Giờ đây, hẳn ai cũng biết Nokia sản xuất điện thoại hay Samsung kinh doanh mặt hàng điện tử… Nhưng trong quá khứ, chắc hẳn bạn không dám khẳng định vậy đâu nhé. Hãy cùng tìm hiểu thời "chân đất" của 10 gã khổng lồ công nghệ với chúng tớ nào.
Nokia: Khởi đầu, gã khổng lồ Phần Lan kinh doanh sản phẩm giấy từ năm 1865, đến năm 1898 tiếp tục lấn sân lĩnh vực ủng cao su. Bạn có thể quan sát thấy biểu tượng hình chú cá ngày xửa ngày xưa của hãng.
Tất nhiên, mảng điện tử không được hãng sờ đến cho tới năm 1912. Phải mãi đến năm 1979, Nokia mới xây dựng trạm điện thoại radio đầu tiên nhờ sự hợp tác với công ty truyền hình Phần Lan Salora.
Samsung: Thật bất ngờ nhưng vào buổi ban đầu, Samsung chuyên bán tạp hóa và làm mì sợi. Lĩnh vực kinh doanh của hãng trở nên đa dạng hơn sau chiến tranh với 1 nhà máy len vào những năm 1950. Samsung chỉ chính thức đặt chân vào thị trường điện tử vào cuối thập niên 60 thôi teen ạ.
Nintendo: Ông trùm làng game Nhật Bản tham gia ngành công nghiệp giải trí từ năm 1887, chuyên sản xuất bộ bài Hanafuda. Thậm chí, mô hình này vẫn còn tiếp diễn đến những năm 1960, trước khi Nintendo thử nghiệm hàng loạt ngành kinh doanh như taxi, thiết kế “khách sạn tình yêu”, bán máy hút bụi... Phải tới khoảng giữa những năm 70, Nintendo mới quyết tâm tham chiến tại thị trường video game đấy nhé!
Sharp: Vào năm 1915, nhà phát minh người Nhật Bản Tokuji Hayakawa thành lập công ty sản xuất bút chì Sharp (có nghĩa là sắc nhọn). Gần nửa thế kỷ sau (1964), Sharp mới chính thức đặt chân vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao khi xây dựng nhà máy bóng bán dẫn đầu tiên.
Skype: Được sáng tạo bởi nhóm phát triển phần mềm Kazaa, chương trình chia sẻ rất nổi tiếng sau khi Napster phải đóng cửa vì rắc rối pháp lý. Bộ 3 lập trình viên người Estonia gồm Ahti Heinla, Priit Kasesalu và Jaan Tallinn đã cùng gia nhập công ty của Niklas Zennst và Janus Friis vào năm 2001. Sau đó, họ quyết định bán Kazaa cho Sharman Network trước khi bị tòa án "sờ gáy".
Cuối cùng, những thành viên đã chuyển sang xây dựng 1 hệ thống mạng ngang hàng khác, hỗ trợ cuộc gọi video qua internet. Kết quả là Skype chào đời vào năm 2003.
Panasonic (Matsushita): Nhà sáng lập Panasonic có tên Konosuke Matsushita đã thiết kế 1 chiếc đui đèn cho ông chủ cũ của mình, làm tại công ty đèn điện Osaka vào năm 1917. Tuy nhiên, người giám sát cho rằng sáng kiến này quá vô ích và Matsushita đành tách ra thành doanh nghiệp riêng.
Kết quả, ông nhận được rất nhiều đơn hàng về tấm cách điện cho nhiều loại quạt. Nhờ vậy, Konosuke Matsushita tích lũy được nguồn vốn đáng kể, lập thành tích "khủng" đầu đời là mẫu đui đèn đôi như bạn thấy phía trên.
Motorola: Tên gọi này là sự kết hợp giữa Motor (động cơ) và Victrola (loại đầu thu băng cổ). Nguyên nhân bởi năm 1930, công ty đã mua lại bằng sáng chế cho thiết bị đài radio lắp trên xe hơi và chuyển mô hình kinh doanh sang lĩnh vực này. Tuy vậy, lịch sử của hãng bắt đầu sớm hơn với cái tên Galvin Manufacturing từ 2 năm trước đó và chuyên sản xuất thiết bị khử pin cho đài radio.
HP: Dave Hewlett và Bill Packard (đồng sáng lập HP) bắt đầu cuộc cách mạng 2-Tek trong gara từ rất sớm. Song đấy không phải sản phẩm máy tính như ngày nay. Thay vào đó, thiết bị được chế tạo lại dùng để kiểm tra âm thanh và Walt Disney đã mua chúng đầu tiên vào năm 1939. Nghe đâu, Disney đã dùng sản phẩm HP cho những rạp chiếu phim với hệ thống âm thanh mới.
Twitter: Từng kinh doanh trong lĩnh vực podcasting (một phương pháp phân phối âm thanh/video thành từng đoạn hay từng mảnh thông qua một điểm tin RSS) bằng nền tảng Odeo. Đáng tiếc, sau khi Apple trang bị tính năng tương tự vào iTunes, tình hình trở nên khó khăn và công ty chuyển hướng sang dịch vụ hỗ trợ người dùng đăng tải những tin nhắn siêu ngắn - đó chính là Twitter.
Apple Computer: Rất nhiều người biết rằng Apple đã chế tạo và bán máy tính cá nhân ngay thuở đầu thành lập. Bởi vậy, gã khổng lồ được đặt tên là Apple Computer. Thế nhưng, cùng sự ra mắt của iPhone vào năm 2007, công ty quyết định bỏ đi chữ Computer nhằm khẳng định mục tiêu kinh doanh di động. Dường như "trái táo khuyết" đã làm đúng khi iPhone và iPad hiện mang về 2/3 tổng doanh thu.