Tại Althorp, điền trang ở Northamptonshire nơi cố Công nương Diana từng sống khi còn là một thiếu nữ, có một bức vẽ Diana Spencer với khuôn mặt tròn đầy đang tươi cười. Nó được vẽ ra khi bà còn nhỏ, với tuổi thơ không mấy hạnh phúc: mẹ bà lúc đó, Frances, đã rời bỏ gia đình sau một cuộc ly hôn.
Nó là một món đồ tạo tác riêng của gia đình Spencer, một lời nhắc rằng trước khi trở thành biểu tượng toàn cầu, Vương hậu tương lai và cuộc hôn nhân sóng gió cùng mối quan hệ đầy bi thảm với truyền thông, Diana vẫn là một người con, người chị em gái rất đỗi bình thường.
Trong 25 năm kể từ khi bà qua đời trong sự thương tiếc vô ngần của công chúng và các thành viên Hoàng gia, hình tượng cá nhân và gia đình của Diana dường như phần nào đã bị che khuất bởi những diễn giải về "Công nương của nhân dân". Có vô số bộ phim, chương trình truyền hình, hồi ký, giải thưởng, phim tài liệu, thuyết âm mưu.
Rồi thì đĩa kỷ niệm, tiền xu, búp bê, sản phẩm thương mại. Tất nhiên là cả những đài tưởng niệm hữu hình - các tượng đài, bức tượng và đài phun nước - nơi những người hâm mộ vẫn đến tỏ lòng kính trọng. Nhưng tất nhiên, di sản của Diana không chỉ tồn tại trong lòng công chúng, mà còn mãi hiện hữu trong trái tim và đời sống của những người thân cận nhất với bà - dù muốn dù không, sự ra đi của bà đã thay đổi cuộc đời họ mãi mãi.
Nơi an nghỉ của Diana trong điền trang Althorp của nhà Spencer.
Trong điền trang Althorp, du khách có thể tìm thấy vô số di vật cá nhân khác về Diana: Một bức ảnh khi bà còn bé bên chiếc đàn piano với biểu cảm kín đáo, một bức tranh khác bên mẹ là bà Frances; và thậm chí là một bức vẽ lớn trên đỉnh cầu thang của bà trong chiếc áo khoác trắng và bộ váy xanh. Dĩ nhiên là không một bức tượng, bức tranh hay bộ phim chính kịch nào đủ khắc họa đủ về con người bà, nhưng ít nhất tại tư gia của gia đình, bà vẫn là Diana nhỏ bé năm nào.
Nhưng có lẽ thứ quan trọng nhất trong số tất cả thu hút đa số người yêu mến bà đến với Althorp là nơi an nghỉ gần hồ Round Oval. Tại đó, có một khu vườn thoáng đãng với 36 cây sồi do em trai bà, Bá tước Charles Spencer trồng - mỗi cây là một năm tượng trưng cho cuộc đời công nương.
Đài tưởng niệm cố Công nương Diana được bài trí đơn giản, với phong cách cổ điển, cùng một bức tranh chạm khắc mô phỏng dáng hình khuôn mặt bà. Bên trái là trích dẫn nổi tiếng của bà về bản thân - một người luôn cống hiến vì sự nghiệp nhân đạo, và bên phải là đoạn trích dẫn từ điếu văn của em trai Charles trong đám tang bà:
"Trên tất cả, chúng ta cảm tạ cuộc đời của người phụ nữ mà tôi thật tự hào được gọi là chị; Diana độc đáo, phức tạp và phi thường, không thể thay thế mà vẻ đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài, sẽ không bao giờ lụi tắt trong tâm trí chúng ta", Bá tước Charles Spencer, em trai cố Công nương Diana chia sẻ.
Có một điều người ta vẫn thắc mắc khi đến thăm nơi yên nghỉ của Diana: Tại sao bà không ở bên cha mẹ, mà lại ở một mình? Hoặc, tại sao, là "Công nương của nhân dân", bà lại cô đơn ở đài tưởng niệm này đến thế?
Nhưng tất nhiên đó đều là lựa chọn của nhà Spencer và không ai có quyền thay đổi điều đó.
Là một trong những người thân thiết nhất với Diana, Bá tước Spencer, 58 tuổi, không chỉ luôn kề cận bên bà khi 2 chị em còn bên nhau tại Althorp. Sau này lúc đã trưởng thành, ông vẫn tiếp tục bảo vệ chị gái kể cả sau khi bà qua đời. Điếu văn của Lord Spencer nổi bật vì chỉ trích Hoàng gia cũng như báo chí vì cách đối xử với Diana. Cũng thành thông lệ, đến ngày này mỗi năm, ông đều có cách này hay cách khác để tưởng nhớ chị mình.
Trong tuần, Bá tước đã lên Instagram Stories của mình để tiết lộ một số cách tri ân cảm động mà những người hâm mộ cố Công nương để lại. Bên dưới bức tranh bóng hình của Công nương xứ Wales ngồi trên một chiếc ghế dài màu đen, mọi người đến thăm và để lại rất nhiều hoa, và thậm chí cả những tấm bưu thiếp nhỏ có thông điệp - dù Spencer không tiết lộ nội dung, mà chỉ ghi đơn giản "Những bó hoa tri ân tại Althorp ngày hôm nay - bởi khách viếng từ khắp nơi trên thế giới".
Althorp tình cờ cũng là nơi Diana lần đầu gặp Thái tử Charles, khi ông được mời tới bởi chị gái bà là Sarah Spencer.
Lord Spencer lớn lên tại Althorp cùng với 3 chị gái và được thừa kế ngôi nhà của gia đình khi cha ông, John qua đời vào năm 1992.
Trong khi Lord Spencer là người có nhiều tri ân công khai với chị gái mình nhất, 2 người chị gái của bà là Jane và Sarah, dù rất thân thiết với anh em William, đã vô cùng kín tiếng với công chúng suốt những năm sau này.
Khi Diana còn sống, 2 người chị gái cũng rất thân thiết bên bà và đã cùng em trai đưa Công nương trở về Anh từ sau tai nạn bi thảm ở Paris năm 1997. Sarah cũng là đồng thi hành di chúc của Diana, cũng như Chủ tịch Quỹ tưởng niệm Diana, Vương phi xứ Wales.
Sarah nói với bộ phim tài liệu Diana, 7 Days của BBC về hậu quả sự ra đi của em gái bà: "Tôi nghĩ rằng tôi cảm thấy sốc, nhưng tôi không cho là tôi cảm thấy bất cứ điều gì khác. Chỉ tình yêu và cơn sốc".
Kể từ khi Diana qua đời, Sarah luôn hiện diện an ủi trong cuộc sống của William và Harry, thăm họ trong suốt những năm còn đi học nội trú và tham dự các sự kiện.
Sarah ở đó để chứng kiến Harry nhận được huy hiệu phi công vào năm 2010, và khi con trai Archie của Harry chào đời. Hoàng gia bao gồm Sarah và những người còn lại của gia đình Spencer trong thông báo khai sinh bé Archie. Sarah cũng tham dự đám cưới cả hai cháu trai của mình và trong nhiều năm, đã mời họ đến chơi cùng gia đình bà.
Bức ảnh nổi tiếng của chị em nhà Spencer.
Trong khi đó, Jane được biết đến là người trầm lặng nhất trong số các chị em gái và luôn tránh xa ánh đèn công chúng, nhiều nguồn tin cho rằng Diana dừng nói chuyện với bà suốt 18 tháng cuối đời.
Sau cái chết bi thảm của Diana, Jane quyết định giữ im lặng, ngoài việc phát biểu trong đám tang bà vào năm 1997, đọc một bài thơ Henry Van Dyke Jr.. Bà chưa từng công khai nhắc đến em gái, kể cả trong cuộc phỏng vấn với tạp chí The Lady và cũng không xuất hiện trong bộ phim tài liệu Diana, 7 Days.
Đám cưới của Harry vào năm 2018 là một trong những lần duy nhất công chúng nhìn thấy Jane trong hơn 2 thập kỷ; bà đã đọc Bài ca của Solomon tại đám cưới. Bà cũng được Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge chọn làm mẹ đỡ đầu cho Công chúa Charlotte.
Trong khi mỗi thành viên nhà Spencer có nhiều cách, dù công khai hay lặng lẽ để tưởng nhớ Diana, di sản mà bà để lại trong tâm thức các thành viên Hoàng gia cũng có tác động mạnh không kém.
Là người đứng đầu Hoàng gia, thật khó để Nữ hoàng đưa ra quá nhiều bình luận về con dâu quá cố mà không tạo ra bất kỳ sự tranh cãi nào. Bà thậm chí từng nhận chỉ trích vì sự im lặng sau sự ra đi của Diana - cũng là một tình thế khó xử, khi Charles và bà đã đường ai nấy đi tròn 1 năm trước đó.
Tuy nhiên, vào ngày 5/9/1997, bà đã có bài phát biểu trên truyền hình với tư cách là cả Nữ hoàng và "một người bà". Di sản Diana để lại trong vị quân chủ rõ rệt nhất có lẽ là qua cách thể hiện tình cảm, có phần bớt lãnh đạm và khắc kỷ hơn những năm trước đây.
Tờ Seward nhận xét: "Giờ đây, Nữ hoàng có thể coi di sản của Diana là một động lực to lớn mãi về sau này".
"Tôi nghĩ di sản của (Diana) là thứ mà Nữ hoàng với sự khôn ngoan của mình (đã tìm kiếm) để thích nghi trong những năm đầu sau khi bà qua đời", sử gia Sally Smith, tác giả cuốn "Diana in Search of Herself" (tạm dịch: "Diana đi tìm chính mình") từng nói. "Nữ hoàng sẽ thường xuyên tương tác với mọi người hơn, và tôi nghĩ các bạn sẽ thấy sự thân mật ngày càng được thể hiện nhiều, đặc biệt là với William và Kate".
Dù vẫn có tranh cãi sau khi Nữ hoàng tuyên bố hồi đầu năm nay, bà hy vọng Camilla sẽ trở thành vương hậu một khi Charles nối ngôi, theo AP, đó là cách bà chữa lành những vết thương cũ.
Cuối cùng, không kém phần quan trọng, Nữ hoàng đã rút ra được nhiều bài học quý giá trong việc xử lý truyền thông, đặc biệt là đối với scandal liên quan đến Hoàng tử Andrew và sự rời đi của cặp đôi nhà Sussex.
Với Thái tử Charles (và cả Camilla), người nhận nhiều chỉ trích nhất vì cách đối xử với Diana cho đến tận ngày nay, toàn bộ sự kiện có lẽ là một cơn ác mộng đã góp phần định hình toàn bộ hình ảnh về ông và phần đời còn lại của vị quân chủ tương lai.
Andrew Morton, người viết tiểu sử của Diana, nói rằng mặc dù Thái tử Charles đã đạt được nhiều thành tựu với tư cách là Thân vương xứ Wales tại vị lâu nhất, cuộc hôn nhân đầu tiên của ông sẽ "luôn ám ảnh ông".
"Cũng giống như Henry VIII được nhớ đến với 6 người vợ của mình, Thái tử Charles được nhớ đến với người vợ đầu tiên của mình. Cuộc hôn nhân sẽ luôn ám ảnh ông ấy. Cuộc sống của ông đã được định nghĩa bởi cuộc hôn nhân đó", nhà viết tiểu sử Andrew Morton nói.
Sự khôi phục tiếng tăm cho "Thái tử bị ghét nhất nước Anh" phải đợi đến khi cơn giận của công chúng với ông bắt đầu mờ dần, khá lâu sau năm 1997, hơn nữa, sự "cứu rỗi" cho ông không thể tránh khỏi việc gắn liền với Camilla. Theo AP, cuộc hôn nhân với Camilla năm 2005 thực ra lại phần nào giúp làm mềm đi hình ảnh của Thái tử trong mắt công chúng, nhờ nỗ lực khổng lồ của PR.
Nhưng công chúng đã thực sự chấp nhận Camilla? Bình luận viên Hoàng gia Daisy McAndrew của NBC News dường như nghĩ vậy. "Tôi nghĩ cách bà ấy vươn lên khỏi sự lạnh nhạt trong nhận thức và tình cảm của công chúng thật đáng chú ý. Đó là một chính sách rất có chủ ý trong việc xây dựng hình ảnh trước công chúng của bà ấy một cách từ từ - và chắc chắn không cố gắng định vị mình là 'Diana thứ 2'. Bà ấy đã đi theo một con đường khác, cố gắng thể hiện con người thật của mình: độc lập hơn nhưng giản dị hơn, ít phô trương hơn, nhưng vững chắc và quan tâm; tôi nghĩ điều đó đã hiệu quả.
Bà ấy cũng cho mọi người biết rằng mình có khiếu hài hước và có thể khiến Charles trở nên 'người' hơn, điều này rất quan trọng. Bà ấy khôn ngoan khi không bao giờ cố gắng tỏa sáng hơn Diana".
Vào ngày Diana qua đời, Camilla cũng là người nhận tin từ Charles và theo chuyên gia về Hoàng gia Penny Junor, cả 2 đã rất sốc khi được biết tin Diana không qua khỏi. Chỉ vài giờ sau khi tin tức lộ ra, cánh báo chí đã tập trung trước cửa nhà Camilla.
Julia Cleverdon, người từng dành 30 năm làm việc bên Thái tử, cho biết Charles đã vô cùng đau khổ, kể cả vì sức ép từ phía công chúng - ông cũng không nhận được hỗ trợ tinh thần từ Nữ hoàng. Tuy nhiên, Camilla là người duy nhất bên cạnh ông lúc đó và bất chấp sóng gió dư luận để cùng Thái tử vượt qua - điều đó thể hiện sức mạnh mối quan hệ của họ. Dẫu sao, theo Express, cả hai đều không có trách nhiệm trực tiếp trong tai nạn bi thảm năm ấy.
Nhưng bị tác động mạnh mẽ nhất về sự mất mát có lẽ vẫn là 2 anh em Hoàng gia cùng gia đình nhỏ của họ. William và Harry, cùng nhận được tình yêu dạt dào của mẹ và vẫn sát cánh cùng nhau hơn 20 năm kể từ khi ấy (cho đến khi rạn nứt xuất hiện), có những cách đối diện khác nhau với nỗi đau.
Hoàng tử Willam mới 15 tuổi khi bi kịch khủng khiếp xảy ra. Đến lúc này, khi đã là một người đàn ông 40 tuổi và cha của 3 đứa trẻ, anh vẫn mang theo mình di sản của Diana. Trong bộ phim tài liệu với ITV năm 2017 "Diana, mẹ của chúng tôi: Cuộc đời và di sản", anh cho biết quanh nhà mình vẫn luôn có những bức ảnh và di vật về bà để anh cho 3 con thấy, kể những câu chuyện và không ngừng nhắc rằng "Các con có 2 người bà, và biết được điều đó là rất quan trọng".
Quyết định chuyển từ London về vùng nông thôn Windsor gần đây của William cũng phản ánh mong ước của Diana rằng anh sẽ có một sự nuôi dạy và cuộc sống bình thường hết sức có thể, theo People.
"William là ví dụ sống của mẹ cậu ấy", Ken Wharfe, cựu vệ sĩ của Diana nói.
Di sản của Diana để lại trong William và Kate không chỉ trong những món nữ trang bà gửi gắm cho con dâu tương lai, mà còn trong nhiều nỗ lực tiếp bước sự nghiệp nhân đạo của bà. Nhà Cambridge đã coi công việc cải thiện sức khỏe tinh thần cho mọi người là một mục tiêu chính yếu, thậm chí còn công khai thảo luận về vấn đề riêng mà họ đang gặp phải.
Hồi tháng 5 vừa qua, William cũng có nhiều chia sẻ giá trị về ý nghĩa của sự tưởng nhớ, trong sự kiện khai trương một khu vườn tưởng niệm cho các nạn nhân vụ đánh bom Manchester Arena năm 2017. Trong đó, anh nói mình cũng sống trong nỗi đau và việc tìm được "an ủi trong việc tưởng nhớ"
Trong một khoảnh khắc suy tư sâu sắc, William nói với đám đông đang tụ tập tại khu vườn tưởng niệm Glade of Light, "Là một người sống với nỗi đau của riêng mình, tôi cũng biết rằng điều thường quan trọng nhất đối với tang quyến là những người chúng ta đã mất không bị lãng quên.
Có sự an ủi trong việc tưởng nhớ. Phải thừa nhận rằng, trong khi cuộc đời bị tước đoạt đi quá sớm, họ đã sống. Họ đã thay đổi cuộc sống của chúng ta. Họ được yêu mến và được yêu mến. Đó là lý do tại sao những đài tưởng niệm như Glade of Light lại quan trọng như vậy. Tại sao Catherine và tôi rất muốn có mặt trong số các bạn ngày hôm nay".
Đây không phải là lần đầu tiên William nói về việc anh đã phải đối mặt với việc mất mẹ như thế nào. Nói chuyện với một em nhỏ mồ côi vào tháng 1 trong chuyến thăm trung tâm người dễ bị tổn thương ở Anh với Kate Middleton, William hỏi "Cháu cảm thấy mình có thể nói về mẹ của mình không?". Deacon Glover, 11 tuổi, trả lời một cách lặng lẽ, "Có ạ".
"Nó khó, nhưng nó sẽ dễ dàng hơn. Chú hứa", Hoàng tử nói thêm.
Với Harry, mẹ Diana dù có là người của công chúng và được hàng triệu người mến mộ, thì một điều bất biến là mẹ anh là người mẹ tuyệt nhất anh từng có.
Trong cuộc phỏng vấn về mẹ và di sản của bà với tờ People hồi năm nay trong sự kiện Invictus Games, anh nói: "Tôi chắc chắn hy vọng và tin rằng mọi điều tôi làm sẽ khiến mẹ tự hào... Tôi là con trai của mẹ tôi".
Trong bộ phim tài liệu của ITV năm 2017, Harry nhớ lại những khoảnh khắc về mẹ: "Mẹ chúng tôi hoàn toàn hồn nhiên như một đứa trẻ. Khi có bất cứ ai nói với tôi, bạn biết đấy, 'Mẹ anh rất vui tính phải không, cho ví dụ đi', và thế là nụ cười của mẹ chiếm trọn tâm trí tôi. Đó là kiểu cười phấn khích hoặc có khi là hạnh phúc thuần túy ngập tràn trên khuôn mặt mẹ.
Một trong những châm ngôn của bà với tôi là, 'Con muốn nghịch thế nào cũng được, chỉ đừng để bị bắt'".
Chia sẻ với Sir Elton John, Harry cũng rất ấn tượng và biết ơn về cách mẹ anh đã làm để thay đổi thái độ về những nhóm người yếu thế, cụ thể là người mắc bệnh AIDS. Đáp lại, nam danh ca nổi tiếng với ca khúc Candle In The Wind tưởng nhớ người bạn quá cố của mình cũng nhận xét nguồn năng lượng tích cực và lan tỏa của Diana là thứ mà Harry đã được thừa hưởng.
Dù vậy, nỗi đau mà sự ra đi của mẹ để lại cũng mang lại nhiều vết hằn cho Công tước xứ Sussex. Anh chia sẻ trong series The Me You Can't See rằng bức ảnh anh đi bên ông nội, cha, cậu và anh trai sau quan tài Diana trong lễ tang của bà là một trong những kỷ niệm đau đớn nhất. Lúc ấy, Harry mới 13 tuổi.
"Với tôi, thứ tôi nhớ nhiều nhất là tiếng móng ngựa trên Đại lộ The Mall khi ấy", anh chia sẻ với Oprah Winfrey.
"Cảm giác giống như tôi đang ở bên ngoài cơ thể mình và chỉ đi bộ để làm những gì được mong đợi. [Tôi] đang thể hiện 1 phần 10 cảm xúc mà những người khác đang thể hiện: Đây là mẹ của tôi - còn các bạn thậm chí chưa bao giờ gặp bà ấy".
Anh cũng nói với Winfrey rằng gia đình anh không nói về cái chết của Diana và mong anh tự đối phó với sự chú ý của báo chí và sự đau khổ về tinh thần.
"Cha tôi thường nói với tôi khi tôi còn nhỏ, ông ấy thường nói với cả tôi và William: 'À, nó là như thế đối với cha, vì vậy nó cũng sẽ giống như đối với các con. Thật vô lý, chỉ vì cha phải chịu đựng không có nghĩa là con phải chịu đựng, thực tế thì hoàn toàn ngược lại - nếu bạn phải chịu đựng, hãy làm mọi cách để đảm bảo rằng bất kỳ trải nghiệm tiêu cực nào bạn đã trải qua, bạn đều có thể biến nó trở nên hợp lý hơn với con mình" - Harry giãi bày.
Bản thân nỗi đau ấy, Harry thừa nhận, cũng khiến anh có nhiều quyết định tiêu cực như thói quen sử dụng chất gây nghiện. Và hơn hết, như nhiều người nhận xét, dư chấn của nó và nỗi sợ tương lai lặp lại với gia đình nhỏ của mình có lẽ phần nào là lý do khiến Harry quyết định rời bỏ Hoàng gia, bất chấp mối quan hệ dường như lạnh nhạt với cha và anh trai.
Nguồn: Tổng hợp