Trẻ nhút nhát, thiếu tự tin sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kết bạn, học tập và khó có thể thành công trong tương lai. Việc xác định nguyên nhân sẽ giúp cho bố mẹ điều chỉnh cách giáo dục phù hợp, từ đó giúp con rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp và tự tin hơn vào bản thân.
Một trong số những nguyên nhân quan trọng đó chính là phương pháp giáo dục của cha mẹ. Giáo dục là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và tính cách của trẻ. Những phương pháp giáo dục không phù hợp có thể khiến trẻ phát triển không lành mạnh và hình thành tính cách nhút nhát, thiếu tự tin. Nhiều cha mẹ thường xuyên nói 3 câu này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự tự tin của trẻ.
1. "Việc này dễ thế mà cũng không làm được à"?
Một việc bố mẹ cho là quá đơn giản nhưng cũng khiến các con vật lộn hàng giờ. Khi ấy nhiều người thường nói: “Quá đơn giản, con có thể làm được mà”. Dù biết câu nói này là nhằm mục đích khích lệ con nỗ lực hơn nhưng bạn có bao giờ nghĩ theo hướng ngược lại. Con bạn sẽ cho rằng: “Việc đơn giản thế này mà mình không làm được, thôi thì mặc kệ vậy”. Suy nghĩ này sẽ dễ khiến con bạn chán nản và muốn bỏ cuộc.
Thay vào đó, hãy nói với con rằng: “Việc này khá khó đấy”. Và khi bé hoàn thành công việc, bố mẹ hãy khích lệ rằng: “Con đã làm việc rất chăm chỉ và nỗ lực”. Dù chưa thể hình dung được vấn đề nhưng ít nhất trẻ biết rằng mình vừa làm được một việc khá khó. Cách tiếp cận này sẽ giúp khích lệ và làm con tự tin hơn.
2. "Để đấy mẹ làm cho, con làm lại hỏng cho mà xem"
Con bạn cần phải tự mình hoàn thành nhiệm vụ. Con sẽ cảm thấy hạnh phúc nhường nào khi nhìn thấy thành quả bản thân đạt được và trở nên tự tin hơn. Nhiều bố mẹ thể hiện tình yêu thương với con bằng cách thay con làm mọi việc. Tuy nhiên, chính điều này khiến con bạn đánh mất cơ hội học được kỹ năng sống và khả năng làm việc độc lập. Sau tất cả lại khiến con sinh ra suy nghĩ: “Bản thân không có năng lực”.
Thay vì ôm lấy tất cả công việc, hãy chia nhỏ chúng ra thành các phần việc phù hợp với sức của con. Khi trẻ được tham gia vào công việc chung của gia đình, chúng sẽ trở nên sống có trách nhiệm và tự tin vào bản thân.
3. "Con làm sai à, cứ để đấy bố giải quyết cho"
Sai lầm là một phần của cuộc sống mà ai cũng mắc phải. Đừng bao giờ suy nghĩ bạn phải giải quyết tất cả mọi thứ để giúp con không bị mắc sai lầm. Điều này không giúp gì cho con mà chỉ khiến chúng bị nhụt chí và e ngại trước khó khăn trong cuộc sống.
Con bạn cần được mắc sai lầm và việc bố mẹ nên làm là hãy để con thỏa sức khám phá, học hỏi và phát triển chính từ những sai lầm con mắc phải. Sai lầm có thể khiến con tổn thương, nhưng cũng sẽ là cách tốt nhất để con bạn trưởng thành nếu có cách xử lý đúng đắn.
Thay vì che chắn cho các con để không mắc phải sai lầm, hãy dạy trẻ cách đối diện và chịu trách nhiệm về hành động của mình, khiến con dần hoàn thiện bản thân và tiến bộ hơn.
Cách giúp trẻ vượt qua sự nhút nhát và thiếu tự tin
1. Không nên bảo bọc trẻ quá mức
Thay vì bảo bọc trẻ quá mức, bố mẹ nên dành sự quan tâm đúng mực đến con cái và khuyến khích con tiếp xúc, trải nghiệm cuộc sống. Sự quan tâm đúng mực sẽ giúp bạn cảm nhận được tình yêu thương của gia đình nhưng không có tâm lý ỷ lại hay phụ thuộc.
2. Khuyến khích trẻ bằng lời khen
Khi con trẻ có những hành động tích cực như chủ động học tập, thực hiện bài tập về nhà đầy đủ, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, chăm sóc em,… gia đình nên có lời khen để khuyến khích trẻ duy trì những hành động này. Thỉnh thoảng, bố mẹ có thể thưởng cho trẻ một số món quà như món ăn mà trẻ yêu thích, truyện tranh, cho trẻ đến các khu vui chơi, công viên,… để trẻ có động lực thực hiện những hành vi tốt và thay đổi những thói quen xấu.
3. Giúp con nhận biết thế mạnh của mình
Khi nhận thức được thế mạnh của bản thân, trẻ sẽ dừng việc so sánh bản thân với những trẻ khác và không cảm thấy tự ti khi bản thân không ưu tú như những bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, gia đình cũng nên khuyến khích trẻ chăm chỉ học tập bởi cần cù sẽ giúp trẻ bù đắp những thiếu sót và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
4. Cho trẻ tham gia các khóa kỹ năng mềm
Phần lớn những trẻ nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân đều thiếu kỹ năng mềm. Do đó, gia đình nên xem xét cho trẻ học các lớp kỹ năng để có thể dễ dàng kết bạn, học cách duy trì các mối quan hệ, làm việc nhóm và biết cách ứng xử, đối phó với những tình huống trong cuộc sống. Khi có kỹ năng, trẻ sẽ tự tin hơn và ứng biến linh hoạt trước những tình huống bất ngờ.