Microsoft
Ban đầu, thương hiệu chính thức của ông trùm là Micro-Soft đấy nhé. Tên viết tắt này bắt nguồn theo 2 chữ MICROcomputer và SOFTware, ám chỉ mục đích phát triển các phần mềm dành cho máy tính cá nhân.
Tuy nhiên, để thuận tiện khi giao dịch với đối tác và viết nhanh hơn nên sau này, Bill Gates đành lòng bỏ dấu gạch ngang và đổi tên công ty thành Microsoft.
Yahoo
Thường xuyên sử dụng Yahoo! Messenger nhưng đã bao giờ bạn tìm hiểu về nguồn gốc tên gọi Yahoo chưa? Đây là tên viết tắt của cụm từ "Yet Another Hierarchical Officious Oracle" được hiểu như danh mục tìm kiếm trực tuyến, trong đó "hierarchical" (phân cấp) cho biết cơ sở dữ liệu của Yahoo được sắp xếp theo lớp, "oracle" có nghĩa là nguồn gốc của sự thật và trí khôn, còn "officious" mô tả nhiều nhân viên văn phòng tra cứu Yahoo trong giờ làm việc.
Năm 1994, hai nhà đồng sáng lập David Filo và Jerry Yang quyết định lựa chọn tên gọi trên sau khi miệt mài tra cứu từ điển và thấy rằng Yahoo cũng rất dễ nhớ, dễ đọc.
Google
Ban đầu, Google chưa mang tên “google” như giờ đâu. Thay vào đó, tên gốc của gã khổng lồ tìm kiếm là “googol” cơ. Điều này chính là thuật toán chỉ số 10 mũ 100 (số 1 và 100 số 0 đứng sau), nhằm mô tả khả năng đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin vô tận của người dùng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, khi bộ đôi Sergey Brin và Larry Page trình bày dự án với nhà đầu tư, họ đã viết nhầm tấm séc dưới cái tên “Google”. Ngoài ra, ông trùm cũng thất bại trong việc mua lại tên miền Googol.com nên phải lựa chọn Google để thay thế. Cũng khá hay ho đấy teen nhỉ?
Apple
Ai cũng biết Apple nghĩa là quả táo nhưng nguồn gốc quả táo này thế nào hẳn không nhiều người nắm rõ. Giả thuyết được tin tưởng nhất hiện giờ khẳng định chính Steve Jobs đã chọn quả táo làm biểu tượng cho thương hiệu của mình, đơn giản vì chú ấy nghiện ăn táo.
Được biết, Steve Jobs mất 3 tháng để ngâm cứu tên gọi vừa dễ nhớ, vừa hay, vừa độc... Huyền thoại quyết định lấy tên Apple Computer Inc do những người bạn đồng sáng lập không nghĩ được điều gì hợp lý hơn. Và biểu tượng quả táo trên đầu Newton đã xuất hiện trong logo đầu tiên của hãng đấy.
HP
Đơn giản, HP là tên viết tắt của bộ đôi sáng lập, Bill Hewlett và Dave Packard. Tuy nhiên, ban đầu để xác định nên chọn thương hiệu nào giữa Hewlett-Packard và Packard-Hewlett thì hai người đã phải tung đồng xu đó nha!
Asus
Asus là một trong những thương hiệu sản xuất máy tính và các linh kiện phần cứng rất nổi tiếng phải không nào. Nhưng nguồn gốc tên gọi của họ lại khá hài hước í!
Tên gốc của Asus là Pegasus - một loài ngựa có cánh trong thần thoại Hy Lạp. Nhưng ban lãnh đạo lo ngại rằng chữ “P” đứng quá sâu trong bảng chữ cái ABC nên thương hiệu có nguy cơ chìm nghỉm.
Giải pháp hợp lý là phải đưa thương hiệu của họ lên đầu tiên, nhằm được chú ý hơn trong thương vụ làm ăn. Cuối cùng, “Peg” được cắt phăng đi và chỉ còn lại Asus đứng sau.
Cisco
Cisco là tên viết tắt của thành phố San Francisco, nơi đặt trụ sở của tập đoàn công nghệ hệ thống này. Ngoài ra, trong logo của Cisco còn bao gồm biểu tượng cây cầu Cổng Vàng (Golden Gate) cũng rất nổi tiếng tại San Francisco nhé.
Hotmail
Tham vọng của nhà sáng lập Jack Smith là muốn xây dựng một sản phẩm có thể truy cập mọi lúc mọi nơi với bất kỳ máy tính nào trên thế giới. Vậy nên sau khi nghiên cứu đầy đủ mọi hồ sơ, ông quyết định chọn dự án kinh doanh về dịch vụ mail của Sabeer Bhatia.
Jack Smith đã lục lọi từ điển nhằm tìm kiếm một cái tên thật đẹp có kết thúc bằng đuôi "mail" và Hotmail được lựa chọn. Tên gọi này cũng bao gồm các ký tự html ở bên trong (HoTMaiL) vì đấy là ngôn ngữ lập trình dùng xây dựng các trang web.
Intel
Thuở trước, hai "cha đẻ" Gordon Moore và Bob Noyce muốn đặt tên thành tựu của họ là "Moore Noyce". Đáng tiếc, tên gọi này đã được đăng ký thương hiệu bởi một khách sạn nên họ phải chuyển sang phương án khác. Cuối cùng, cái tên Intel (viết tắt của INTegrated Electronic) tồn tại đến ngày nay.
Red Hat
Nếu quan tâm hệ điều hành mã nguồn mở thì hẳn bạn rất quen thuộc cái tên Red Hat. Chuyện rằng nhà sáng lập Marc Ewing được ông nội tặng một chiếc mũ đỏ và sau đấy bạn bè thường gọi cậu là "chàng trai mũ đỏ". Tuy nhiên, trong thời gian phát triển bản thử nghiệm nền tảng của mình, chiếc mũ vô tình bị mất. Điều ấy trở thành lý do để cái tên Red Hat Linux xuất hiện: Ai nhìn thấy mũ đỏ ở đâu xin trả lại nhé!