Năm nay tôi 25 tuổi, vẫn đang trong thời gian học cao học. Theo pháp luật, tôi đã thành niên được 7 năm còn theo phương thức giáo dục của nước Mỹ, tôi cũng nên bị đuổi ra khỏi nhà để tự lực cánh sinh từ rất lâu rồi.
Cách đây một thời gian, có người nói đùa trên Facebook rằng: Nhìn đi nhìn lại, lúc học cao học chính là lúc nghèo nhất. Lúc này đây, bạn đã đến giai đoạn phải phụ giúp gia đình, thế nhưng về bản chất bạn vẫn là sinh viên chưa có việc làm, dù muốn hay không, bạn vẫn cần sự hỗ trợ kinh tế từ gia đình.
Cách đây một thời gian, tôi được mời tham dự một hội nghị học thuật ở một thành phố cách xa nơi tôi học. Ban tổ chức sắp xếp chỗ ăn và chỗ ở miễn phí nhưng không hỗ trợ tiền đi lại. Từ chỗ tôi đến nơi tổ chức hội nghị mất hơn 3 triệu tiền vé máy bay. Ở thành phố đó còn có một người bạn của bố tôi - người tôi nhận là bố nuôi, nên việc ghé thăm ông là điều đương nhiên.
Sau khi biết chuyện, bố mẹ đã chuyển nhanh cho tôi gần 10 triệu vào thẻ. Nhưng tôi nhất quyết không nhận. Tôi dùng 2 tháng lương làm gia sư và một phần học bổng góp lại mua vé. Trên suốt chuyến đi, tôi tự đặt cho mình một câu hỏi: 25 tuổi, tôi có nên tiếp tục xin tiền của bố mẹ hay không?
1. Bạn có thể tiêu tiền của bố mẹ, nhưng bạn không thể dựa dẫm vào bố mẹ suốt đời được
Bạn chọn con đường nào thì phải chấp nhận trả giá vì con đường đó. Lấy ví dụ là tôi lựa chọn học cao học ngay sau khi tốt nghiệp, vì các thành viên trong gia đình đều ủng hộ lựa chọn của tôi nên họ không cảm thấy tiếc số tiền đã tiêu tốn vào tôi. Khi tôi còn năm 3, nghĩ đến việc mình là con một trong nhà và cảnh bố mẹ càng ngày càng già đi, tôi muốn ra trường thật nhanh để kiếm việc làm, kiếm tiền cho bố mẹ tôi được nghỉ hưu sớm. Lúc biết ý tưởng của tôi, mẹ tôi đã mắng tôi một trận. Mẹ biết tôi đã suy nghĩ rất lâu và cũng biết ước muốn thật sự của tôi là được học lên cao.
Từ nhỏ tôi đã là một đứa trẻ ngoan ngoãn, tôi chưa bao giờ làm trái ý cha mẹ, thậm chí cái gọi là thời kỳ nổi loạn của trẻ vị thành niên dường như cũng không hề xảy ra. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là tôi không có chính kiến hay đam mê. Mẹ tôi chỉ nói, “Mẹ chỉ đang nhắc nhở con, hy vọng con hãy suy nghĩ thật kỹ về lựa chọn của mình, để không phải hối hận”. Điều khiến tôi xúc động nhất là câu nói của mẹ tôi: “Dù con có quyết định gì đi chăng nữa, bố mẹ sẽ luôn ủng hộ con và gia đình sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc cho con”.
Sau này, tôi quyết định làm theo nguyện vọng của chính mình. Nhìn bạn bè cùng lớp đại học lần lượt tìm được việc làm, nhận lương thưởng mỗi tháng, có đôi lúc tôi cũng thấy lòng mình chòng chành. Nhưng rồi nghĩ lại, cố gắng vượt qua mấy năm ngắn ngủi này nữa, tôi cũng sẽ ra ngoài xã hội, cũng sẽ đi làm, cũng sẽ chăm chỉ kiếm tiền, cũng sẽ dùng tiền lương của mình để báo đáp bố mẹ. Đúng là hiện tại tôi vẫn còn đi học, không có khả năng tài chính nhưng tôi sẽ không như thế này mãi, cuối cùng theo thời gian, tôi sẽ trở thành một bờ vai mà bố mẹ tôi có thể dựa vào.
Suy cho cùng, điều bạn cần làm đơn giản chỉ là ghi nhớ những gì tốt đẹp bố mẹ đã làm cho bạn, thay vì coi chúng là điều hiển nhiên, phung phí và chà đạp chúng một cách bừa bãi.
Giống như cách bố tôi hay nói đùa với tôi rằng: “Con đi làm rồi bố cũng chưa nghỉ hưu đâu, bố còn phải kiếm tiền để dành làm của hồi môn cho con gái của bố”.
2. Nếu bạn cảm thấy mắc nợ, hãy chăm chỉ hơn
Bố mẹ lúc nào cũng làm việc rất cật lực để chúng ta an tâm đến trường. Mong muốn của họ là hy vọng chúng ta có thể xuất sắc hơn người, hoặc giả giúp họ thực hiện ước mơ mà họ chưa thể hoàn thành hồi còn trẻ. Điều này tôi rất hiểu.
Lúc nhỏ, tôi thường nghe bà ngoại kể chuyện ngày xưa. Ngày đó học phí rẻ lắm nhưng nhà bà tôi chẳng giàu, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy sào ruộng mà có tới tận 4 đứa con đang tuổi đến trường. Cuối cùng, ông tôi cắn răng cho hai chú tôi học tiếp còn mẹ và dì tôi phải nghỉ học đi làm. Mẹ tôi khi ấy học giỏi nhất lớp biết tin nên buồn đến mức suýt khóc mù cả hai mắt. Từ câu chuyện của bà, tôi dường như hiểu được phần nào những khó khăn mà mẹ tôi phải chịu để tôi có được cuộc sống đủ đầy nhất.
Nhớ hồi mới lên đại học, mọi thứ đối với tôi đều rất mới mẻ. Thoát khỏi đống áp lực năm lớp 12, tôi như thể được giải phóng chính con người thật của mình. Năm đó, tôi hào hứng tham gia rất nhiều câu lạc bộ và các hoạt động ngoại khóa, dẫn đến chểnh mảng học hành. Kết quả, tôi trượt danh hiệu sinh viên 5 tốt, thậm chí còn phải học lại 3 môn. Bố mẹ tôi không hề biết điều đó.
Sau đó, tôi mắc mưa khi tham gia một sự kiện của câu lạc bộ và bị ốm nặng, bố mẹ tưởng tôi học hành vất vả nên đã bắt xe đi thông đêm để tới thăm nom cho tôi. 4 giờ sáng, cả hai đã đến trước cửa kí túc xá của tôi.
Vào lúc đó, tôi quyết định thay đổi. Tôi dành hết năm 2 để lấy lại số tín chỉ đã mất. Cuối cùng, vào học kỳ 2 năm 2, tôi giành được học bổng hạng nhất đầu tiên cho chuyên ngành mình đang học. Tôi rất vui vì mình đã hối cải kịp thời, nếu không rất có thể quãng thời gian đại học sẽ hoàn toàn bị hủy hoại trong tay tôi. Sau này, tôi dành những khoản học bổng này để đăng ký thi cao học, thuê nhà bên ngoài và mua cho mình rất nhiều sách cũng như tài liệu chuyên môn.
Ngay cả khi bố mẹ sẵn sàng chi tiền cho bạn, bạn có thấy an tâm khi tiêu chúng không? Hãy dùng hành động của mình để chứng minh, ít nhất số tiền bố mẹ bỏ ra là xứng đáng.
3. Ngay cả khi bạn không kiếm được tiền, đừng tiêu tiền một cách lung tung
Gen Y, Gen X bây giờ sướng hơn nhiều so với Gen X ngày xưa, về cơ bản họ đã có mọi thứ mình muốn ở nhà. Vì vậy, ngay cả khi là sinh viên học xa nhà, họ cũng không muốn đối xử tệ với bản thân, đặc biệt là về khoản ăn, mặc, nhà ở và phương tiện đi lại. Nếu cảm thấy áp lực, họ sẽ giải tỏa bằng việc vui chơi, ăn uống hoặc mua hàng online.
Thành thật mà nói, có một lý do khá quan trọng khiến tôi chọn không yêu đương lúc còn đi học, bởi tôi nghĩ yêu đương khá tốn kém. Điều này không có nghĩa là đối phương phải chi bao nhiêu tiền cho bạn hoặc ngược lại mà đơn giản là vì khi hai người hẹn hò với nhau, sẽ có rất nhiều chi phí phát sinh.
Tôi từng quen một chị ở kí túc xá. Từ hồi còn năm nhất, sinh hoạt phí một tháng của chị ấy đã nhiều hơn người khác tương đối. Tháng nào chị ấy cũng sắm cho mình một cái váy hoặc một thứ gì đó. Lên đến năm 2, chị ấy yêu một anh, nhưng cảm thấy sinh hoạt phí không đủ nữa, bố mẹ chị ấy đặc biệt cho chị ấy thêm 1 triệu mỗi tháng để làm “quỹ yêu đương” (Vâng, không thể lúc nào cũng là con gái tiêu tiền con trai đúng không, vậy đâu có tốt).
Về việc giải quyết vấn đề này thì gia đình tôi lại công tư phân minh hơn. Chỉ cần là chuyện học hành thì dù tôi tiêu bao nhiêu tiền, bố mẹ tôi cũng sẵn sàng. Còn các khoản khác thì họ sẽ cân nhắc rất kỹ. Những chuyện khác như đi du lịch, mua sắm thiết bị điện tử,… thì tôi luôn tự giải quyết.
Cách đây một thời gian, giáo viên hướng dẫn giúp chúng tôi sửa luận văn. Biết chuẩn bị đi ăn với thầy, tôi lập tức ra cây ATM rút tiền, nào ngờ cuối cùng lúc thanh toán thầy lại quẹt thẻ trước từ bao giờ. Sau đó thầy nói với bọn tôi: “Các anh các chị còn tiêu tiền của bố mẹ thì phải học cách tiết kiệm. Sau này các anh các chị kiếm được tiền thì mời tôi sau cũng chưa muộn”.
Thực tế là như vậy đấy, trước khi tiêu xài hoang phí, mua sắm linh tinh, có bao giờ bạn nghĩ rằng đây có thể là số tiền bố mẹ vất vả kiếm được nhờ làm việc đêm ngày? Không có gì sai nếu bạn chưa thể kiếm ra tiền, nhưng nếu đã vậy thì đừng tiêu tiền một cách tùy tiện, mua ít quần áo trendy hơn, mua ít túi tắm phiên bản giới hạn hơn, thực tế cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy.
4. Nếu thời gian cho phép, hãy kiếm thêm một số tiền để phụ giúp gia đình
Thực tế, thiếu thời gian chỉ là cái cớ, sự lười biếng mới là lý do thực sự. Dù là sinh viên hay sinh viên cao học thì thời gian rảnh rỗi đều tương đối dồi dào. Nếu bạn chưa đi làm thêm một lần nào trong suốt mấy năm ròng rã đó thì quả thật là điều khó tin.
Bắt đầu từ kì nghỉ hè năm lớp 12, về cơ bản mỗi kì nghỉ sau đó của tôi đều không nhàn rỗi gì, hoặc tôi sẽ đi làm thêm, hoặc tôi sẽ cắm mặt ôn thi. Thứ nhất, ở nhà nhiều rất dễ khiến bạn trở nên chây ì, vậy thay vào đó, tại sao không thử dành thời gian ấy để kiếm một số tiền nhỏ bằng chính khả năng của mình? Có rất nhiều công việc part-time phù hợp với người còn đi học, từ nhân viên phụ vụ đến nhân viên sale, từ gia sư đến cộng tác viên báo chí hay quản lý website. Những công việc này không chỉ mang lại thu nhập mà còn mang lại cả trải nghiệm nữa. Đương nhiên bạn cũng cần cẩn thận một chút để tránh bị lừa đảo.
Nói về các phương pháp an toàn và đáng tin cậy. Trên thực tế, các trường đại học cũng sẽ bố trí một vài vị trí vừa học vừa làm, chẳng hạn như trợ giảng, phục vụ canteen, nhân sự hỗ trợ phòng lab… Những công việc này đều được trả lương, nhưng bạn cũng cần thư giới thiệu từ giảng viên đang giảng dạy bạn.
Hơn hết, sẽ tốt hơn nhiều nên bạn có cho mình một kỹ năng. Ví dụ như nếu bạn học phát thanh truyền hình, bạn có thể tham gia các cuộc thi video trong ngoài trường và cố gắng kiếm giải. Nếu bạn học nghệ thuật, bạn cũng có thể đi dạy ở các lớp đào tạo cho trẻ em hoặc bán tác phẩm trên mạng.
Sau tất cả, nếu bạn vẫn đi học thì cách kiếm tiền đỉnh nhất vẫn là học thật tốt và giành học bổng cao nhất. Về điểm này thì ngôi trường nào cũng rất công bằng, những người có ý chí sẽ không bao giờ bị bạc đãi.
5. Thứ bạn nợ bố mẹ không phải là tiền, mà là sự quan tâm và bầu bạn
Tôi là một đứa khá lười đi. Mỗi năm tôi chỉ về nhà 1-2 lần, mỗi lần cũng chỉ vỏn vẹn vài ngày, nhiều nhất là 7 ngày - 10 ngày. Thực tế cho thấy trước khi con cái vào đại học, đặc biệt là hồi còn cấp 2 cấp 3, chẳng mấy phụ huynh có thói quen tâm sự với con cái những gì học thực sự nghĩ, thứ nhất là vì khoảng cách thế hệ, thứ hai họ cho rằng quan điểm của họ là truyền thống và bạn còn quá nhỏ để lắng nghe. Nhưng rồi hiện tại, dần dần bố mẹ và bạn như những người bạn, có thể nói với nhau mọi thứ.
Đợt nghỉ gần đây nhất tôi được nghỉ 4 ngày, trùng với đám cưới một ông anh họ. Bố mẹ gọi điện hỏi tôi có về không. Nhưng nghĩ cảnh đi đi về về đã mất gần 1 ngày, tiền vé cũng chẳng rẻ gì, tôi đành cắn răng nói: “Con không về được đâu”. Để an ủi, tôi nhờ bạn bè gửi quà về cho bố mẹ.
Sau đó, tôi nhận được tin nhắn: “Con gái, bố mẹ nhận được được quà rồi. Bố mẹ chẳng thiếu gì cả, chỉ thiếu mỗi con thôi”.
Lòng tôi như quặn lại, bố mẹ đâu có cần đến chút tiền ít ỏi ấy, thứ bố mẹ cần là sự quan tâm và bầu bạn của bạn cơ.
Bạn có thể dựa vào bố mẹ một thời gian, nhưng đừng dựa vào bố mẹ cả đời. Bố mẹ cam tâm tình nguyện nhưng bạn càng cần chứng minh cho họ thấy những hy sinh của họ là xứng đáng. Nếu muốn bản thân bớt áy náy, hãy học cách quản lý tiền bạc, đừng tiêu tiền linh tinh. Nỗ lực và thành tích của bạn chính là báo đáp lớn nhất dành cho bố mẹ.
Tình cảm gia đình là thứ không bao giờ có thể đong đếm được bằng tiền, nên hiện tại bạn nợ gì thì mai sau có thể đền đáp bằng tất cả tình yêu thương, lòng hiếu thảo của mình. Và đừng bao giờ quên rằng, tốc độ thành công của bạn nhất định phải nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ.
Tranh minh họa: @Paco_Yao