Nhiều khả năng tháng 9 tới đây Apple sẽ ra mắt iPhone 6 hoặc thậm chí “táo khuyết” có thể giới thiệu siêu phẩm này ngay trong ngày mai tại sự kiện WWDC (diễn ra vào 0h, ngày 03/06 – giờ Việt Nam) và theo giới chuyên gia nhận định, doanh số của thiết bị này sẽ tiếp tục được xếp vào hàng “khủng”.
Tuy nhiên, đó chỉ là thực trạng nhãn tiền, Apple phải tính đến một câu hỏi lớn và quan trọng hơn: iPhone đang gắn chặt vào một nền tảng chỉ nhắm đến 15% miếng bánh "giàu có" của thị trường trong khi đó phần còn lại đang được chiếm đóng bởi Android, liệu con số 15% có đủ để Apple tồn tại trên thị trường trong dài hạn?
Quý 4 năm 2013, dẫn nguồn từ công ty nghiên cứu IDC, Android đang nắm giữ 78% thị phần người dùng di động và con số này của Apple là 18%. Theo phân tích mới nhất được công bố, IDC dự đoán đến hết năm 2014, thị phần của Android và iOS sẽ lần lượt là 80,2% và 14,8%. Bên cạnh thị phần, các yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của một hệ sinh thái là doanh thu quảng cáo trên di động hoặc doanh thu từ các ứng dụng cũng đang phát triển nhanh hơn trên Android.
Nếu nhìn nhận trên phương diện một thương hiệu đơn thuần, rõ ràng con số thị phần mà Apple đang nắm giữ khó một công ty nào có thể cạnh tranh nổi, tuy nhiên, trên khía cạnh hệ điều hành, Android đang lấy đi dần những gì Apple có. Không thể phủ nhận rằng Android đang ngày càng khẳng định được chất lượng của mình và đây sẽ là một thách thức đối với Apple trong dài hạn.
Cũng theo dự đoán trên của IDC, vào năm 2018 thị phần của Android và iOS đều giảm. Cụ thể, thị phần của Android giảm xuống chỉ còn 77,6% và iOS giảm xuống còn 13,7%. Tuy nhiên, đến năm 2018, Android đón nhận thêm 404 triệu thiết bị di động được bán ra trong khi Apple bán thêm được 63 triệu máy. Tương quan thị trường giữa Android và iOS không thay đổi nhiều, việc thị phần giảm đến từ sự vùng lên của Windows Phone đến từ Microsoft.
Giải thích cho thực trạng này, IDC cho hay thị trường di động đang phát triển mạnh mẽ nhất ở các quốc gia Châu Á trong khi đó Android đang thống lĩnh thị trường này. Trước đây, chiến lược phân phối của Apple ở Châu Á là “hàng ít, giá cao” tuy nhiên điều này có vẻ sắp thay đổi trước sự hợp tác gần đây cùng nhà mạng lớn của Trung Quốc là China Mobile của Apple. Đây được xem là động thái ban đầu để chinh phục thị trường Châu Á tiềm năng của "táo khuyết".
Bên cạnh đó, giá thành cũng là một yếu tố then chốt. Trong khi Android đang hướng đến mức giá trung bình cho một sản phẩm là 200 USD, con số này của Apple lên tới 600 USD. Khi thị trường bão hòa, Apple vẫn sẽ nắm giữ phân khúc người có thu nhập cao tuy nhiên con số này đang dần trở nên ít ỏi hơn.
Trong lịch sử ngành công nghệ đã có rất nhiều ví dụ minh chứng cho quy luật nghiệt ngã: xu hướng chung chất lượng sản phẩm tăng, giá thành rẻ đi, ắt dẫn đến sự thất bại của những nhà cung cấp sản phẩm giá thành cao, liệu Apple có thể là một ví dụ ngoại lệ?