Còn gì đau khổ hơn chuyện dế cưng bỗng nhiên "chết yểu" và bạn phải mua một chiếc điện thoại khác. Nhưng nếu biết cách chăm sóc, tuổi thọ của em ấy sẽ kéo dài lâu hơn rất nhiều đó nha.
Nhiệt độ
Nhiệt độ nằm trong số những kẻ thù số một của thiết bị công nghệ, từ laptop, máy nghe nhạc cho tới mobile. Bởi vậy, muốn dế yêu có được sức sống bền bỉ và dẻo dai hơn, bạn hãy cố gắng giữ máy trong khoảng nhiệt độ bình thường. Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột vì điều này hoàn toàn không tốt chút nào. Thậm chí, một số trường hợp có thể làm hỏng máy do môi trường biến chuyển quá nhanh và quá mạnh.
Độ ẩm
Độ ẩm giống như kẻ thù giấu mặt, âm thầm phá hoại sức khỏe của dế cưng. Độ ẩm cao khiến cho linh kiện dễ bị dính bụi, có thể gây chập cháy những bộ phận bên trong. Tuổi thọ thiết bị cũng giảm xuống đáng kể nếu máy thường xuyên hoạt động trong môi trường ẩm thấp. Chắc chắn rồi, mọi người hãy luôn quan tâm đến yếu tố này nhé.
Lưu giữ
Nếu chúng ta không sử dụng điện thoại trong một thời gian dài thì cách lưu giữ cũng rất quan trọng. Yêu cầu bảo quản tốt cần đáp ứng những điều kiện như môi trường khô, thoáng, không có bụi bặm, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh va đập, tránh hóa chất…
Teen biết đấy, chẳng ai muốn nhìn thấy chú dế của mình trở nên tậm tịt sau mấy tháng tạm dừng hoạt động rồi. Thế nên bạn hãy cố gắng thực hiện đầy đủ những khuyến cáo trên nha.
Bao đựng
Bộ cánh mặc ngoài sẽ bảo vệ di động tránh khỏi bụi bẩn trong môi trường. Ngoài ra, đây còn là phương pháp hạn chế xước xát vô duyên. Bạn nên tìm kiếm món phụ kiện thật tốt vào đấy. Những sản phẩm chất lượng kém có thể không thoát khí, giữ ẩm và góp phần làm hỏng điện thoại í!
Vệ sinh
Sau một thời gian tác nghiệp, chắc hẳn dế cưng vẫn bị dính bụi dù bạn cẩn thận thế nào đi nữa. Do đó, càng để lâu thì lượng bụi bặm càng tăng lên, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống, mờ màn hình, rè loa…
Chúng ta cần làm sạch mobile theo định kỳ, giúp chú dế hoạt động ổn định hơn. Vật liệu chuẩn bị bao gồm vải bông, bông tai, nước cất và cồn (hướng dẫn cụ thể
tại đây). Thông thường, bạn nên thực hiện vệ sinh điện thoại khoảng 3 tháng 1 lần đấy.
Sạc pin
Khi sử dụng di động (nhất là những dòng smartphone đời mới), bạn không thể bỏ qua nguồn pin được rồi. Hành động sạc điện sai phương pháp sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn pin đấy nhé.
Nếu sạc khi chưa hết pin, điện thoại sẽ tự động giảm thời gian sạc. Còn nếu cắm sạc quá lâu, máy sẽ tự động sạc lại qua một khoảng thời gian nào đó (khoảng 5 - 8 giờ), gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động và tuổi thọ của pin. Việc cắm thiết bị qua đêm, để máy nóng rực như lửa cũng rất nguy hiểm. Nếu sạc pin quá nhiều, tích điện thừa sẽ không tốt cho nguồn. Hơn nữa, nhiệt lượng tỏa ra khi sạc pin quá lâu sẽ ảnh hưởng tới mainboard và những chi tiết bằng nhựa trong máy.
Sử dụng pin
Hãy luôn sử dụng pin thật an toàn bằng cách xài pin chính hãng. Những loại pin rẻ tiền trên thị trường thường gây phiền phức như dung lượng kém, tỏa nhiệt mạnh, có thể gây cháy nổ…
Khi không sử dụng dế yêu, cần tháo pin khỏi máy và cất vào nơi khô mát, nạp và xả pin theo định kỳ 2-3 tháng một lần, tránh để lâu ngày dẫn đến tình trạng pin mất khả năng tích tụ năng lượng và không thể sạc được nữa.
Khóa bàn phím
Giới chuyên môn khuyến khích người dùng nên kích hoạt chế độ tự động khóa bàn phím sau một khoảng thời gian nhằm tiết kiệm năng lượng. Đôi khi, điều này còn giúp bạn tránh rơi vào những tình huống "trời ơi đất hỡi" nếu chẳng may đè lên điện thoại và thực hiện cuộc gọi ngoài ý muốn.
Khóa máy
Để đảm bảo tính bảo mật, bạn nên đặt mật khẩu cho điện thoại và những thư mục riêng tư như tin nhắn chẳng hạn. Làm như vậy sẽ giảm thiểu con mắt tò mò của người khác. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể kích hoạt chế độ PIN trên thẻ sim nữa nhé.