Sau khi chính thức hợp tác với báo điện tử Vietnamnet từ năm 2012, lãnh đạo VCCorp cho biết mạng quảng cáo Admicro của công ty đang nắm trong tay 30 triệu độc giả internet. Đây là một thông tin thực sự rất gây sốc trong làng công nghệ bởi các công ty được đánh giá là đối thủ của VC trên thị trường internet Việt Nam là VNG và FPT có số độc giả ít hơn hẳn. VNG đang sở hữu khoảng 15 triệu độc giả, còn FPT là khoảng 20 triệu.
Bao phủ và phân hóa
Trở lại con số 30 triệu độc giả mà VCCorp công bố, con số này còn được giải thích rõ là “độc giả không trùng lặp (
unique visitors) truy cập vào hệ thống của công ty trong vòng 1 tháng” . Câu hỏi là từ đâu VCCorp có được số lượng người dùng chiếm tới 90% quy mô thị trường internet Việt Nam?
Theo thống kê từ Trung tâm Internet Việt Nam, VNNIC, thì đến tháng 1 năm 2012. Việt Nam có khoảng gần 31 triệu người dùng internet. Tuy nhiên theo giới chuyên môn thì cách thống kê ngày của VNNIC vẫn chưa tính tới số lượng người dùng truy cập vào các website Việt Nam từ nước ngoài. Với khoảng 3 triệu Việt Kiều và hàng trăm nghìn người Việt khác đang học tập công tác tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin trong nước, bức tranh tổng thể về thị trường internet có thể đạt khoảng 35 triệu người.
VCCorp hiện đang nắm trong tay 30 triệu độc giả
Điểm qua các website mà VCCorp đang hợp tác và nắm giữ hiện nay có thể thấy độ phủ rộng vượt hẳn các đối thủ. Đó là các tờ báo điện tử hàng đầu như báo
Dân trí, Vietnamnet và hệ thống các website Kenh14, CafeF, GenK, aFamily… - các website do VCCorp tự phát triển và đều đang dẫn đầu trong phân khúc thị trường của mình. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu nhiều trang thương mại điện tử có số người dùng lớn như RongBay, EnBac, Muare, trang groupon đình đám MuaChung và một số trang web giải trí tên tuổi như SanNhac, SocNhi, Soha Phim...
Rõ ràng, chiến lược phát triển theo chiều rộng của VCCorp đã mang lại những lợi thế to lớn bởi việc sở hữu một lượng độc giả lớn nhất cho phép VC đặt ra nhiều tham vọng lên các dịch vụ của mình. Thông qua các trang trong hệ thống, VCCorp có thể nhanh chóng quảng cáo, truyền thông các sản phẩm dịch vụ mới ra công chúng. Chiêu thức này có thể thấy rõ ở thời kỳ giữa năm 2010, khi hình thức mua chung bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam.
Chiến lược theo chiều rộng của VCCorp giúp Mua Chung nhanh chóng trở thành một trong những trang dẫn đầu thị trường groupon
Các website CafeF và GenK hỗ trợ đăng tin về mô hình mua chung, đưa từ khóa “mua chung” trở thành từ Việt hóa được nhiều người công nhận nhất khi nói về mô hình groupon. Các trang aFamily và Kenh14 thì hỗ trợ trực tiếp hơn, khi lập hẳn một mục Mua Chung, cung cấp các bài viết hấp dẫn về các khuyến mại giảm giá khủng của Mua Chung. Kết quả là sản phẩm MuaChung của VCCorp nhanh chóng trở thành một trong những trang dẫn đầu thị trường. Gần đây nhất, Soha Phim – trang xem phim trực tuyến mới của VC Corp - tiếp tục được hậu thuẫn truyền thông mạnh mẽ. Chuyên mục Phim HD được Kenh14 và GenK trưng lên ngay trên đầu website, dễ dàng thu hút bất kỳ người dùng nào truy cập. Ngoài ra, một sản phẩm truyền thống và đông khách hàng của VCCorp là SocNhi cũng đã sớm công bố thỏa thuận hợp tác với Soha Phim để cung cấp gói thuê bao ưu đãi cho các bộ phim dành riêng cho trẻ em.
Ngoài số lượng độc giả khổng lồ như công bố, VCCorp còn có lợi thế không nhỏ khi đang hợp tác và sở hữu các trang có đối tượng độc giả phân hóa rõ ràng và đa dạng. Từ các trang tin tức tổng hợp như báo điện tử
Dân trí, Vietnamnet cho đến các trang chuyên biệt như Kenh14 với đối tượng độc giả trẻ, CafeF với đối tượng chính là các nhà đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản, giới doanh nhân hay aFamily dành cho phụ nữ và gia đình trẻ… cho phép hệ thống của VCCorp gần như bao phủ hầu hết mọi nhóm đối tượng nhưng lại được phân hóa khá rõ ràng. Kết quả là khách hàng khi lựa chọn hệ thống này sẽ dễ hàng để đưa sản phẩm đến đúng nhóm khách hàng mục tiêu của mình.
Thị trường internet – cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Những năm vừa qua internet và các sản phẩm trên nền tảng kết nối ngày càng bùng nổ ở Việt Nam.
Không tính đến các công ty nhỏ, một vài đại gia trên thị trường Internet đã và đang cạnh tranh nhau ác liệt để lôi kéo độc giả với những chiêu thức khác nhau. Tất nhiên kết quả mà họ thu được là khác nhau.
VNG tập trung vào game online, game mạng xã hội và kết nối các dịch vụ giải trí liên kết qua một cổng duy nhất Zing.vn, giúp khách hàng có một định danh duy nhất khi sử dụng các dịch vụ của VNG. Những nỗ lực của VNG giúp Zing trở thành trang web có số lượng người dùng lớn nhất Việt Nam với 8,2 triệu người dùng, theo Google Ad Planner.
FPT Online hướng vào chiến lược đầu tư cho báo điện tử và một số trang thông tin chuyên ngành. Những cố gắng của FPT đã đưa VNExpress trở thành tờ báo điện tử lớn nhất Việt Nam, các trang chuyên ngành như NgoiSao hay SoHoa cũng vươn lên hàng đầu ở các thị trường mục tiêu.
VTC Online cũng với chiến lược game và mạng xã hội đã thu được những thắng lợi đáng kể. Theo tuyên bố của mạng xã hội Go.vn của VTC, trang này đã có hơn 12 triệu lượt người đăng ký sử dụng.
VCCorp với định hướng hợp tác và đầu tư vào các trang chuyên ngành cùng một số sản phẩm internet đặc thù đã có được các kết quả như đã nêu trên.
Chiến lược thu hút độc giả của các công ty dẫn đầu thị trường internet Việt tuy đã đem lại cho họ một số thành công nhất định, nhưng cũng khiến họ vấp phải một số hạn chế.
VNG tuy có số lượng người dùng khá lớn, nhưng đa số lại là game thủ. Không gian này tuy mang lại cho VNG nhiều lợi thế khi phát hành game, doanh thu từ game khá, nhưng lại tỏ rõ sự yếu thế khi muốn mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh khác.
Đơn cử như hai sản phẩm thương mại điện tử của VNG tới thời điểm này là 123mua và Zing Deal đều không phát triển khả quan. Mới đây trang Zing Deal tuyên bố ngừng hoạt động vì không hiệu quả, thị phần cũng chỉ chiếm hơn 1% thị trường mua chung. Website tin tức giải trí Zing news của VNG cũng không thu được nhiều quảng cáo.
FPT Online với sức mạnh của VNExpress và các trang chuyên ngành chưa cho thấy một chiến lược rõ ràng trong việc phân loại đối tượng khách hàng và phát triển sản phẩm, hay dùng các sản phẩm để hỗ trợ nhau. Chiến lược dùng mạng xã hội để kết nối khách hàng và dịch vụ của FPT thông qua banbe.net dường như không có kết quả khả quan, khi giờ đây tên tuổi của mạng xã hội này chìm xuống khá nhiều. Một nguồn tin riêng cho biết banbe.net cũng đang tính tới chuyện ngừng hoạt động.
VTC Online có chiến lược rõ ràng hơn, phân loại khách hàng và nhắm hầu hết vào game. Các kênh truyền thông của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện cũng đều hướng đến hỗ trợ cho các game của công ty này. Với chiến lược như vậy, việc VTC đẩy mạnh truyền thông cho các mảng game khác (game di động, game mạng xã hội) là một hướng đi khá rõ ràng. Mặt khác, VTC, giống hướng đi của VCCorp, cũng đang phát triển một số trang web chuyên đề về trẻ em, phụ nữ, sức khoẻ, teen…
VCCorp tuy có độ phủ độc giả lớn, đa dạng và được phân hóa nhưng là kết quả tổng lực của khá nhiều trang mạng. Sản phẩm của công ty này hiện chỉ đứng đầu ở các thị trường riêng biệt, chứ không có một sản phẩm mạnh để đứng vào top đầu của các trang web Việt Nam như Zing của VNG hay VNExpress của FPT. Rất có thể, điều này nằm trong chiến lược của VCCorp khi muốn dẫn đầu tại các phân khúc thị trường. Tuy nhiên, điểm yếu của chiến lược đó là khiến cho công ty không có một sản phẩm bật lên, khiến thương hiệu chung của công ty trở nên yếu hơn trong mắt người tiêu dùng, dù thực sự công ty sở hữu độ phủ độc giả lớn hơn cả.
Với tuyên bố của VCCorp, có thể cuộc đua về độ phủ độc giả ở thị trường internet Việt sẽ được đẩy lên tầm cao mới. Các "ông lớn" chắc chắn sẽ thấy "nóng trong người" trước tuyên bố này. Quá trình đầu tư, hay rất có thể là cả thôn tính, mua lại các website khác… sẽ được các đại gia internet đẩy nhanh để lấp khoảng cách về số lượng người dùng với VCCorp, hoặc buộc phải chấp nhận tụt lại đằng sau trong cuộc chiến này.