“Làm sao để chuẩn bị đủ tài chính ăn Tết?” - đã là câu hỏi của nhiều người trẻ trong những ngày cuối năm. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái như năm vừa qua, khi lương thưởng giảm mạnh, họ đã phải “cân đo đong đếm” nhiều khoản chi phí để có một mùa Tết sung túc nhưng không bị bội chi.
"Mình chưa từng nghĩ một ngày đang làm việc thì nhận được tin bị sa thải", Nguyễn Hạnh (26 tuổi, sale) nhớ lại trải nghiệm éo le bản thân phải trải qua vào tháng 3 vừa qua. Suốt một thời gian dài, Nguyễn Hạnh rơi vào cảnh thất nghiệp, gửi hàng loạt CV và tham gia hơn chục cuộc phỏng vấn.
"Mình đã đi tìm việc nhưng có nhiều nơi rất 'ba chấm'. Bố mẹ không hiểu hoàn cảnh tài chính của con cái, có người thân và bạn bè nghĩ mình không muốn đi làm. Từ một người được coi là có công việc ổn định, mức lương ổn thì mình dần khép kín hơn. Bạn bè cũng thấy lạ vì mình không còn chủ động rủ đi tụ tập, luôn hạn chế ăn uống cùng họ", Nguyễn Hạnh nhớ lại.
Ảnh minh hoạ
Vừa tìm được công việc mới vào tháng 7, Nguyễn Hạnh biết trước bản thân sẽ không nhận được nhiều thưởng Tết. Đến thời điểm hiện tại, cô mới nhận được lương tháng 12 và 4 triệu đồng thưởng Tết. Dẫu tiền thưởng Tết giảm mạnh so với năm ngoái nhưng Nguyễn Hạnh lại khá lạc quan bởi cô từng nghĩ bản thân sẽ không nhận được khoản tiền này.
Còn Đặng Hương (23 tuổi, Bình Dương) tổng kết khoản tích lũy năm nay là gần như không có. Không phải vì Đặng Hương tiêu xài phung phí mà cô giải thích thu nhập tăng giảm biến động không khác gì giá vàng. Được biết, công việc văn phòng của Đặng Hương giảm 2/3 tiền lương, trong khi công việc freelancer trong ngành Truyền thông không còn thuận lợi như trước.
"Nếu như trước kia, mình có thể dễ dàng dành 500 ngàn đồng cho một bữa nhậu. Sau đó, mình đi ăn lẩu, karaoke, đi vào các hàng quán sang trọng vẫn thấy bình thường. Hiện tại mức thu nhập không gồng nổi lối sống xa xỉ đó nữa", Đặng Hương nói.
Sau đợt Tết Nguyên đán này, Đặng Hương dự tính tìm một công việc mới với mức thu nhập tốt hơn. Do đó, hiện tại cô đã cắt giảm các khoản chi phí để gia tăng quỹ dự phòng sau khi nộp đơn xin nghỉ việc.
Ảnh minh hoạ
“Giờ này những năm trước, mình đã sắm đủ mọi thứ, từ áo quần cho đến làm tóc, làm nail, sang nhà cô dì chú bác. Thời gian qua, mình không sắm quá nhiều đồ mới. Ngày 26, 27 Tết nhưng tâm trạng không còn quá háo hức, chờ mong. Chắc có lẽ do ví tiền hết nên không muốn đi chơi, cũng không muốn sắm sửa quá nhiều”, Nguyễn Hạnh chia sẻ.
Nguyễn Hạnh cho hay, cô không đến mức cạn kiệt tiền và không còn đồng nào trong ví. Tuy nhiên, việc khoản để dành không còn dư dả như trước khiến cô buộc mình phải thắt chặt chi tiêu. Hơn nữa, lương thưởng giảm mạnh cũng khiến tâm trạng đón Tết của Nguyễn Hạnh chỉ còn "bằng không".
"Bữa trước, mình cùng chị đi mua áo dài. Mình rất thích một chiếc áo dài giá 700 ngàn đồng. Mọi năm có lẽ mình sẽ mua áo dài này, kèm với vấn tóc 200 ngàn đồng. Nhưng năm nay, mình chỉ mua áo dài hơn 300 ngàn đồng trên sàn thương mại điện tử", Nguyễn Hạnh lấy ví dụ về lần tiêu tiền không còn dám "mạnh tay" như khi lương thưởng còn nhiều. Bên cạnh đó, nếu như năm ngoái, Nguyễn Hạnh đã biếu bố mẹ đồ gia dụng thì sang năm nay, cô chỉ có thể gửi phụ huynh 5 triệu đồng tiêu Tết.
"Rơi vào cảnh công việc không ổn định khiến mình phải giảm chi tiêu trong 3 ngày Tết. Bởi sau ngày Tết thì chúng ta lại phải quay lại cuộc sống như cũ. Nói chung, từ trước khi thưởng Tết, mình đã biết bản thân cần chi tiêu tối giản lại, ít đi chơi hơn. Quà cáp trong năm nay tặng bố mẹ cũng đơn giản thôi, hẹn sang Tết năm sau sẽ bù cho họ", Nguyễn Hạnh tâm sự.
Ảnh minh hoạ
Cùng tâm trạng với Nguyễn Hạnh, Đặng Hương cho biết chỉ khi bị cắt giảm lương, cô mới thấy áp lực khi thời điểm Tết cận kề. "Tết gần đến, mình lại suy nghĩ tiền đâu để mua quà biếu gia đình. Có nên đi vay thêm hay chỉ gói gọn trong chi tiêu Tết đơn giản thôi".
Từ trước Tết Nguyên đán nhiều ngày, Đặng Hương đã cắt giảm chi tiêu, ưu tiên mua sắm những đồ cần thiết hơn như bánh, mứt, quà biếu bố mẹ, trong khi đồ dùng và nhu cầu cá nhân cần giảm bớt. “Có câu nói mình thấy rất đúng với hoàn cảnh cá nhân. Đó là Tết chỉ vui khi kinh tế của bạn dư dả”, Đặng Hương tổng kết chuyện chi tiêu Tết của cô nàng.
Tuy nhiên sau cùng trước thềm đón năm mới, Đặng Hương và Nguyễn Hạnh vẫn hướng đến cái nhìn tích cực về công việc và mức lương thưởng trong năm mới.
Nguyễn Hạnh tâm sự: "Đây là năm đầu tiên mà mình 'cháy túi' và tâm trạng rơi xuống đáy nhiều như thế. Tuy nhiên, chúng cũng dạy mình cách trân trọng đồng tiền và công việc hơn. Vì trước đó, mình không phải là người tiết kiệm, cũng như biết tính toán cho tương lai".
Trong khi đó, Đặng Hương cũng muốn gác lại những cảm xúc tiêu cực khi nói về tình hình tài chính một năm qua. Trong những ngày cuối năm này, cô muốn lấy lại suy nghĩ tích cực và chuẩn bị đón Tết trong trạng thái lạc quan nhất.