MS-DOS
Cái tên quá quen thuộc với hầu hết người sử dụng máy tính cho dù họ có thể chưa bao giờ thấy tận mắt hệ điều hành này. MS-DOS là viết tắt của cụm từ “Micro Soft Disk Operating System” trong tiếng Anh, vốn dĩ được chuyển nguồn gốc sáng chế từ “Seattle Consumer Products’ Quick and Dirty Operating System” (QDOS).
MS-DOS ra đời bao gồm dạng mã lệnh đen/trắng chứ không hề có giao diện người dùng đồ họa (GUI). Sau này, cụm từ DOS mang nghĩa rộng lớn hơn để chỉ các hệ điều hành có bộ cài được ghi trên đĩa chứ không còn chỉ riêng MS-DOS. Ví dụ, chúng ta có các loại hệ điều hành khác như Apple DOS, AmigaDOS, freeDOS…
Windows 1.0 – NT 4.0
Tên gọi Windows 1.0 cho biết đây là hệ điều hành đầu tiên của Microsoft sở hữu giao diện đồ họa, giúp người sử dụng tương tác nhanh chóng và thuận tiện hơn. Chữ Windows từ đó cũng được coi như một biểu tượng lớn của gã khổng lồ phần mềm. Sau này, các hệ điều hành tiếp theo đều mang tiền tố “Windows” đằng trước như càng khẳng định thêm vị trí số một ấy.
Windows 1.0 tới 3.1 bắt đầu hoạt động trên nền tảng công nghệ hoàn toàn mới mang tên New Technology được áp dụng trong việc phát triển hệ điều hành. Tiếp sau đó, Windows 4.0 là phiên bản đầu tiên áp dụng nhân kernel NT và được phát hành năm 1996, sử dụng giao diện người dùng Windows 95.
Windows 95 – ME
Trong một thời gian ngắn, Microsoft đặt tên các sản phẩm hệ điều hành của mình theo năm ra đời của chúng. Vì vậy, chúng ta có Windows 95, 98 và bản Millennium Edition. Tất cả đều được xây dựng trên nhân kernel của bản Windows 3.1. Phiên bản Millennium Edition ra đời năm 2000 và được thiết kế lại nhằm tối ưu hóa cho mục đích sử dụng tại gia trong khi Windows 2000 phục vụ chủ yếu cho các máy tính doanh nghiệp.
Windows 2000 sử dụng nhân kernel NT và đã đem lại thành công cho Microsoft, hoàn toàn xứng đáng là người kế nhiệm của NT 4.0 và giống như dấu mốc tiền thân cho thời kỳ vàng son mang tên Windows XP.
Windows XP, Vista và Windows 7
Windows XP được ra mắt năm 2001 và chữ “XP” được lấy ra từ chữ “eXPerience” (trải nghiệm). Đây là nền tảng thành công nhất so với các người tiền nhiệm trước đó. Năm 2007, Windows Vista ra đời. Theo Microsoft, “Vista” có nghĩa là những gì bạn hồi tưởng, suy nghĩ vào khoảng cuối ngày về điều mình đã làm được trong ngày đó. Tuy nhiên, trên thực tế, Vista không đạt được thành công như mong muốn.
Windows 7 có cách đặt tên rất đơn giản, chỉ phiên bản thứ 7 của hệ điều hành Windows kể từ Windows 95. Mặc dù Windows 95 không phải là phiên bản đầu tiên nếu tính tới cả Windows 1.0 – 3.1 nhưng nếu đặt tên cho Windows 7 bằng Windows 10 thì sẽ chẳng còn mấy thú vị. Thêm nữa, mọi người sẽ nhầm lẫn với thương hiệu Mac OS 10.
System 1 – 7.5
Không chịu khoanh tay ngồi nhìn Microsoft gặt hái những thành công từ mảnh đất hệ điều hành béo bở, Apple nhảy vào cuộc. Sản phẩm của họ được phát triển riêng cho dòng máy tính cá nhân Macintosh. Sau này, những bản nâng cấp tiếp theo thường được thêm số điểm 0,1 vào sau tên gọi.
Macintosh là dòng máy tính cá nhân đầu tiên của Apple, ra đời năm 1984. Sau này, mỗi khi phiên bản PC mới hơn ra mắt thì phiên bản OS mới cũng nhanh chóng xuất hiện nhằm hỗ trợ tốt hơn. Từ bản System 1 tới 4 không hỗ trợ đa nhiệm. Phiên bản 7.6 được Apple bỏ tiền tố “System” trước khi các hệ điều hành đời sau được đổi tên thành Mac OS.
Mac OS 8 – 10
Mac OS 8 giới thiệu năm 1997, một thời gian ngắn sau khi Steve Jobs trở lại làm việc tại Apple. Lẽ ra Mac OS 8 đã có tên gọi 7.7 nhưng được chuyển thành 8. Mac OS 9 chào đời và trở thành dấu mốc “kinh điển” khi 100% sản phẩm đều dựa trên nhân lực của Apple.
OS X (OS số 10) là phiên bản thứ 10 của hệ điều hành chạy trên máy Mac và cũng là thế hệ đầu tiên phát triển dựa trên công nghệ Berkeley Software Distribution (BSD). Phần lớn ý tưởng của BSD được phát triển tại công ty NeXTSTEP – nơi Steve Jobs làm việc trong những ngày rời khỏi Apple.
Những phiên bản tiếp theo như 10.1, 10.2… không được Apple giải thích lý do.
Linux
Cái tên Linux bắt nguồn từ Ari Lemmke – một người điều hành server FTP – nơi upload Kernel Linux gốc. Trong khi đó, Linus Torvalds là người đã tạo ra kernel Linux thì muốn đổi tên thành kernel Freax. Nhưng Ari lại gửi cho Torvalds một folder có tên “linux” để nhà phát triển kia tải lên. Tất nhiên, ai cũng hiểu Linux là cách viết lái đi của từ "Linus" (tên người phát triển).
Ubuntu
Ubuntu là một từ trong ngôn ngữ Zulu và Xhosa ở châu Phi, mang nghĩa “loài người vượt trội hơn các giống loài khác”. Cũng giống như các phiên bản Linux khác, Ubuntu bao gồm 2 tên gọi cho mỗi một bản: tên mã phát triển và tên phiên bản. Tên phiên bản được đặt theo năm tháng ra mắt. Ví dụ, nếu bạn nhìn thấy tên phiên bản là 10.04 thì thời điểm ra mắt sẽ là tháng 4 năm 2010. Ngoài ra, cứ mỗi 2 năm 1 lần, một bản LTS sẽ được cập nhật, giúp bổ sung những bug của hệ thống.
Tên mã được đặt theo tên một con vật và tính chất của con vật đó (theo tiếng Anh) với cùng chữ cái bắt đầu (ví dụ chúng ta có Warty Warthog). Từ phiên bản Breeze Badger (5.10), tên code bắt đầu được đặt theo bảng chữ cái.
Ngoài ra, tùy từng mục đích mà các phiên bản Ubuntu có tên gọi khác nhau như Kubuntu, Xubuntu, Mythbuntu và Eubuntu. Chúng cũng có lịch đặt tên giống như Ubuntu.