Apple là một công ty tuyệt vời, sở hữu những sản phẩm tuyệt vời và khoản doanh thu kỷ lục. Mới đây, Adam Lashinsky của tạp chí Fortune viết một cuốn sách với tiêu đề: “Bên trong Apple: Nơi cả thế giới ngưỡng mộ”. Cùng xem bí quyết giúp Apple trở thành huyền thoại như thế nào nhé!
1. Dùng những con người tốt nhất cho những dự án quan trọng nhất
Điều này quá rõ ràng đúng không nào? Tuy nhiên cũng cần phân phối nhân lực cân đối cho mỗi dự án nhằm tránh tình trạng thiếu hụt.
Ví dụ, tại thời điểm Apple bắt tay sản xuất iPhone, họ tập trung tất cả gương mặt tài giỏi nhất cho dự án. Bộ phận nghiên cứu và sản xuất iPhone tận dụng hàng loạt nhân lực từ nhóm Mac. Bởi vậy trong một thời gian, nền tảng Mac OS phải trì hoãn do thiếu nhân lực trầm trọng.
2. Giữ bí mật
Tại Apple, giữ bí mật không chỉ là việc kín như bưng trước giới truyền thông mà thậm chí với đồng nghiệp của mình, bạn cũng không được phép tiết lộ bất cứ thông tin nào về dự án đang tham gia. Chúng góp phần giảm tối đa hiện tượng ăn cắp bản quyền của sản phẩm mới, giúp nhân viên chỉ tập trung vào công việc của mình thay vì lo lắng đến tiến độ của người khác.
3. Tỉ mỉ đến từng chi tiết
Lashinsky tiết lộ rằng, tại Apple có một phòng chuyên nghiên cứu, xây dựng hộp đựng cho thiết bị "táo khuyết". Họ muốn người dùng trải nghiệm từng phút giây khi cầm trên tay một kiệt tác. Sự tỉ mỉ, tinh tế chính là điều khác biệt của Apple so với đối thủ.
4. Làm những gì mà bạn muốn
Đầu thập niên 80, nhà Táo xây dựng chiếc máy tính Apple đầu tiên. Theo như lời Steve Jobs, đó chính là “thứ mà chúng ta thực sự cần”. Với iPhone và iPad cũng vậy. Khi mà người dùng quá nhàm chán với điện thoại thông thường và ao ước chiếc smartphone tốt hơn, Apple đã tạo ra chúng. Những chú dế thông minh và gợi cảm mà bất kỳ ai cũng muốn trải nghiệm.
5. Tập trung
Đôi khi bạn cho rằng mình có thể làm thứ gì đó tốt hơn, tuy nhiên không phải lúc nào cũng đạt được mục tiêu. Một điểm mạnh của Apple là bạn có thể bố trí tất cả mọi thứ trong cùng một bảng. Dù ngày càng nhiều thứ hơn được đặt trên chiếc bảng ấy nhưng nó vẫn chỉ nằm trong một thiết bị mà thôi.
6. Quan tâm đến nhu cầu của người dùng
Lashinsky cho rằng Apple luôn tập trung sự quan tâm vào cách khách hàng. Từ đây, công ty sẽ quyết định bước phát triển trọng tâm tiếp theo. Ví dụ, gần đây CEO Tim Cook nhận định nên đẩy mạnh thị trường Apple TV, đơn giản bởi chúng là sản phẩm được người dùng thực sự ưa thích vào thời điểm hiện tại.
7. Không để nhiều người lo lắng về “được và mất”
Tại Apple, chỉ có 2 người quan tâm về những báo cáo tài chính, đó là CFO Peter Oppenheimer và CEO Tim Cook (trước là Steve Jobs).
Với những công ty bình thường, việc kiểm soát doanh thu quả là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên với Apple, Steve Jobs đã tước bỏ những lo lắng này từ cấp trưởng phòng hay nhà quản lý, giúp họ toàn tâm toàn ý thực hiện dự án, xây dựng sản phẩm tuyệt vời mà chẳng cần lo lắng về chi phí.
8. Luôn có những cá nhân chịu trách nhiệm
D.R.I (Directly Responsible Individual) – “Cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp” là cụm từ rất quan trọng tại Apple. Đối với mỗi sản phẩm hay tính năng, luôn luôn phải có ai đấy chịu trách nhiệm về thành công hoặc thất bại. Apple không có ủy ban kiểm tra, nhưng theo Steve Jobs: “tại đây bạn chắc chắn có thể tìm ra ai là người chịu trách nhiệm” của vấn đề. Không có chỗ cho biện minh, lý do. Nếu là người dẫn đầu, hãy cố mà làm việc cho tốt.
9. Thuê những người giỏi nhất
Cựu nhân viên Apple, Mike Janes trích dẫn lời của Steve Jobs như sau: “Người A thuê người A, người B thuê người C. Chúng tôi chỉ muốn có những người A mà thôi”.
10. Giữ người
Apple không cho phép nhân viên của mình hai lòng. Tim Cook là Giám đốc điều hành duy nhất nằm trong ban điều hành của một công ty khác (Nike). Khi Andy Miller, trưởng nhóm iAds hỏi Steve Jobs rằng liệu chú ấy có thể làm việc cho một doanh nghiệp khác, Steve Jobs đã trả lời: “Sao cơ? Anh muốn giảm việc ở đây và dành thời gian đi giúp đỡ công ty của người khác ư? Tôi thậm chí còn không cho Forstall (Scott Forstall, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nền tảng iOS) ra khỏi văn phòng nữa kìa”.
Giữ người trong nội bộ, giúp họ tập trung. Đó là sự cân bằng tinh tế và cũng là điểm khác biệt của Apple – theo Lashinsky.
11. Làm việc theo các nhóm nhỏ
Khi làm việc trong dự án lớn, Apple cố gắng giữ mức nhân sự tối đa dưới 100 người. Từ khi sáng tạo Mac, Steve Jobs luôn ưa thích các nhóm với số lượng như vậy. Chúng giúp họ tập trung và làm việc có tổ chức, hiệu quả hơn. Đây cũng chính là những người tái tạo ý tưởng mới cho công ty.
12. Không thăng cấp để khích lệ
Tại nhiều nơi, nhân viên làm việc hiệu quả được cất nhắc thăng chức và nhận trách nhiệm cao hơn. Theo Lashinsky, Apple có thể tăng lương nhưng họ cố gắng giữ nhân viên cho vị trí đang làm tốt.
Nếu bạn là một nhà thiết kế tuyệt vời, không nhất thiết bạn phải trở thành người quản lý của những nhà thiết kế khác. Đối với công ty bình thường, đáng lý bạn phải nhận được vị trí thật oách. Ngược lại, Apple thậm chí trả lương cao hơn thế để bạn làm công việc cũ. Mấu chốt tại đây là để nhân viên được tác nghiệp theo chuyên môn giỏi nhất. Chúng xuất phát từ ý tưởng của Steve Jobs: “Hãy để tài năng xác định công việc của bạn, đừng để công việc định nghĩa con người”.
13. Kiểm soát các thông điệp
Bộ phận PR của Apple cực kỳ nổi tiếng. Họ ít khi trả lời báo chí, ít khi đưa ra bình luận khó hiểu và thường mang đến những thông báo, phát biểu tại sự kiện lớn. Đặc biệt, những cụm từ được sử dụng luôn đơn giản, rõ ràng và đi thẳng vào mấu chốt vấn đề, tránh gây hiểu lầm cho báo chí và người tiêu dùng.
14. Bắt đầu từ thiết kế, để nó dẫn đường cho những phần còn lại
Nhiều công ty thường xuất phát bằng việc lên ý tưởng sản phẩm, chiến dịch marketing và những việc này diễn ra trước khi họ bàn bạc với nhà thiết kế. Apple hoàn toàn khác. Nhà thiết kế nắm giữ mọi chìa khóa. Họ quyết định hướng đi của sản phẩm. Từ đây Apple sẽ tiếp tục những công việc cần thiết còn lại.
15. Tập trung vào khách hàng
Đó là phương châm quan trọng bậc nhất tại Apple. Tạo ra những sản phẩm đáp ứng mong muốn và yêu thích của người tiêu dùng. Chúng đã trở thành chìa khóa thành công cho công ty.