3 thị trấn không cho phép chôn cất người chết: Địa điểm đầu tiên từng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới

Kienzeratul Spiderum, Theo Helino 20:06 30/03/2018
Chia sẻ

Dù ở bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, việc chôn cất người chết luôn là một trong những tập quán quan trọng. Ấy vậy mà nhiều địa điểm “kỳ lạ” trên thế giới, tục lệ này lại bị cấm tuyệt đối. Chúng ta hãy tới 3 thị trấn nổi tiếng dưới đây để tìm hiểu lý do đằng sau quy định này là gì nhé.

Đảo Itsukushima (Nhật Bản)

 Là một hòn đảo nằm dưới sự quản lý của thành phố Hatsukaichi, huyện Hiroshima, Nhật Bản, Itsukushima còn được biết đến nhờ vào ngôi đền thiêng nổi tiếng cùng tên, được xây dựng nổi hoàn toàn trên mặt nước. Ngôi đền này cũng được chính UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1996.

3 thị trấn không cho phép chôn cất người chết: Địa điểm đầu tiên từng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới - Ảnh 1.

Ngôi đền trên đảo Itsukushima được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1996.

Nhưng không chỉ có địa danh nổi tiếng, Itsukushima còn được biết đến với tập quán có phần kỳ quặc: cấm chôn người chết trên đảo. Những người theo đạo Shinto – một trong hai tôn giáo chính ở Nhật Bản bên cạnh Phật giáo – lý giải, đối với người dân Nhật, hòn đảo là một vùng đất vô cùng thiêng liêng, cần bảo tồn được sự "thuần khiết" trước bất cứ thứ vẩn đục nào. Vì vậy, để giữ gìn sự trong sạch ấy, các thầy tu Shinto quyết định không cho phép bất cứ ca sinh nở hay ma chay nào diễn ra trên đảo.

Kể từ năm 1878, chưa hề có một em bé nào ra đời xung quanh khu vực dân cư sinh sống gần ngôi đền Itsukushima. Điều tương tự cũng được ghi nhận đối với những trường hợp không may tử vong, khi thống kê cho thấy không có bất cứ ai được ghi nhận là qua đời trên hòn đảo, kể từ đó tới nay. Phụ nữ mang bầu, khi đến kỳ sinh nở, sẽ phải vượt biển vào đất liền để đến những bệnh viện lớn, thay vì ở nhà hoặc đến trạm xá địa phương. Còn đối với người già hay người mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, theo truyền thống thì họ được yêu cầu phải rời khỏi hòn đảo càng sớm càng tốt nhằm tránh tuyệt đối việc gây "ô uế" môi trường sống xung quanh đảo.

3 thị trấn không cho phép chôn cất người chết: Địa điểm đầu tiên từng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới - Ảnh 2.

Kể từ năm 1878, chưa hề có một em bé nào ra đời xung quanh khu vực dân cư sinh sống gần ngôi đền Itsukushima. Điều tương tự cũng được ghi nhận đối với những trường hợp không may tử vong.

Lịch sử từng ghi nhận vào năm 1555, một trận chiến ác liệt với tên gọi "Tử chiến Miyajima" đã diễn ra trên hòn đảo, với vô số thương vong được ghi nhận. Đây cũng là trận chiến duy nhất trong lịch sử từng diễn ra trên hòn đảo thiêng này. Ngay sau khi ngừng chiến, tướng quân thắng trận Mori Motonari yêu cầu binh sĩ khẩn trương khiêng tất cả xác người lên đất liền và chuyển ra khỏi khu vực hòn đảo nhanh nhất có thể. Số lượng xác chết ước tính có thể lên đến 4.700 – một con số khổng lồ.

Sau đó, họ tiến hành rửa trôi các lớp máu bám trên nền đất, thậm chí còn cạo bỏ toàn bộ lớp bùn đất đã nhiễm máu người chết. Những công trình xung quanh, nếu bị vấy máu, đều được tháo dỡ và thay mới. Kể từ đó tới nay, hành động chôn cất người qua đời hoàn toàn bị cấm kỵ trên hòn đảo Itsukushima xinh đẹp này.

2. Thị trấn Longyearbyen (Na Uy)

Là một trong những vùng lãnh thổ đầu tiên ở cực Bắc mà con người định cư tới, thị trấn Longyearbyen nằm lọt thỏm giữa hòn đảo Spitsbergen lạnh giá thuộc Na Uy. Tại đây, người ta từ lâu đã cho đóng cửa nghĩa trang thị trấn, với lý do hết sức đơn giản: việc ma chay bị coi là điều cấm kỵ trên đảo. "Nếu bạn có dấu hiệu sắp "không còn được thấy ánh sáng mặt trời" nữa, đừng lo vì người ta sẽ cố gắng hết sức để đưa bạn vào đất liền", đó là chia sẻ của ông Jan Christian Meyer, một kĩ sư lâu năm và hiện là phó giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học Công nghệ và Kĩ thuật Quốc gia tại Trondheim, Na Uy.

Với dân số vào khoảng 2.000 người, nơi đây chứng kiến nhiều cảnh tượng kỳ vĩ, chẳng hạn như Cực quang phương Bắc (Aurora Borealis) sáng rọi vào buổi tối, hòa quyện cùng với lớp băng tuyết để tạo thành một buổi trình diễn ánh sáng tuyệt hảo trên bầu trời đêm. Người dân ở đây cũng nổi tiếng với món bánh mỳ kebab trứ danh. Nhưng, ẩn chứa sau vẻ đẹp đầy "kì ảo" ấy là một tập quán có phần "hủ tục".

3 thị trấn không cho phép chôn cất người chết: Địa điểm đầu tiên từng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới - Ảnh 3.

Cực quang phương Bắc phản chiếu lên bầu trời thị trấn Longyearbyen khi đêm về

Nhiệt độ tại Longyearbyen thường xuyên tụt xuống dưới mức 0 độ C, điều đó khiến cho băng giá có cơ hội bao phủ toàn bộ diện tích của thị trấn trong nhiều tháng liên tiếp. Rất nhiều thảm thực vật hay động vật đều bị chôn vùi dưới làn tuyết lạnh cóng, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Một trong số đó liên quan mật thiết đến người chết. Vào những năm 1950 của thế kỷ trước, người dân địa phương nhận thấy rằng, lớp băng giá trên mặt đất gây cản trở không nhỏ và làm chậm quá trình phân hủy xác chết. Nhiều thi thể người chết, sau khi được an táng tại nghĩa trang, đều bị băng tuyết dồn ứ và đẩy lên khỏi phần mộ trong tình trạng hoàn toàn lành lặn.

Thêm nữa, cách đây vài thập kỉ, một cơn đại dịch cúm có nguồn gốc từ Tây Ban Nha bỗng bùng phát và lan rộng ra khắp thế giới, tiêu diệt gần 5% dân số toàn cầu chỉ trong vòng 3 năm. Số người dính phải mầm bệnh thậm chí còn cao hơn gấp 5 lần và không ít trong số đó đã di chuyển đến thị trấn Longyearbyen để định cư. Trong số đó, khoảng hơn chục người đã ngã bệnh mà chết, trước khi được chôn cất tại chính nghĩa trang thị trấn trong khoảng thời gian từ năm 1918 đến 1920.

3 thị trấn không cho phép chôn cất người chết: Địa điểm đầu tiên từng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới - Ảnh 4.

Quang cảnh thị trấn Longyearbyen vào năm 1908.

Chính bởi hai lý do trên, chính quyền thị trấn quyết định tuyên bố cấm tuyệt đối việc tổ chức ma chay cho người chết ở trên hòn đảo, nhằm tránh nguy cơ lây lan các căn bệnh truyền nhiễm. Ông Mayer, trong một lần trả lời câu hỏi của tờ báo Daily Mail, đã giải thích rằng: "Mặt đất băng giá khiến thi thể người chết không thể phân hủy được trước khi bị trồi lên mặt đất. Thêm vào đó, nó còn giúp duy trì và ủ mầm bệnh mà người đã khuất mắc phải, từ đó khiến việc lây lan ra cộng đồng dân cư trở nên dễ dàng hơn". 

Kể từ đó, khu vực nghĩa trang bị đóng cửa hoàn toàn, một đạo luật cũng được ban bố nhằm ngăn chặn bất kỳ công tác chôn cất thi thể người chết diễn ra trong tương lai. Để tránh gây hoang mang, chính quyền cũng cho phép một thông cáo bằng văn bản, rằng người bình thường hoàn toàn được chào đón đến thăm và sinh sống tại hòn đảo, chỉ ngoại trừ người chết mà thôi.

3 thị trấn không cho phép chôn cất người chết: Địa điểm đầu tiên từng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới - Ảnh 5.

Thị trấn Longyearbyen ngày nay

Cũng kể từ đó, những người có dấu hiệu sắp không qua khỏi sẽ được đưa lên đất liền và chính phủ Na Uy sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để cái chết đến với họ được nhẹ nhàng nhất. Trong trường hợp việc qua đời trên đảo là điều không thể tránh khỏi, thi thể dĩ nhiên sẽ không được phép chôn cất mà thay vào đó sẽ được hỏa táng thành tro cốt trước khi đem chôn xuống đất. Tuy vậy, điều này cần phải được chính quyền chấp thuận. 

Quy trình thực hiện hỏa táng cũng sẽ trở nên phức tạp hơn, do điều kiện khí hậu trên đảo vô cùng khắc nghiệt và nhiệt độ có thể tụt xuống mức thấp nhất vào mùa đông là -17 độ C. Lúc này, khi số lượng gấu Bắc Cực trở nên đặc biệt lớn, việc hỏa táng cần phải được tiến hành khẩn trương với sự cẩn trọng cao độ.

Hiện tại, du khách vẫn có thể đến thăm thú hòn đảo Na Uy xinh đẹp này, cùng ngắm cực quang phương Bắc đầy ma mị và thưởng thức món kebab đã trở thành đặc sản. Nhưng trong số những việc mà họ được phép làm, chết là điều tuyệt đối nên tránh.

3. Ngôi làng Sellia, vùng Calabria (Ý)

Từng là một vùng đất trù phú với dân cư đông đúc lên tới gần 2.000 người vào những năm 60 của thế kỷ trước, hiện tại thị trấn được thành lập từ thời trung cổ này chỉ còn khoảng 577 người sinh sống. Đa phần cư dân tại ngôi làng nhỏ này đều đã bước sang tuổi 65, trong số đó phổ biến là những phụ nữ trung niên đã góa chồng. Và để tránh tình trạng già hóa dân số đang ngày một trở nên nghiêm trọng cũng như nâng cao nhận thức của người dân về việc chăm sóc sức khỏe, chính quyền thị trấn này đã quyết định đưa ra một quyết sách vô cùng độc đáo.

Năm 2015, thị trưởng thị trấn là ông Davide Zicchinella đã ký đạo luật Ordinanza 11, trong đó ghi rõ "cấm tuyệt đối người ốm xuất hiện trong khu vực thị trấn". Cái chết bị coi là điều đặc biệt cấm kỵ. Người dân buộc phải tham gia các dịch vụ khám và chăm sóc sức khỏe thường niên. Những ai không tuân thủ hoặc cố ý làm trái đạo luật này sẽ bị đánh thuế thu nhập cao hơn thông thường, đồng thời sẽ phải chịu mức phạt tương đương 10 euro một năm (khoảng 280 nghìn đồng).

3 thị trấn không cho phép chôn cất người chết: Địa điểm đầu tiên từng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới - Ảnh 6.

Hiện tại, thị trấn Sellia chỉ còn khoảng 577 người sinh sống.

Tuy nghe thì có vẻ khôi hài, nhưng thực chất ý định của chính quyền thị trấn Sellia lại hoàn toàn có cơ sở. Thị trưởng Davide lên tiếng trấn an người dân: "Chúng tôi thực hiện quy định này không phải với thái độ đùa cợt, mà thực sự đây là một vấn đề nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh của thị trấn. Sellia và những đô thị khác ở phía Nam nước Ý đang chịu cảnh suy giảm dân số vô cùng nan giải và biện pháp này sẽ thúc đẩy người dân có ý thức giữ gìn sức khỏe của mình hơn. Từ đó, họ sẽ có trách nhiệm sống tốt hơn để phục vụ cộng đồng".

"Những ai có thái độ bất hợp tác hoặc phớt lờ những mối nguy hại đến sức khỏe bản thân sẽ bị yêu cầu đóng thêm thuế thu nhập và chịu những mức phạt cần thiết", Zicchinella nói. Ông cũng tuyên bố rằng, chính quyền thị trấn sẽ có biện pháp để theo dõi xem liệu người dân có đăng ký khám sức khỏe định kỳ đầy đủ hay không. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng cũng như mạng lưới các bệnh viện, phòng khám cũng được cam kết sẽ nâng cấp sớm về cả chất lượng lẫn quy mô trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu của quy định mới do chính quyền ban hành.

Có lẽ với lý do hoàn toàn liên quan mật thiết đến y tế công như trên, việc cấm đoán người chết trở nên dễ dàng được chấp nhận hơn, đặc biệt là với những khách du lịch khi đến thăm thị trấn xinh đẹp này.

3 thị trấn không cho phép chôn cất người chết: Địa điểm đầu tiên từng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới - Ảnh 7.

Năm 2015, thị trưởng thị trấn là ông Davide Zicchinella đã ký đạo luật Ordinanza 11, trong đó ghi rõ "cấm tuyệt đối người ốm xuất hiện trong khu vực thị trấn".

Nguồn: The Vintage News, Oddity Central, The Guardian, TeleSUR

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày