu thành mặt hàng nội địa Mỹ thế nào. Đó là nhân vật chính của Pokémon Detective Pikachu hoàn toàn bị... biến chất. Trong anime lẫn game (trừ dòng game Detective Pikachu và các tựa truyện tranh, nhân vật chính luôn luôn, xin nhấn mạnh, luôn luôn là một huấn luyện viên Pokémon, nghĩa là ai nấy sẽ luôn có ít nhất một người bạn thân Pokémon bên cạnh. Họ sẽ bắt đầu cuộc hành trình với Pokémon đầu tiên và kết nạp thêm những thành viên mới vào đội hình sáu Pokémon và cùng nhau làm nên huyền thoại.

4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action Detective Pikachu - Ảnh 7.

Huấn luyện viên tân binh trong mọi series Pokémon bị biến thành một thanh niên Mỹ cau có.

Nhưng sang tới Detective Pikachu, nhân vật chính trở thành một thiếu niên... ghét Pokémon. Do những suy nghĩ tuổi teen mà anh chàng này cho rằng Pokémon đã cướp đi người cha của mình, nên Tim từ chối có một người cộng sự đáng yêu, trung thành. Mãi đến cuối phim, nhân vật chính vẫn không có nổi một chú Pokémon nào. Pikachu thực ra lại là... cha của cậu, vậy nên tính ra Tim vẫn không có một người bạn Pokémon nào xuyên suốt cả phim.

Ai là fan anime sẽ hiểu, mỗi huấn luyện viên, nhân vật đều phải có một người bạn Pokémon thân thiết. Sự lựa chọn kết bạn sẽ nói lên rất nhiều về cá tính của nhân vật. Việc từ chối có một người bạn nhỏ bé, kì diệu không chỉ sai hoàn toàn tinh thần của thương hiệu phim, mà còn làm cho tạo hình, tính cách nhân vật trở nên rất mờ nhạt, khó hiểu.

Ngay cả cá tính của các nhân vật phụ cũng không được thể hiện rõ ràng vì họ chọn cộng sự Pokémon rất trái ngược với bản chất. Cô gái xinh đẹp Lucy (Kathryn Newton) là một người tràn đầy năng lượng và nhiệt tình, có lẽ cô sẽ hợp với một chú Pokémon hệ Lửa. Vậy mà cộng sự của Lucy lại là một chú Psyduck ngớ ngẩn, chậm chạp và phần lớn thời gian là vô tích sự. Một nữ phóng viên truyền hình kiêu căng, chảnh chọe lại sở hữu một chú... Audino hiền lành và trong sáng?

4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action Detective Pikachu - Ảnh 8.

Lucy và Psyduck hoàn toàn không hợp nhau.

4. Không có nhiều màn đấu Pokémon kinh điển

Một "đặc sản" của thương hiệu phim "Quái vật bỏ túi" nữa nhưng bản live-action gần như bỏ quên đó là những trận đấu Pokémon giữa các huấn luyện viên. Suốt cả phim, chỉ có hai trận đấu diễn ra cực kỳ chớp nhoáng tới mức không để lại ấn tượng nào. Cảnh Pikachu giao chiến với Charizard thì hoàn toàn fail vì Pikachu không sử dụng được năng lực. Thậm chí, các trận đấu còn bị... cấm ở thành phố Ryme và các huấn luyện viên nếu muốn giao đấu thì phải tìm đến thế giới ngầm, nơi các Pokémon phải giao đấu trong lồng sắt hệt như những... nô lệ thời phong kiến.

4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action Detective Pikachu - Ảnh 9.

Bản live-action chỉ là một phim hành động, hoạt hình kỹ xảo nơi mà các nhân vật cõng Pokémon trên lưng chạy qua chạy lại tuyệt vọng mà phí phạm hoàn toàn những năng lực kì diệu của Pokémon.

4 điều fan hoạt hình Pokémon sẽ không thích ở bản live-action Detective Pikachu - Ảnh 10.

Gyarados và Charizard phải giao đấu trong không gian lồng sắt chật hẹp.

Thực ra, Detective Pikachu có thể chọn một hướng tiếp cận kịch bản linh động hơn thay vì bám quá sát vào game gốc. Những "bản sắc" quan trọng của Pokémon vẫn nên được lồng ghép thật đa dạng, triệt để vào phim để sản phẩm điện ảnh được trở nên quen thuộc hơn với khán giả toàn thế giới.

Pokémon Detective Pikachu đang được công chiếu trên toàn quốc.