Nhiều sản phẩm công nghệ được săn đón từ khi chúng chưa ra mắt như iPhone, iPad... Song vẫn còn những món đồ khiến dân tình mơ ước chúng đừng xuất hiện thì hơn. Danh sách của trang PCmag gửi đến bạn 10 cái tên đáng quên nhất trong lịch sử làng 2-Tek nhé.
1. LaserDiscs (1978)
Mất tới 20 năm phát triển, nhưng định dạng đĩa LaserDiscs "chào đời" cuối thập niên 70 đã trở thành nỗi thất vọng lớn. Không chỉ cồng kềnh, khó lưu trữ và sử dụng (khác với hai loại đĩa Betamax và VHS lúc bấy giờ), LaserDiscs còn nhanh hỏng chỉ sau thời gian ngắn. Thậm chí, sản phẩm chỉ có thể đọc mà không ghi được dữ liệu và dung lượng cũng ít đến đáng thương.
2. 3DO (1993)
Là hệ thống chơi game đầu tiên sử dụng đĩa CD thay vì thanh ghi như trước kia, 3DO vẫn không được đón nhận do mức giá quá cao. Điều này cũng dễ hiểu khi vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, con số 699 USD cho một thiết bị chơi game gần như không tưởng. Bên cạnh đó, kho game nghèo nàn và chậm cập nhật chính là nguyên nhân khiến 3DO thất bại toàn tập sau khi Sony Playstation ra mắt năm 1995.
3. CueCat Scanner (1999)
Giống trò chơi con chuột máy tính, hãng sản xuất CueCat mang đến thiết bị có khả năng quét (scan) tài liệu và hệ thống tự động truy cập vào website chứa nội dung tài liệu ấy (người dùng không cần gõ link) nhờ các mã vạch được in sẵn. Tuy nhiên, do phải đăng nhập email, giới tính và mã vùng, nhiều người lo lắng rằng thông tin cá nhân sẽ rò rỉ và cảm thấy cảnh giác trước CueCat. Cuối cùng, sản phẩm biến mất khỏi thị trường và nhà đầu tư thiệt hại gần 200 triệu USD.
4. 3Com Audrey (2000)
Thiết bị lướt web đơn giản hướng đến nhóm khách hàng là các bà nội trợ, giúp họ truy cập email hoặc trang mạng khác. Nổi bật dáng vẻ dễ thương, sử dụng đơn giản và kết nối nhanh chóng thông qua giắc điện thoại, 3Com Audrey dường như rất hứa hẹn trên lý thuyết. Tuy vậy, model bị ngừng sản xuất chỉ sau 8 tháng, bởi vào thời đó người ta chỉ thích dàn PC đầy đủ mà thôi.
5. Apple Power Mac G4 Cube (2000)
Không thể phủ nhận rằng hàng hiệu Apple trông rất đẹp qua lớp vỏ trong suốt bóng bẩy. Tuy nhiên, mức giá lên tới 1.600 USD quả thực khiến nhiều người ái ngại. Bên cạnh đó, Power Mac G4 Cube còn hay xuất hiện vết nứt và không có quạt tản nhiệt, dẫn đến việc khách hàng thường xuyên phải tắt máy do hệ thống quá nóng.
6. Nokia N-Gage (2003)
Kết hợp giữa di động và máy chơi game cầm tay, N-Gage hướng mạnh đến nhóm người dùng trẻ tuổi. Song mức giá 300 USD tương đối cao và nhiều người phàn nàn rằng mobile khó sử dụng bởi quá nhiều phím bấm thừa. Kết quả chỉ sau 17 ngày chào bán, một số đại lý chấp nhận giảm luôn 100 USD nhằm giải tán kho hàng ế ẩm. Chưa hết, trong suốt 3 năm kiên trì theo đuổi, hãng điện thoại Phần Lan cũng chỉ bán được 3 triệu chiếc N-Gage mà thôi.
7. Sony Mylo (2006)
Vào những năm giữa thập kỷ trước, loạt thiết bị di động hỗ trợ nhắn tin với bàn phím đầy đủ thực sự được ưa chuộng. Mylo của Sony cũng nhanh chóng gia nhập trào lưu ấy. Tuy nhiên, Mylo lại tỏ ra thiếu muối khi chỉ hoạt động trên sóng Wi-Fi và chi phí đắt đỏ so với đối thủ khác. Thiết bị không có khả năng hỗ trợ dịch vụ tin nhắn tức thời (IM) thông dụng, dẫn đến việc tính năng đã nghèo nàn càng trở nên ảm đạm hơn.
8. Peek Email (2008)
Lên kệ năm 2008, đúng như tên gọi, Peek Email chỉ tập trung kiểm tra email của khách hàng. Nếu muốn, bạn phải móc ví 100 USD cho tính năng này với một bàn phím cứng, tải email chậm, không hỗ trợ HTML, PDF hay tài liệu Microsoft. Thế nên, chuyên trang Pcmag coi đây là một thất bại toàn diện.
9. JooJoo (2010)
Trong lĩnh vực mà iPad đang chiếm lĩnh thị trường thì hầu hết máy tính bảng khác đều chấp nhận thất bại. Mặc dù vậy, hiếm có sản phẩm nào đáng quên như JooJoo của Fusion Garage với mức giá 499 USD. Theo đó, JooJoo khá nặng, màn hình cảm ứng không hỗ trợ đa điểm, bỏ qua kết nối 3G, không đọc PDF và gần như không làm được gì ngoài chuyện lướt web.
10. Microsoft Kin (2010)
Vòng đời kéo dài không đến 50 ngày, Microsoft Kin với hai phiên bản Kin One và Kin Two chính là thất bại đáng quên của gã khổng lồ Microsoft (cũng như nhà sản xuất Sharp). Mặc dù hướng đến giới trẻ với nhu cầu nhắn tin cao, song việc thiếu hụt nhiều tính năng so với smartphone thông thường cùng ràng buộc tốn kém với nhà mạng khiến người dùng nhận thấy đây là sản phẩm không muốn dính đến chút nào.