Có lẽ với những người theo dõi nhiều phim bom tấn sẽ biết tới khái niệm "ngày phán quyết" trong bộ phim "Kẻ huỷ diệt" nổi tiếng ngày nào. Viễn cảnh được mở ra chính là việc các robot với trí thông minh vượt trội, sức mạnh phi thường loại bỏ tất cả những khiếm khuyết trên Trái Đất. Éo le thay, những khiếm khuyết đó lại chính là con người. Mặc dù vậy, một viễn cảnh tương tự liệu có trở thành hiện thực?
Một viễn cảnh khi mà robot nổi dậy để loại trừ con người đã được thực hiện ở nhiều bộ phim.
Khởi nguồn từ những chiếc smartphone
Có lẽ chưa khoảng thời gian nào trong lịch sử loài người mà công nghệ phát triển nhanh và mạnh như thời điểm hiện tại. Nếu như 10 năm trước đây chúng ta vẫn phải sử dụng một cỗ máy cồng kềnh để làm những công việc nhất định, một chiếc smartphone ngày nay với cấu hình đủ có thể mang tới sức mạnh vô song chỉ với vài lần chạm vào màn hình.
Smartphone về lý thuyết chỉ là một thiết bị giúp con người giữ kết nối với nhau và nó được sinh ra chỉ với mục đích liên lạc. Thế nhưng hãy nhìn vào chiếc smartphone của bạn, nó đang giúp ích những gì cho bạn trong cuộc sống? Từ những cuộc hội thoại đơn giản cho tới lưu trữ dữ liệu, tìm đường, theo dõi sức khoẻ hay thậm chí là cả... tư vấn tâm lý qua các ứng dụng, những chiếc smartphone đã và đang ăn sâu hơn vào cuộc sống của mỗi chúng ta.
Công cụ liên lạc, máy ảnh, công cụ theo dõi sức khoẻ cho tới... bạn gái ảo đều có thể dễ dàng được thực hiện chỉ với một chiếc smartphone.
Nếu có một ngày, chiếc smartphone của bạn bỗng dưng... phản chủ, mọi thứ sẽ ra sao? Cuộc sống chắc chắn sẽ đảo lộn khi những thói quen hàng ngày, những việc tiện ích mà smartphone mang lại không còn ở đó. Đã bao lâu rồi bạn không xem cuốn lịch giấy treo trên tường khi mà smartphone đã có ứng dụng lịch? Những tờ giấy nhắc chúng ta vẫn hay dán vào tủ lạnh hay bàn học giờ đang nằm ở góc nào trong kí ức mỗi chúng ta? Smartphone đã thay đổi hoàn toàn mọi thứ.
Công nghệ và những tiện ích "khó cưỡng"
Tới giờ bạn đã hiểu về chiếc smartphone ảnh hưởng ra sao, hãy đi sâu hơn vào vấn đề trọng tâm. Từ những chiếc smartphone, chúng sẽ được mở rộng thêm ra các sản phẩm, phụ kiện khác như đồ gia dụng, đèn, loa, đài hay thậm chí là cả cánh cửa mà chúng ta vẫn thường khoá bằng tay. Ở một số quốc gia hiện đại hơn, các robot xuất hiện nhiều trong các gia đình hiện đại khi chúng giúp chủ nhận dọn dẹp, làm một số công việc mà chẳng mấy ai muốn làm. Tại Nhật, một số nhà hàng hay khách sạn thậm chí còn sử dụng
robot để thay thế nhân công bình thường giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn giữ hiệu quả trong công việc.
Sau smartphone sẽ là những phụ kiện liên quan tới chúng trong đó có cả robot, những robot này được thiết kế giống con người tới lạ lùng.
Tất cả những thứ trên có thể được tóm tắt bằng khái niệm IoT (Internet of things) khi những thiết bị điện tử đều được nối mạng để từ đó người dùng có thể kiểm soát mọi thứ xung quanh mình với một thiết bị điều khiển trung tâm (smartphone) đồng thời một hệ thống kết nối các thiết bị này lại. Nghe có vẻ xa lạ, thế nhưng chẳng phải đó là khái niệm Sky Net trong bộ phim nào khi mà các hệ thống phòng thủ được kết nối với nhau trên Internet?
Con người và giấc mơ làm chủ công nghệ
Không có smartphone, Internet hay các thiết bị thông minh, bạn sẽ làm gì để chúc mừng sinh nhật một người bạn của mình? Đơn giản nhất là gọi điện thoại tới người bạn đó và nói chúc mừng sinh nhật. Thế nhưng, liệu bạn có còn nhớ số điện thoại của bạn bè hay người thân khi mà smartphone đã làm việc đó hộ bạn? Chúng ta vẫn cho rằng con người làm chủ công nghệ cũng như các sản phẩm mà con người tạo nên. Điều này đúng một phần nào đó và nó chỉ chính xác với một bộ phận nhất định chứ không phải bất kì ai trong số chúng ta.
Những sự tiện lợi mà công nghệ mang lại đã làm con người thay đổi rất mạnh mẽ trong khoảng thời gian gần đây.
Trong khi giới công nghệ đang đau đầu trong việc cạnh tranh lẫn nhau tạo ra các sản phẩm mới, hoàn thiện hơn hết cuộc sống loài người thì bộ phận lớn còn lại được biết với tên gọi người dùng, tận hưởng những thành quả đó và họ chẳng quan tâm tới những điều sâu xa kia miễn chúng mang lại lợi ích cùng với một cuộc sống không nhiều suy nghĩ. Hàng loạt sản phẩm tự động hoá sẽ được ra đời với các công cụ viết sẵn, giao diện người dùng tối giản, việc của chúng ta chỉ là ấn nút, ấn nút và ấn nút mà thôi.
Viễn cảnh nào cho "ngày phán quyết"
Hãy tưởng tượng chỉ vài năm nữa thôi, bạn không còn phải dọn dẹp nhà cửa khi mà robot sẽ thay thế chúng ta làm những công việc đó, các hoạt động nguy hiểm sẽ được thay thế hết bằng robot để giảm thiểu nguy hiểm cho con người và khi bạn kịp nhận ra có lẽ một chú robot đang đánh răng và đắp chăn cho bạn ngủ rồi đó. Với những tiện ích được trang bị tận răng như trên, sự lười biếng sẽ khiến chúng ta sống phụ thuộc vào công nghệ, robot khi mà những thứ này đáng ra chỉ nên xuất hiện để bổ trợ cuộc sống con người.
Những robot lau dọn như trên đã và đang xuất hiện trong rất nhiều hộ gia đình và chúng có thể được điều khiển thông qua Internet.
Tất nhiên, sẽ thật trùng hợp nếu như một ngày robot đủ thông minh để nhận ra rằng chúng không cần hầu hạ con người nữa. Với sức mạnh không tưởng, khả năng kết nối, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, robot hay các thiết bị công nghệ chẳng khó khăn gì để "bẫy" con người. Khi một ai đó có khả năng kiểm soát được hệ thống IoT nói trên, họ sẽ làm chủ được những con người đang phụ thuộc vào đó, mọi chuyện khi đó chắc đã muộn khi chẳng ai chiến thắng được sự tiện lợi mà công nghệ mang lại.
Nếu bạn chưa biết, trí thông minh nhân tạo cùng robot đã có thể tự vẽ tranh, lái xe, lừa lẫn nhau trong thử nghiệm và tất nhiên chúng tìm kiếm thông tin nhanh hơn và thông minh hơn đại đa số con người chúng ta.
Hệ thống điều khiển khi quá thông minh và có khả năng tự nhận thức sẽ phản bội con người, chú robot quét nhà thân thiện ngày nào sẽ đuổi bạn ra khỏi nhà để bạn không làm bẩn căn nhà chú ta phải suốt ngày dọn dẹp nữa, smartphone sẽ "không thèm" báo thức nhắc bạn dậy vì... chẳng việc gì chúng phải làm theo ý bạn, tất cả mọi thứ sẽ đảo lộn nếu như viễn tưởng trên diễn ra.
Chúng ta có nên sợ hãi?
Với những phát kiến công nghệ thời điểm hiện tại, sự phát triển vượt bậc của tự động hoá, hệ thống Internet... chẳng có lý do gì một ngày phán quyết tương tự sẽ không tới. Trong khi bạn đang ngồi đọc bài viết này hay chơi Candy Crush thì robot đã liên quan tới một vụ giết người, rất nhiều sai sót trong y tế làm ảnh hưởng tới con người. Một số robot đã có khả năng tự nhận thức khi lừa lẫn nhau trong trò chơi và hệ thống học sâu của
Google đã bắt đầu vẽ được những bức tranh quái đản về những gì nó biết. Chúng ta liệu có nên sợ hãi?
Một bức tranh quái dị được hệ thống học sâu của Google nghiên cứu vẽ nên dựa trên những dữ liệu mà nó có.
Mặc dù vậy, viễn cảnh về ngày robot đảo chính và kiểm soát con người vẫn còn khá lâu nữa mới diễn ra. Các công ty công nghệ cùng các nhân vật có ảnh hưởng trong làng công nghệ cũng đang có những kế hoạch để kiểm soát công nghệ, ngăn cản sự vượt trội của robot, máy tính so với con người. Thế nhưng, mọi thứ đều cần được chuẩn bị trước khi quá muộn.
(Tổng hợp)