Lâu nay, Google vẫn được biết đến không chỉ dưới ánh hào quang của một trong những công ty dịch vụ Internet hàng đầu thế giới mà còn là một trong những nơi làm việc lý tưởng cho các bạn trẻ yêu thích công nghệ. Hình ảnh làm việc tại Google có lẽ đã gắn liền với những chiếc laptop, những văn phòng được thiết kế tinh tế phục vụ “tận răng” các nhu cầu của nhân viên, thế nhưng, không phải tất cả các công việc đều như vậy. Đối với một vài người, thay vì ngồi viết code, công việc của họ là sắm cho mình đầy đủ đồ đạc, một đôi giày thật tốt rồi xách ba lô lên và đi.
“Phượt” là phương thức Google đang áp dụng để dựng lên các hình ảnh Street View chân thực nhất.
Trước đây, đội thực hiện Google Street View từng đi thực nghiệm bằng các phương tiện như xe hơi, tàu, máy bay hay thậm chí bằng xe trượt tuyết, thế nhưng, kể từ tháng Mười năm ngoái, họ đã bắt đầu đi bộ và sử dụng những chiếc ba lô chuyên dụng có tên “Google Trekkers”, được trang bị các loại thiết bị tương tự những gì được sử dụng trong những chiếc xe Street View. Với phương pháp này, Google sẽ có được những hình ảnh mà chỉ bằng cách đi bộ mới có thể chụp lại được.
“Bạn đeo ba lô lên, mở các thiết bị và quên nó đi. Thế rồi, bạn cứ đi, cứ đi và đi.”, Steve Silverman – người đang đi dọc Grand Canyon để thu thập dữ liệu nói.
Silverman và cộng sự Ryan Falor trên hành trình của mình.
Một hành trình xuyên đêm cần ít nhất một đội 2 thành viên – một người mang các đồ dùng cơ bản như thức ăn, lều trại… người còn lại sẽ chịu trách nhiệm với chiếc camera. Mỗi chiếc camera nặng hơn 19 kg, tương đương với một ba bô đầy hành lý cho những chuyến đi dài ngày.
Công việc này đòi hỏi một sức khỏe cực kì dẻo dai.
Hình ảnh này của Silverman đã từng được bầu chọn làm mẫu tiêu biểu cho công việc tại Google trên nhật báo Tấm Gương (Mirror)
Với mỗi bước đi, chiếc camera với 15 ống kính chuyên dụng này sẽ tự động ghi hình ở tất cả các hướng. Nhiệm vụ còn lại giao cho một phần mềm của Google để sửa những đường di chuyển bất thường và cân bằng sự chênh lệch độ cao của hình ảnh, do đó, các nhân viên có thể thoải mái đi lại với bất cứ tốc độ nào. Phần khó nhất, theo Silverman đó là việc phải thức dậy vào 5h sáng mỗi ngày để chuẩn bị. Silverman cũng nói thêm thiết bị ghi hình không hề khó sử dụng, sự cố duy nhất họ gặp phải đó là một lần quên không kết nối cổng USB. Đội ghi hình ở Nhật Bản thậm chí chỉ cần vài giờ tập huấn trước khi lên đường ghi hình tại một khu rừng ngập tuyết.