SOPA (Stop Online Piracy Act), dự luật chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng đang trở thành chủ đề nóng trên khắp diễn đàn. Trong khi số đông người dùng phản đối SOPA được thông qua, một số "đại gia" như Apple, Adobe hay Microsoft lại ủng hộ nhiệt tình. Nguyên nhân của chúng sẽ phần nào sáng tỏ qua bài viết được đăng trên trang tin danh tiếng Mashable dịp vừa qua:
Trước hết, phải khẳng định ngay rằng những người thiết lập SOPA chẳng hề "gà mờ" về thế giới internet (điều mà những người biểu tình chỉ trích nặng nề về họ - tác giả SOPA). Thậm chí, họ còn rõ hơn ai hết rằng mạng toàn cầu làm việc như thế nào. Đúng vậy, họ hiểu và muốn thay đổi mọi thứ mãi mãi.
Phía sau SOPA là tham vọng, được ủng hộ bởi hàng loạt siêu tập đoàn truyền thông kiểu cũ, âm mưu đưa người dùng trở lại thời... đồ đá. Đấy là những gì từng diễn ra trước thời điểm World Wide Web phổ biến (năm 1994), khi chúng ta chỉ có thể tiếp cận sản phẩm truyền thông một cách giới hạn: Bạn phải bỏ tiền mua báo, trả phí cho các chương trình vô tuyến do các hãng truyền thông lớn cung cấp. Nhưng kể từ sau năm 1994, mọi thứ đã trở nên đơn giản và thú vị hơn - mỗi người đều dễ dàng sáng tạo nội dung và sở hữu khán giả của riêng mình. Người dùng không còn bị lệ thuộc vào các sản phẩm cũ nữa, họ có thể tự chia sẻ những gì mình tạo ra hoặc sở hữu với người khác.
Lúc này, internet nhanh chóng trở thành cơ chế vận chuyển linh hoạt, với dòng chảy bất tận của nội dung vi phạm bản quyền. Đáng kể nhất phải nhắc tới phần mềm, phim, hình ảnh và âm nhạc. Điều ấy khiến các công ty truyền thông kiểu cũ - đối tượng vốn kiểm soát việc buôn bán và phân phối sản phẩm chịu thiệt hại lớn và cảm thấy bất lực trước việc ngăn chặn hiện tượng trên. Những gã khổng lồ một thời thống trị thị trường nhờ vào doanh số bán ra của các sản phẩm truyền thông như truyền hình, báo chí, quảng cáo đa phương tiện... dần mất đi khách hàng quen thuộc của mình.
Kỹ thuật số giúp cư dân mạng thoải mái chia sẻ ca khúc yêu thích với bạn bè. Còn tại lĩnh vực điện ảnh, giao thức chia sẻ ngang hàng khiến bộ phim độ nét cao đều dễ dàng tiếp cận cho người dùng phổ thông. Thậm chí, ngay cả bộ phim còn trong giai đoạn hậu kỳ cũng rò rỉ trên internet.
Chưa hết, những "người tạo ra các vì sao" của Hollywood hay "ông lớn" xuất bản tại New York đang bị thu hẹp quyền lực bởi nhiều tên tuổi vô danh. YouTube giống như minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề. Bởi chỉ cần chia sẻ một đoạn video, bạn có thể bỗng dưng vụt sáng và kiếm lợi đống tiền. Tương tự, nhiếp ảnh gia thường chọn Flickr hay Facebook để chia sẻ tác phẩm đến hàng triệu người, không cần đến bất kỳ quyển tạp chí hoặc tờ báo nào.
Nhìn chung, SOPA và phe ủng hộ dự luật thực sự vô lý. Đây chỉ là nỗ lực của họ nhằm thay đổi quy tắc căn bản của thế giới web: thủ tiêu các bài thảo luận mở, ngăn chặn chia sẻ video (tạm biệt YouTube). Và nếu mở rộng hơn, Facebook hay Twitter đang giúp chia sẻ liên kết chắc chắn không còn đất diễn.
Khi việc phán xét vi phạm bản quyền với hoạt động trực tuyến được thông qua, nó sẽ khiến bất cứ người nào, đang làm bất cứ điều gì trên mạng cũng phải cảm thấy lo lắng. Kết quả, những công ty sản xuất nội dung đã đạt được mục đích. Lúc ấy, khi bạn quá lo lắng về những vi phạm có thể vô tình mắc phải, họ luôn dang rộng vòng tay chào đón và dĩ nhiên, cả hầu bao của bạn nữa nhé!