10. Dell, Mỹ
Giá trị: 62,07 tỷ USD (khoảng 1,303 triệu tỷ đồng).
Dell là một tập toàn công nghệ máy tính đặt tại Round Rock, Texas. Sứ mệnh chính của tập đoàn này đó là sản xuất, phát triển và đưa ra thị trường những chiếc máy tính cùng với đó là các sản phẩm và dịch vụ liên quan. Dell cũng cung cấp các thiết bị bộ nhớ, thiết bị chuyển đổi kết nối mạng và một số thiết bị ngoại vi khác. Đây được coi là một trong những nhà cung cấp máy tính cá nhân lớn nhất thế giới.
9. Sony, Nhật Bản
Giá trị: 67,4 tỷ USD (khoảng 1,415 triệu tỷ đồng).
Đến từ cường quốc công nghệ châu Á Nhật Bản, Sony có tham vọng xâm nhập được vào rất nhiều phân mảng thị trường như đồ điện tử, trò chơi, giải trí và dịch vụ tài chính. Hiện tại, Sony đang là công ty sản xuất TV lớn thứ ba thế giới và nằm trong top 20 nhà cung cấp các thiết bị bán dẫn hàng đầu hành tinh. Khách hàng có thể nhớ đến Sony qua một số dòng điện thoại có tiếng như Ericsson hay mới hơn là Xperia hoặc dòng máy chơi game PlayStation. Sony cũng tham gia vào cuộc chơi phát hành các nội dung âm nhạc và phim ảnh.
8. Microsoft, Mỹ
Giá trị: 73,72 tỷ USD (khoảng 1,548 triệu tỷ đồng).
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ai có thể hạ bệ được Microsoft khỏi ngai vàng của danh hiệu nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới. Được thành lập từ năm 1975 bởi Bill Gates và Paul Allen, Microsoft thống lĩnh cuộc chơi hệ điều hành máy tính cá nhân từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước cho đến nay. Microsoft cũng sở hữu một lượng người dùng trung thành qua sự phổ biến khủng khiếp của bộ ứng dụng Office. Tập đoàn này cũng được biết đến với dòng máy chơi games Xbox và Xbox 360.
7. Toshiba, Nhật Bản
Giá trị: 74,39 tỷ USD (khoảng 1,562 triệu tỷ đồng).
Cùng quê hương với Sony, Toshiba là công ty chuyên sản xuất và phân phối các thiết bị điện tử phục vụ cho hoạt động thông tin và liên lạc. Bên cạnh đó, Toshiba cũng cung cấp các giải pháp kết nối Internet, hệ thống năng lượng, chất bán dẫn, linh kiện điện tử hay xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp.
6. Panasonic, Nhật Bản
Giá trị: 99,65 tỷ USD (khoảng 2,092 triệu tỷ đồng).
Tiền thân là một công ty có tên Matsushita Electric Industrial Co.Ltd, Panasonic có tổng hành dinh đặt tại Osaka, Nhật Bản. Ra đời năm 1918 dưới bàn tay của ông Konosuke Matsushita, ban đầu công ty này chỉ phân phối một sản phẩm duy nhất là những chiếc đèn bàn cắm điện. Giờ đây, Panasonic đang nắm trong tay vị trí số 5 trong số các nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới. Năm 2008, cái tên Panasonic được chính thức công nhận để phù hợp hơn với xu hướng toàn cầu hóa thương hiệu.
5. IBM, Mỹ
Giá trị: 106,91 tỷ USD (khoảng 2,245 triệu tỷ đồng).
Sản phẩm chính IBM cung cấp đó là phần cứng và phần mềm máy tính. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng phân phối các dịch vụ tư vấn về hạ tầng trong các lĩnh vực từ công nghệ nano đến máy tính lớn. IBM cũng được biết đến là tập đoàn nắm trong tay nhiều bản quyền sáng chế nhất thế giới với các sáng chế mang tầm quan trọng lớn lao như máy ATM, đĩa mềm, ổ đĩa cứng, hệ thống mã sản phẩm toàn cầu...
4. Foxconn, Đài Loan
Giá trị: 117,51 tỷ USD (khoảng 2,467 triệu tỷ đồng).
Tên đầy đủ là Hon Hai Precision Industry Co.Ltd, đại diện đến từ Đài Loan này là một trong số những nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất thế giới. Công ty này có mối quan hệ hợp tác sản xuất với các thiết bị nổi tiếng toàn cầu như iPad, iPod, iPhone, Kindle, PlayStation 3, Wii U hay Xbox 360.
3. Hewlett Packard, Mỹ
Giá trị: 120,35 tỷ USD (khoảng 2,527 triệu tỷ đồng).
Thường được gọi tắt là HP, công ty đa quốc gia này đặt tại Palo Alto, Mỹ. HP là công ty sản xuất máy tính lớn nhất thế giới trong những năm trước 2012, thời điểm Lenovo vùng lên và giành danh hiệu này. Sản phẩm chính mà công ty này cung cấp đó là phần cứng, phần mềm, công nghệ hay các giải pháp tư vấn. Khách hàng của HP trải rộng từ người dùng cá nhân đến các tập đoàn hay công ty lớn.
2. Samsung, Hàn Quốc
Giá trị: 149 tỷ USD (khoảng 3,129 triệu tỷ đồng).
Samsung là công ty điện tử đa quốc gia hiện đang nắm trong tay con số 221.000 nhân viên và có mạng lưới dây chuyền sản xuất và phân phối trải rộng trên 61 quốc gia. Samsung hiện nay là nhà sản xuất điện thoại và TV lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, công ty này cũng đóng vai trò là nhà cung cấp linh kiện bộ nhớ hàng đầu hành tinh.
1. Apple, Mỹ
Giá trị: 156,5 tỷ USD (khoảng 3,286 triệu tỷ đồng).
Với những sản phẩm được thiết kế tinh tế cùng tính năng sáng tạo vượt trội, không có gì quá bất ngờ khi Apple dành được vị trí này. Bên cạnh các thiết bị phần cứng như iPhone, iPad, iPod hay Mac, Apple cũng có hệ thống phần mềm dịch vụ đa dạng điểm tên hệ điều hành iOS và OS X, iTunes, iLife, iWork... Apple hiện đang có đội ngũ nhân viên gồm 70.000 nhân viên toàn thời gian và 3.300 nhân viên bán thời gian.