Lợi nhuận khủng khiếp từ những chiếc iPhone
iPhone rõ ràng không phải một thiết bị giá rẻ. Không phải ngẫu nhiên mà iPhone luôn nhận được nhiều lời chỉ trích rằng số tiền mà người dùng bỏ ra không tương xứng với "hàm lượng công nghệ" mà họ nhận được. Vậy thực tế Apple mất bao nhiêu chi phí để phát triển iPhone? Tất cả những linh kiện và "sức người" tạo ra chiếc điện thoại này có đáng để bạn bỏ ra một số tiền không nhỏ không?
Theo một báo cáo của công ty phân tích IHS Markit, chi phí linh kiện trên một chiếc iPhone 7 chỉ tốn 219,80 USD. Về chi phí lắp ráp, Apple cũng chỉ bỏ ra vỏn vẹn 5 USD chi mỗi thiết bị. Như vậy, Apple mất 225 USD để hoàn thiện một chiếc máy có giá bán lẻ lên tới 649 USD. Dĩ nhiên, con số này chưa tính đến các chi phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển, nhân sự, marketing... Tuy nhiên, tất cả cũng đủ để cho thấy Apple bỏ túi số tiền lớn tới cỡ nào với mỗi chiếc iPhone bán ra.
Điều kiện làm việc của công nhân
iPhone thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng biết những chiếc điện thoại này được tạo ra như thế nào. Mặc dù đằng sau nhiều chiếc iPhone có dòng chữ "Made in China" nhưng không có nhiều thông tin về quy trình sản xuất iPhone từng bị rò rỉ. Và Apple cũng khá im hơi lặng tiếng về vấn đề này.
Dù vậy, mới đây, một sinh viên Đại học New York đã dành 6 tuần làm việc trong nhà máy Pegatron gần Thượng Hải và anh đã có những hé lộ về điều kiện làm việc khắc nghiệt của công nhân "nhà máy iPhone", về những ngày làm việc 12 giờ và lương chỉ trên 2 USD mỗi giờ làm việc. Điều kiện làm việc ở Foxconn, một đối tác khác của Apple, cũng được cho là cũng khắc nghiệt không kém. Apple dĩ nhiên luôn yêu cầu đối tác của mình tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về vấn đề điều kiện làm việc cho công nhân, dù vậy đói tác của họ có làm theo không lại là chuyện khác.
Các vấn đề về môi trường trong quá khứ
Apple trong một vài năm trở lại đây liên tục được bầu chọn là công ty công nghệ thân thiện nhất với môi trường. Đồng thời, Apple cũng có nhiều động thái khiến chuỗi cung ứng của mình "xanh hơn". Tuy nhiên, trước đây, mọi thứ được cho là không đi theo hướng này. Năm 2010, một nhóm hoạt động môi trường ở Trung Quốc đã cáo buộc Apple cho phép nhà cung cấp của mình gây ô nhiễm.
Theo báo cáo của Institute of Public and Environmental Affairs, hơn 27 nhà cung ứng của Apple đã gây ra các vấn đề về môi trường nghiêm trọng từ kim loại nặng cho tới thải ra khí độc hại. Một số báo cáo khác còn khẳng định Apple đã lợi dụng những lỗ hổng trong chính sách của các nước đang phát triển để làm ngơ trước các vấn đề về môi trường. Rất may mắn là kể từ năm 2013, Apple đã có nhiều biện pháp giúp giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các đối tác. Dù vậy, những gì hãng này được cho là đã làm trong quá khứ vẫn cho thấy một lịch sử thiếu trách nhiệm với môi trường mà Apple muốn giấu kín.
Bảo mật sản phẩm mới
Apple có chính sách bảo vệ thông tin các sản phẩm mới rất nghiêm ngặt và đặc biệt có nhiều hình thức phạt nghiêm khắc đối với những người làm rò rỉ thông tin. Apple thậm chí còn có một bộ phận gọi là New Product Security (tạm dịch: bảo vệ sản phẩm mới) với các nhân sự đến từ NSA, quân đội Mỹ hay nhiều tổ chức, cộng đồng tình báo khác để thực hiện nhiệm vụ bảo mật thông tin.
(Tham khảo: idropnews)