Người xưa có câu: "Thị phi không tự nhiên mà có, mà bản thân tự rước về".
Thật sự không đơn giản mà người ta thường nói “Không gì phức tạp bằng thế giới của người trưởng thành”. Đôi khi bạn bị vướng vào thị phi mà bản thân chẳng hề hay biết.
Ở nơi làm việc, giao tiếp với sếp và đồng nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nói chuyện không đúng cách, không đúng chủ đề thì không chỉ làm hỏng hình tượng, mà còn gây ra nhiều rắc rối hơn.
Con người không nhất thiết phải giỏi ăn nói nhưng phải biết cách im lặng. Do đó, cho dù mối quan hệ đôi bên tốt đến đâu, cũng đừng nói về 3 điều sau ở nơi làm việc:
1. Phàn nàn công việc quá khó khăn
Vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống chất lượng hơn, không có công việc nào là dễ dàng. Khó khăn ập đến, suy nghĩ “muốn nghỉ việc” xuất hiện là chuyện thường tình.
Nhưng trên thực tế, rất khó để tìm được một công việc ưng ý và dễ dàng. Ngay cả khi bạn ngồi vào vị trí của ông chủ, bạn cũng sẽ “đau đầu nhức óc” triền miên.
Nhiều người thường “núi này trông núi nọ cao”, nhưng khi lên đến ngọn núi cao này lại thấy còn có ngọn núi kia đẹp hơn, cứ như thế không biết điểm dừng trong nhận thức.
Khi khó khăn ập đến, có người dốc sức chống đỡ và vượt qua, có người kêu ca không ngừng, mong nhận được sự đồng cảm của người khác. Đối mặt bằng cách nào hoàn toàn là sự lựa chọn của bạn, chứ không phải tình thế ép buộc.
Trong cuốn sách "A Complaint Free World", nhà văn Will Bowen đã viết: "Phàn nàn cũng giống như hơi thở có mùi. Chúng ta chỉ ngửi được mùi phát ra từ miệng của người khác, còn từ bản thân thì không".
Nhìn từ góc độ khác, không một người sếp nào lại thích thú với việc nhân viên phàn nàn, than oán về nhiệm vụ mình giao cho họ.
Lúc này, giải pháp của người trưởng thành trong trường hợp này chính là: Điều gì không thích thì hãy thay đổi, nếu không thể thay đổi thì hãy thay đổi thái độ của mình. Than vãn là không cần thiết. Ngồi xuống với sếp và nói thẳng những vấn đề đang gặp. Sự giao tiếp cùng là chìa khóa để công việc suôn sẻ hơn. Nếu không thể làm được điều này thì tốt nhất không nên than vãn trước mặt sếp.
Khi ngừng nói ra những lời tiêu cực về công việc, tâm trạng của bạn sẽ trở nên tốt hơn và có cái nhìn đúng đắn hơn về tình hình hiện tại. Thử hít sâu một hơi, hoặc khiến bản thân phân tâm bằng việc nào khác, một lúc sau có lẽ bạn sẽ cảm thấy mọi chuyện không nghiêm trọng như trước..
Trên thực tế, một nhân viên ở trạng thái như thế nào, một người sếp thực thụ sẽ cảm nhận được. Đương nhiên, sếp sẽ vui vẻ hơn với môi trường làm việc không có lời phàn nàn, nó giống như một cơn gió xuân, khiến cả sếp và bạn cùng vui vẻ và tích cực.
Nếu luôn phàn nàn, sếp sẽ nghĩ rằng bạn không phù hợp với công việc và không thể thích nghi với môi trường hiện tại. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục sau một vài lần điều chỉnh vấn đề công việc, bạn có thể là người bị sa thải tiếp theo.
2. Coi thường đồng nghiệp
Cùng làm việc trong một môi trường, trường hợp so bì năng lực, phân cao thấp hay cố gắng tranh nhau lấy lòng sếp là những chuyện không hề xa lạ. Tuy nhiên, cho dù đồng nghiệp thua kém năng lực của mình cũng không nên dùng thái độ xem thường để đối xử với họ.
Bạn nên biết rằng “Núi cao, còn có núi cao hơn”. Bạn coi thường người khác, đương nhiên cũng có người coi thường bạn.
Đã bước chân vào nơi làm việc thì hầu như ai cũng có chuyên môn và năng lực của riêng họ. Cấp trên có sự nhận định về từng nhân viên của mình. Nhưng nếu bạn dùng đủ loại lời lẽ hằn học để hạ thấp ai đó, sếp chẳng những không cho rằng bạn rất có năng lực, mà còn nghĩ rằng “nhân cách bạn không tốt, thích lo chuyện bao đồng”.
Kẻ mạnh nâng đỡ nhau, kẻ yếu giẫm đạp nhau. Nếu muốn thăng cấp bản thân, tiến đến vị trí cao hơn, đừng giẫm đạp lên người khác mà hãy tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.
Khi bạn trở nên xuất sắc và sẵn sàng giúp đỡ người khác, nguồn lực đầu tiên bạn có được chính là các mối quan hệ. Chỉ nhiêu đây thôi cũng đủ giúp chặng đường sự nghiệp về sau của bạn suôn sẻ hơn rất nhiều.
3. Đánh giá về phần công việc không thuộc phạm vi chức trách của mình
Đã bao giờ bạn gặp trường hợp một người đồng nghiệp ở bộ phận khác đánh giá về công việc của mình chưa?
“Tại sao bạn làm ít hơn tôi, mà lương lại như nhau?”, “Sao bộ phận này nhàn rỗi, trong khi bộ phận mình làm bận bịu tối tăm mặt mũi như thế?”...
Trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và tâm sự), có người hỏi: “Nếu gặp phải đồng nghiệp thích đánh giá của người khác thì phải làm sao?”.
Một phần trả lời nhận được nhiều sự đồng tình như sau:
"Kiểu đồng nghiệp này chỉ giả vờ thông minh. Họ muốn làm nhụt tinh thần của người khác, chứng tỏ công việc của họ tỉ mỉ và tiêu chuẩn hơn. Nhưng thật ra, họ không biết gì cả, như một con ếch ngồi dưới đáy giếng nhìn thế giới bằng đôi mắt hạn hẹp của mình".
Thật vậy! Nếu không thể mang lại lợi ích cho công ty thì bộ phận hay nhân viên đó cũng không thể trụ vững trong môi trường này. Thứ bạn nhìn thấy nhiều lúc không phải như vậy. Bạn thấy bộ phận khác làm việc không nhiều bằng mình nhưng lương lại giống nhau, nhưng có thể họ bận bịu theo cách khác. Tính chất, nhiệm vụ khác nhau, người ngoài cuộc cũng không thể hiểu hết.
Nhà văn Mỹ, Dale Carnegie từng nói: "Mọi sự giao tiếp đều có ranh giới cuối cùng không thể vượt qua. Giữa hai con người, ranh giới này không rõ ràng, nhưng vẫn đang tồn tại. Mọi rắc rối và xung đột đều nảy sinh từ những lần muốn vượt qua ranh giới này".
Khó có tình bạn nơi công sở, sở dĩ sếp có mối quan hệ tốt với bạn là vì trong công việc bạn cần một người cộng sự. Vì vậy, bạn phải quản lý tốt cái miệng của mình và tuân thủ nguyên tắc nói ít làm nhiều. Ở chốn công sở hay bất cứ nơi đâu, tập trung vào bản thân là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nếu lo chuyện bao đồng, rồi cũng có ngày bạn rước họa vào thân.