Những trò lừa đánh vào lòng tốt
“Đây là bức ảnh về một em bé đang bị căn bệnh ung thư hành hạ, hãy chia sẻ trên trang cá nhân của bạn, Facebook sẽ trả abc tiền cho mỗi lần Like và chia sẻ…”. Ngày nay, những thông tin trên chẳng còn xa lạ với người dùng Facebook. Không cung cấp thông tin chính xác về nhân vật trong ảnh, không nhân vật thực tế nào đứng lên chịu trách nhiệm, tuy nhiên, những hành động “kêu gọi lòng tốt” vẫn được cư dân Facebook chia sẻ rất nhiệt tình. “Dù sao cũng chẳng mất gì, đó cũng là một việc tốt” – thành viên Shihan Siêu Nhân cho biết.
Trong giai đoạn hoàng kim của Yahoo Messenger, làng mạng Việt thường phổ biến tin nhắn nặc danh với nội dung: “Mọi người send giùm, đừng xóa, coi như làm việc thiện nhé! Nếu ai biết em bé nào có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tim bẩm sinh, cần mổ miễn phí, đăng ký với Mr.Quang (phóng viên VOV1), số đt 0906334xxx. Đây là chương trình mổ từ thiện, send đi nhá. Đừng lười nhé, chỉ 3s thôi”.
Thoạt nghe thì ai cũng tưởng thật và truyền tin đến bạn bè. Không biết chủ nhân số điện thoại kia phải nhận bao nhiêu cuội gọi, tin nhắn làm phiền chỉ vì một đoạn tin nhắn không có thật. Hầu hết thông điệp vô duyên được loan báo rộng rãi trong cộng đồng Yahoo Messenger và không quên kèm theo lời nhắn “nếu bạn không phát tán tin nhắn này, bạn là người không có trái tim”. Chúng như một cú hích góp phần update mọi việc nhanh chóng hơn.
Đến bây giờ, làng Facebook Việt vẫn nhan nhản thông tin giả có thể bắt gặp tại bất kỳ đâu. “Facebook sẽ trả 1 USD (~ 20.000 đồng ) cho mỗi lượt chia sẻ bức ảnh về em bé bị bệnh ung thư này…” đang trở thành lý do thường thấy để giải thích tại sao bạn nên tích cực chia sẻ chúng. Đáng nói hơn, “những nhân vật trong ảnh thường có hoàn cảnh rất thương tâm”, Facebook-er An Nhiên chia sẻ.
Những điều có thể bạn chưa biết
Theo một con số thống kế không chính thức, rất nhiều bức ảnh lừa đảo được chia sẻ hàng triệu lần. Như vậy, không ít thành viên Facebook chịu mắc bẫy một cách hoàn toàn chủ động. Nếu Facebook trả tiền cho việc chia sẻ những bức ảnh trên, chắc chắn bạn sẽ nhận được thông tin tại fanpage chính thức của nhà mạng, thay vì trang cá nhân nào đó.
Với suy nghĩ đơn giản cũng thấy rằng, phần lớn nội dung chia sẻ kia không đáng tin cậy chút nào. Bởi rõ ràng, chẳng nơi nào khuyến khích bạn làm từ thiện bằng cách phát tán tin nhắn spam hết.
Trở lại câu chuyện mổ tim và anh phóng viên VOV1 nói trên, Facebook-er Tâm Dương bình luận: “Không thể hiểu nổi, có người lại nhẫn tâm lấy việc đau lòng của người khác tạo thành trò cười như thế. Những người đang thực sự gặp khó khăn với bệnh tật và cần phẫu thuật sẽ nghĩ sao khi họ gọi điện vào số điện thoại kia và biết mình bị lừa?”.
Gần đây nhất, trang DailyMail từng đưa tin về một bà mẹ sống tại Jamaica. Julie Chambers, 37 tuổi, tình cờ phát hiện một trang fanpage rởm trên Facebook, đăng lời kêu gọi quyên góp tiền cho cuộc phẫu thuật cấy ghép tim của con gái mình. Cô hoàn toàn bất ngờ vì không nhận được một đồng từ thiện nào, trong khi hình ảnh của mình và người con gái đã qua đời lại được sử dụng vào mục đích lừa đảo.
"Nếu muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, bạn có thể chia sẻ bài viết trên các trang báo điện tử uy tín, thay vì liên tục nói đến thông tin chưa được kiểm chứng trên tường nhà mình. Ngoài việc chẳng giúp được ai, chúng còn khiến bạn bè cảm thấy phiền phức nữa đấy" - Facebook-er Nguyên Lê tâm sự.