Các thiết bị phiên bản Google Play Edition đến từ nhiều nhà sản xuất khác nhau là phương án thay thế Nexus.
Mặc dù, độ xác thực của thông tin trên chưa được khẳng định nhưng nó cũng không hoàn toàn không có cơ sở. Từ khi nhen nhóm ý tưởng về dòng thiết bị Nexus, Google đã đặt hai mục đích chính cho dòng sản phẩm này, gồm có: mang đến cho các nhà phát triển, những người yêu thích hệ điều hành Android một thiết bị chạy trên nền tảng Android tốt nhất, nguyên bản nhất đồng thời phổ biến hệ điều hành này với mức giá tốt nhất có thể; riêng tại Mỹ, Nexus còn phục vụ mục tiêu tạo ảnh hưởng lên thị trường đang chịu sự tác động mạnh mẽ của các nhà mạng bằng cách bán ra thiết bị mở khóa trực tiếp của Google.
Nexus One do HTC sản xuất là thiết bị đầu tiên thuộc dòng Nexus. Máy ra mắt tháng 1 năm 2010 và được phát hành song song cùng nền tảng Android 2.1 Eclair.
Cho đến nay, mục tiêu mang tới thị trường một thiết bị chạy Android thuần nhất không còn là sứ mệnh riêng của Nexus nữa nhờ động thái của ông lớn Google khi thuyết phục nhiều nhà sản xuất khác phát hành các phiên bản máy trên nền tảng Android nguyên bản, không có bất kì tùy biến nào như Samsung Galaxy S4, HTC One, LG G Pad 8.3, Sony Z Ultra... Trước đây, Nexus từng là một sự lựa chọn với mức giá phải chăng cho những ai muốn có trải nghiệm Android đích thực, tuy nhiên đến nay nhờ nhiều sự cải tiến trong công nghệ phần cứng, những thiết bị như Motorola Moto G (Google Play Edition) cũng chỉ có giá quốc tế là 179 USD, ít hơn Nexus 5 đến 170 USD. Khi các dòng máy phiên bản Google Play xuất hiện nhiều với sự đa dạng cao về mẫu mã và mức giá, đó là lúc dòng Nexus đã hoàn thành được một phần sứ mệnh và trở nên không thực sự cần thiết.
Mục tiêu mang đến cho thị trường một thiết bị giá rẻ với mong muốn thu hút sự chú ý của người dùng đến dịch vụ và nội dung của Google bằng Nexus đã từng thành công nhưng hiện tại nó cũng không còn phát huy được nhiều tác dụng. Theo đó, mức giá thành của các dòng smartphone và tablet đã có mức độ giảm khá nhiều trong năm qua, vì vậy phân khúc rộng lớn khách hàng chỉ quan tâm đến mức giá và không để ý nhiều đến trải nghiệm Android có thuần nhất hay không sẽ đổ sang các dòng máy khác đa dạng hơn.
Trước đó ít lâu, thông tin về Google Nexus 10 phiên bản hai vẫn tiếp tục rò rỉ. Cụ thể, máy nhiều khả năng được sản xuất bởi Samsung với chip Exynos 5, màn hình WQXGA, RAM 3GB, camera trước và sau có thông số lần lượt 3MP và 5MP.
Theo nhận định của tạp chí danh tiếng TIME, mất mát lớn nhất khi Google hủy bỏ dòng Nexus đó là việc hãng đồng thời làm mất đi sự ảnh hưởng nhất định của mình đến ngôn ngữ thiết kế của các thiết bị chạy Android, đặc biệt là dòng máy tính bảng. Trong khi đó, ở mảng này, dòng iPad của Apple đang được đánh giá rất cao. Chủ tịch Asus, ông Jonney Shih đã từng chia sẻ về những tác động đầy áp lực mà Google đặt vào hãng trong quá trình thiết kế Google Nexus 7 (2013).
Chân dung Nexus 7 (2013), một trong những thiết bị mới nhất thuộc dòng Nexus.
Nexus là dòng thiết bị được thị trường đón nhận khá nồng nhiệt với sự hợp tác của Google cùng những cái tên như Samsung, ASUS hay LG. Năm 2012, khi Nexus 7 ra mắt, thiết bị này được coi là một nhân tố thay đổi cuộc chơi nhờ mức giá rẻ và cấu hình tốt. Để kết lại, dòng máy Nexus dù có được Google tiếp tục phát triển hay không thì nó cũng đã để lại những ảnh hưởng tích cực lên phân khúc các thiết bị chạy Android.