Ngày nay, dường như chúng ta đang sống giữa một thế giới tràn ngập hacker. Từ đầu năm đến giờ, không ngày nào dân tình không bàn tán nhau về các vụ tấn công rầm rộ của tin tặc.
Nguồn gốc
Hầu hết nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng “hack” xuất hiện lần đầu tiên tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào khoảng thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, một vụ đột nhập chẳng khác nào trò đùa nghịch ngợm của sinh viên muốn khoe trình độ và hoàn toàn vô hại.
Sự kiện mở màn đánh dấu tác hại của hoạt động phá phách diễn năm 1972. Khi đấy, một nhóm tin tặc đã tìm thấy lỗ hổng trong hệ thống chuyển tiếp điện thoại đường dài của hãng AT&T (Mỹ). Thiết bị dùng thực hiện quá trình hack có tên gọi “Blue box”, giúp người dùng tiết kiệm tiền cước viễn thông. Việc buôn bán loại hộp “thần kỳ” vô cùng quyến rũ, khiến ngay cả bộ đôi sáng lập Apple là Steve Wozniak và Steve Jobs cũng phải nhảy vào kiếm chác.
Phát triển
Theo thời gian, cùng sự phát triển của khoa học máy tính, hack không chỉ còn là trò đùa vui mà biến tướng thành tội phạm thứ thiệt. Các nhóm tin tặc bắt đầu xuất hiện với những cái tên "khủng khiếp" như Legion of Doom (Quân đoàn Tận diệt), Masters of Deception (Đầu trò Lừa dối), Neon Knights…
Trong đó, nổi nhất phải kể tới Legion of Doom với nhiều lần phá phách hệ thống điện thoại và máy tính nhưng hiếm khi đứng lên nhận trách nhiệm. Vào giai đoạn cao điểm, nhóm này duy trì đến 414 thành viên.
Sự kiện hoành tráng nhất chứng kiến hoạt động của Legion of Doom là đợt hack vào ngân hàng Security Pacific Bank và Los Alamos National Laboratory kéo dài hơn 9 ngày.
Nhận thấy mối nguy hiểm trên, nhiều chính phủ đặt các nhóm và cá nhân tin tặc vào vòng pháp luật. Tại Anh và Mỹ, nhà lập pháp đã phê chuẩn các đạo luật chống lạm dụng máy tính, tạo phương tiện để truy tố hacker từ thập niên 1980. Hàng loạt vụ chấn chỉnh tin tặc bắt đầu có hiệu quả, đỉnh điểm vào năm 1990 với chiến dịch Sundevil do mật vụ Mỹ thực hiện.
Ngày càng mạnh mẽ
Khi internet xuất hiện và máy tính cá nhân phổ biến hơn, đấy cũng trở thành thời điểm nhiều nhóm tin tặc mới ra đời, mục đích phá hoại và thể hiện trình độ cao hơn hẳn. Tiêu biểu như nhóm L0pht lừng lẫy với thành tích đánh sập mạng internet trong 30 phút vào năm 1998.
Nhóm Mafiaboy cũng chẳng kém khi tiến hành hàng loạt vụ đánh sập website của những công ty nổi tiếng thế giới như Yahoo, Amazon, Ebay, CNN… Về phía cá nhân phải nhắc tới anh chàng Dark Dante có thể làm chủ đường dây điện thoại của 1 chương trình phát thanh, trở thành người thứ 102 gọi điện và đoạt giải là chiếc Porsche 944 mới cứng.
Bùng nổ, mũ đen và mũ trắng
Hoạt động phá hoại ngày càng gia tăng theo thời gian, bất chấp mọi cố gắng, nỗ lực của nhà chức trách. Tại một số khu vực trên thế giới, hacker còn được coi là “đại diện” cho đất nước và thường xuyên trạm chán nhau, tiêu biểu như Pakistan và Ấn Độ.
Tuy nhiên, chẳng phải hacker nào cũng hoạt động vì mục đích xấu. Không ít thành viên với kiến thức của mình lại muốn hạn chế sự hoạt động của hacker xấu (hacker mũ đen). Họ được gọi là những hacker mũ trắng. Một nhóm hoặc một cá nhân có thể theo cả hai phe mũ trắng và đen, đôi khi là màu xám tùy theo mục đích của họ.
Hiện tại
Giờ đây, vào năm 2011, dân hacker thêm một lần nữa gây chấn động nền hòa bình internet. Nổi bật nhất là 2 nhóm Anonymous và Lulz Security (còn gọi là LulzSec), những tên tuổi đi đầu cuộc tấn công vào các công ty đa quốc gia hoặc chính phủ. Điển hình như các vụ đánh sập website của Sony, Google, Fox, Cục điều tra liên bang Mỹ hay chính phủ Hoa Kỳ…
Mới đây, vào ngày 26/6/2011, nhóm Lulz Security tuyên bố tự giải tán sau khi "làm tình làm tội" thế giới internet suốt 50 ngày liên tục. Thông điệp cuối cùng họ giải thích cho hành động của mình chỉ đơn giản là sự “khao khát” khó hiểu.
Tuy nhiên, vẫn còn lại hàng chục nhóm hacker chính danh và nặc danh đang hoạt động. Chắc chắn rồi, giờ chưa phải lúc để mọi người mất cảnh giác hay thở phào nhẹ nhõm đâu nhé.