Đã là hàng Táo thì "auto" phải đắt - đó đã và đang trở thành một câu nói quen thuộc mà ai cũng dễ dàng công nhận. iPhone và các dòng iMac, MacBook của Apple vẫn thuộc hàng những sản phẩm smartphone, máy tính đắt và cao cấp nhất thế giới.
Tất nhiên là không phải vô tình mà món quà đó rơi xuống Apple như một của trời cho miễn phí, sinh ra ở vạch đích và chỉ cần tận hưởng. Nhưng tại sao cũng có nhiều thương hiệu Android khác cùng bán sản phẩm có cấu hình và sức mạnh ngang bằng, thậm chí còn mạnh hơn nhưng lại chấp nhận bán với giá rẻ hơn rất nhiều, thậm chí gần gấp đôi? Tất cả những thắc mắc đó sẽ được bẻ gọn với 3 nguyên nhân này đây.
Ngay từ khi nhen nhóm ý tưởng hay bắt tay vào làm ra chiếc iPhone đầu tiên, Apple luôn quan niệm sẽ phải hoàn thiện nên một chiếc smartphone thuộc phân khúc cao cấp bậc nhất mà không một đối thủ nào đọ được về mặt chất lượng cả. Với mục tiêu cứng rắn đặt ra từ ban đầu như vậy, không khó hiểu khi tất cả những nguyên liệu, phụ kiện tối ưu nhất đều được Apple lùng săn và mang về áp dụng cho sản phẩm của mình tùy theo từng thời kỳ.
Apple bán với cái giá rất cao và kiếm rất nhiều tiền về túi mình, đúng! Nhưng số tiền vốn họ phải bỏ ra để mua nguyên vật liệu, chế tạo, lắp ráp, nghiên cứu cũng chẳng hề ít hay tiết kiệm chút nào. Đơn giản vì vùng biển lặng sẽ không làm nên một thủy thủ tốt, cũng như việc chất liệu kém sẽ không thể tạo nên một iPhone cao cấp và uy tín như ngày hôm nay.
Hãng phân tích IHS iSupply đã tính toán thử giá thành của các bộ phận cấu tạo nên smartphone nói chung. Khi đặt iPhone và một chiếc điện thoại Android cao cấp phổ biến lại so sánh với nhau, hầu hết mọi linh kiện cấu thành iPhone đều có giá cao hơn ngay từ khâu mua gốc, bao gồm ổ cứng bộ nhớ, màn hình, cảm biến... Điều đó đã phần nào lý giải cho thắc mắc vì sao iPhone luôn bị coi là "đội giá" hơn so với các đối thủ.
Khi bạn mua iPhone, bạn không chỉ đơn giản là sở hữu lớp vỏ smartphone cứng cáp hào nhoáng hay những ứng dụng có trong đó, mà còn là cả một công cụ để tham gia vào hệ sinh thái hoàn thiện mà Apple đã mất công làm ra. Cả triệu ứng dụng sẵn sàng chờ bạn tải về bất cứ lúc nào trên App Store, tận hưởng những dịch vụ độc nhất chỉ có trên iOS như iMessage, FaceTime, iCloud... Trên hết, những quyền lợi lâu dài trong quá trình sử dụng vẫn luôn được đảm bảo, như cập nhật ổn định và nhanh chóng cho cả những mẫu iPhone cũ.
Chính chi phí bỏ ra để nghiên cứu và phát triển cả một nền tảng hệ sinh thái rộng lớn này đã được tính vào giá thành chia lẻ cho từng chiếc iPhone. Vì thế, tính đồng bộ khi bạn dùng sản phẩm của Apple luôn được đánh giá cao vì sự hoàn thiện của nó giữa các thiết bị với nhau.
Một lý do tiếp theo giải thích cho việc giá iPhone cao lại không trực tiếp nằm ở Apple, mà chính là ở người mua hàng trên toàn thế giới. Như đã đề cập, Apple tốn công hơn nhiều để chuẩn bị cầu toàn về mọi thứ trước khi cho ra đời một chiếc iPhone so với đối thủ Android. Vì thế, tổng lượng hàng xuất xưởng của Apple thường không nhanh và nhiều như những chiếc Android cao cấp trên thị trường còn lại.
Trong khi đó, rõ ràng danh tiếng và sự ưa chuộng của khách hàng đối với iPhone lại cao hơn Android và tỏ rõ ưu thế đáng kể. Vậy điều này có nghĩa là gì? Nguồn cung ít nhưng nhu cầu lại nhiều - giá thành đẩy lên cao sẽ là kết quả tất yếu của kinh tế thị trường.
Xét cho cùng, cách thức quảng bá thương hiệu và chiến lược kinh doanh của Apple cũng góp phần làm nên thành công và vị thế hiện tại của họ, đủ để cho phép đẩy giá lên cao hơn hẳn mặt bằng mà không bị chỉ trích. Mỗi năm Apple thường tiêu rất nhiều cho các chiến dịch quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, nhưng lại chỉ có duy nhất 1 đợt ra mắt thế hệ iPhone mới. Đó cũng chính là một trong những nước đi để họ giữ chân người cũ gắn bó lâu dài với nhiều phiên bản iPhone nâng cấp tiếp theo, tiếp tục trung thành rút ví hơn nữa.