Ngắm Mobiado, Vertu xa xỉ trên... vỉa hè

Đất Việt, Theo 11:01 11/05/2010
Chia sẻ

Trên thị trường và diễn đàn mạng, các loại điện thoại “giả như thật” được bán công khai. Đây là nguy cơ cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Từ bán hàng nhái công khai đến lừa đảo

Phố Đặng Dung là một phố nhỏ, một đầu giáp phố Phan Đình Phùng, đầu kia nối với phố Trấn Vũ, thuộc địa phận quận Ba Đình, Hà Nội. Từ lâu, con phố này được biết đến như trung tâm buôn bán điện thoại di động của Thủ đô.

Trên toàn tuyến phố Đặng Dung có khoảng 30 cửa hàng bán điện thoại di động. Theo ghi nhận, khung cảnh mua bán trên phố điện thoại Đặng Dung diễn ra rất tấp nập hầu hết các ngày trong tuần. Xe máy của người mua điện thoại dựng kín lề đường, mỗi cửa hàng cùng lúc thường có 3-4 người mua.

Tại đây, khách hàng dễ dàng mua những chiếc điện thoại giả giống hệt hàng chính hãng với giá có khi chỉ bằng... 1/10 hàng thật. Khoảng 30 cửa hàng ở tuyến phố này bày bán đủ các loại điện thoại nhái Nokia, Apple, Blackberry.

Các quầy hàng ở phố Đặng Dung hiếm khi vắng khách.

Có lẽ chưa ở đâu, người tiêu dùng có thể chứng kiến đủ các loại điện thoại phổ thông như Nokia, Apple, Blackberry cho đến những điện thoại mang thương hiệu xa xỉ như Mobiado, Vertu … nằm cạnh nhau trên cùng một kệ hàng.

Một chiếc điện thoại iPhone được bày bán trên phố Đặng Dung có giá khoảng 1,6 -2 triệu đồng. Khi chúng tôi thắc mắc về mức giá rẻ của sản phẩm iPhone, chủ cửa hàng số 8 Đặng Dung chỉ lấp lửng, đó là “hàng ngoài”.

Chiếc điện thoại này mặc dù có bề ngoài bóng bẩy giống hệt iPhone nhưng giao diện của máy lại mờ nhạt, không sắc nét còn chức năng cảm ứng không nhạy.

Đối với những sản phẩm cao cấp như Vertu, Mobiado người tiêu dùng sẽ còn giật mình hơn nữa vì giá của một chiếc Mobiado chỉ là 1,2 triệu đồng còn "Vertu mạ vàng" là 1,6 triệu đồng.

Sự phổ biến của các loại điện thoại nhái đã dễ dàng tiếp tay cho lừa đảo. Gần đây, trên diễn đàn mạng có nhiều cảnh báo về các vụ lừa bán điện thoại nhái.

Khi gặp khách hàng, đối tượng lừa đảo thường nói mình bán hàng sản xuất tại Mỹ, Hongkong hay Singapore. Nếu được hỏi về tính năng, các đối tượng này thường lập lờ, bảo “người nhà cho không biết sử dụng nên bán rẻ”. Theo các nạn nhân, đối tượng lừa bán điện thoại nhái thường hẹn mua bán tại các bác tại quán cafe, siêu thị...

Ngay cả khi biết là điện thoại nhái, những người ham rẻ cũng thường phải chịu hậu quả. Anh Nguyễn Quang Nam (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, anh mua chiếc điện thoại Nokia có màu sắc giống hệt E71 của Nokia với giá… 1,4 triệu đồng.

Với cái giá chỉ bằng 1/5 sản phẩm chính hãng, lại thêm các tính năng “2 sim, 2 sóng, bắt tín hiệu ti vi tốt” (như chủ hàng giới thiệu), anh Nam đã... không cầm được lòng.

Kết quả, chỉ sau mấy ngày, anh nhận ra chiếc điện thoại mới mua có chất lượng đàm thoại rất tồi, nhiều tạp âm. Dù dùng rất hạn chế, nhưng chỉ được một ngày lại phải sạc pin. “Mua đồ nhái chẳng khác nào mua bực vào mình, chỉ vài ngày sau chiếc điện thoại im re, chẳng khác nào cục gạch”, anh Nam nói.

Khách hàng phải tự bảo vệ

Ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng việc buôn bán điện thoại nhái trong tháng 4/2010 có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2009.

Về xử phạt, theo ông Ngọc, do đây là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nên mức xử phạt khá nặng so với các mặt hàng nhái, hàng giả khác. Thông thường, khi phát hiện, hàng sẽ bị tịch thu, phạt gấp 1 - 5 lần giá trị thực tế của điện thoại đó trên thị trường.

Thế nhưng, từ thực tế “phố điện thoại” Đặng Dung cho thấy việc bày bán các loại điện thoại nhái không hề gặp “trở ngại” từ phía nhà quản lý. Có lẽ, “phiền toái” duy nhất của các chủ cửa hàng là bị công an phường thường xuyên nhắc nhở vì... khách hàng để xe dưới lòng đường.

Anh Phạm Tuấn Lương, chủ một cơ sở sửa chữa điện thoại, cho biết: Cách tránh mua phải điện thoại nhái là khách hàng phải tự trang bị kiến thức để phân biệt. Ví như các loại điện thoại nhái thường không có hệ điều hành (tức không cài được phần mềm) song thường được bổ sung các tính năng như “2 sim, 2 sóng”, loa ngoài điện thoại nhái rất to nhưng hay rè, chữ in trên điện thoại thường “dại” mà không sắc nét.

Theo anh Lương, loại điện thoại hay bị làm nhái nhất hiện nay là E71 của Nokia và iPhone 3G của Apple. “Trong nhiều trường hợp, nhìn qua không thể phân biệt được hàng nhái với hàng thật. Vì thế, nếu định mua hàng trôi nổi, trước đó nên mang hàng đến các trung tâm chăm sóc khách hàng của các hãng điện thoại để kiểm tra”, anh Lương tư vấn.

Một số đại diện của trung tâm chăm sóc khách hàng của Nokia, Sony... cho biết, sự xuất hiện của các loại điện thoại nhái y như thật đang là mối đau đầu của họ. “Hàng giả không chỉ làm giảm doanh số bán mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu của công ty”, một vị đại diện của Trung tâm chăm sóc khách hàng Nokia tại Hà Nội nói.

Sau đây là một số hình ảnh về phố điện thoại Đặng Dung:
 
Chợ điện thoại Đặng Dung có khoảng 30 cửa hàng chuyên bán điện thoại.
 
Người ít kinh nghiệm không thể thẩm định được chất lượng của những mẫu điện thoại bóng bẩy này.
 
Người bán hàng luôn nhiệt tình tư vấn cho khách.
 
Điện thoại cũ được mua đi bán lại luân phiên ở phố Đặng Dung.
 
Các cửa hàng cầm đồ cũng là một nguồn cung cấp điện thoại cũ.
 

Hàng "dựng" có xuất xứ Trung Quốc được bày bán là phổ biến.
 

iPhone cũng xuất hiện trong tủ hàng.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày