Dựa trên cuộc phỏng vấn những thành viên trong nội bộ Facebook (như giám đốc kỹ thuật Arturo Bejar, phát ngôn viên Andrew Noyes và Barry Schnitt, quản lý kỹ thuật Gregg Strfancik), phóng viên Byron Acohido của tạp chí USA Today đã xây dựng bức tranh hoàn thiện nhất về chuyện mạng xã hội lớn nhất hành tinh theo dõi người dùng.
Đây là những nội dung mà Byron Acohide tổng kết sau buổi nói chuyện:
- Facebook không theo dõi tất cả thành viên theo cùng một cách. Nhà mạng sử dụng những phương thức khác nhau đối với người dùng đăng nhập và sử dụng tài khoản, người dùng đã đăng xuất khỏi hệ thống và những đối tượng không phải thành viên chính thức.
- Trước tiên, khi bạn truy cập vào bất kỳ trang Facebook nào, nhà mạng tự động chèn cookies vào trình duyệt. Nếu bạn đăng ký tài khoản mới, nó sẽ chèn cả 2 loại cookies. Nếu bạn không đăng ký tài khoản mới, nó chỉ chèn 1 trong 2 loại mà thôi.
- Cookies ghi lại mọi hoạt động khi người dùng nhấn nút "Like" được tích hợp trên website khác hoặc sử dụng plugin của Facebook. Chúng ghi lại đầy đủ thời gian, ngày tháng, tên website hoặc những đặc điểm có thể nhận diện máy tính của bạn.
- Facebook thường lưu trữ thông tin trong vòng 90 ngày và tiến hành xóa dữ liệu cũ hơn mốc thời gian này.
- Nếu bạn đăng nhập vào Facebook, tên tài khoản, địa chỉ email, bạn bè và mọi dữ liệu khác trong profile đều được ghi lại chi tiết.
Dữ liệu về tìm kiếm website và hành vi duyệt web cũng được tận dụng để phát hiện đảng phái chính trị, tín ngưỡng tôn giáo, định hướng tình dục và vấn đề sức khỏe của thành viên. Theo USA Today, mối tương quan này không thể xảy ra trên quy mô lớn nhưng nó ảnh hưởng đến nhóm người dùng ủng hộ quyền riêng tư, khi dữ liệu có thể trở thành “kho báu” cho dân kinh doanh. Hơn nữa, không chỉ Facebook mà những thương hiệu khác như Google, Microsoft, Yahoo… đều phát triển kỹ thuật theo dõi cookies, theo cách này hay cách khác.
Facebook nói với USA Today rằng, họ nghiên cứu dữ liệu thu được từ cookies nhằm cải tiến hệ thống bảo mật và những phần mềm hỗ trợ. Đồng thời, Facebook không có kế hoạch thay đổi cách sử dụng khối thông tin này. Hơn nữa, Facebook còn đang sở hữu một bằng sáng chế về mối tương quan giữa quảng cáo và theo dõi dữ liệu.
“Chúng tôi được cấp bằng sáng chế cho rất nhiều thứ và những sản phẩm tương lai không nên bắt chước những ứng dụng được cấp bằng sáng chế của chúng tôi”, người phát ngôn Barry Schnitt nói với USA Today.
Bất kể Facebook đang xử lý dữ liệu mà họ thu thập thông qua cookies như thế nào, với cách làm như trên, Facebook đã bước vào cuộc tranh luận xem người dùng có thể thoát khỏi việc bị theo dõi bằng phương thức này hay không. Một nghiên cứu gần đây tiết lộ 70% thành viên Facebook và 52% người sử dụng Google đang lo lắng về sự riêng tư của mình.
Liệu quá trình theo dõi dữ liệu trực tuyến của Facebook có khiến bạn cảm thấy khó chịu? Hãy chia sẻ với chúng tớ về ý kiến riêng của bạn nhé!