Nhiều nghiên cứu đã cho thấy một thực tế hiện nay là các nhà tuyển dụng đang có xu hướng theo dõi tài khoản Facebook của các ứng viên khi nộp hồ sơ xin việc, nhằm đánh giá tính cách và năng lực của họ. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu tại Đại học Northern Illinois còn khẳng định họ có thể đánh giá hiệu suất làm việc của một người chỉ sau 5 đến 10 phút lướt qua tài khoản Facebook của người này. Lúc đó, nghiên cứu đã bị lên án mạnh mẽ, rằng Facebook được thiết kế dành cho những người bạn với nhau, chứ không phải là tiêu chuẩn để đánh giá người lao động.
Giờ đây, ngoài email, số điện thoại... hồ sơ xin việc còn cần khai báo thêm tài khoản Facebook. Và một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi liên minh các Trường Đại học thuộc bang Florida, Đại học Old Dominion , Đại học Clemson, và Đại học Accenture đã phủ định hoàn toàn kết quả nghiên cứu trên. Theo đó, hồ sơ cá nhân của người dùng trên Facebook là không đáng tin cậy cho nhu cầu tuyển dụng nhân sự.
Cụ thể, nghiên cứu này được thực hiện với 416 sinh viên tại các trường đại học công lập và đang làm việc toàn thời gian. Sau khi chụp ảnh màn hình timeline, trang thông tin cá nhân, các hình ảnh và những nội dung họ yêu thích, nhóm nghiên cứu yêu cầu 86 nhà tuyển dụng xem xét các thông tin này, tức mỗi nhà tuyển dụng sẽ chỉ xem xét khoảng 5 bộ hồ sơ. Ngoài những thông tin trên, các nhà tuyển dụng không được tiếp cận với bất kỳ thông tin nào khác, như đơn xin việc hay bảng điểm. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng phải đưa ra đánh giá về tính cách và dự đoán khả năng làm việc của các ứng viên.
Kết quả, các nhà tuyển dụng có xu hướng đánh giá cao phụ nữ hơn nam giới. Bên cạnh đó, những người da đen, như người Mỹ gốc Phi và người Tây Ban Nha được đánh giá rất thấp. Đây là điều mà các nhà nghiên cứu lo ngại, bởi vì giới tính và màu da không phản ánh được năng lực làm việc của một người, trừ một số ngành nghề đặc thù.
Tất nhiên, những hồ sơ chứa nhiều hình ảnh thô tục, liên quan tới tình dục hay tôn giáo cũng bị trừ điểm. Ngoài ra, sau một năm, nhóm nghiên cứu liên lạc lại với 416 người đã tham gia nghiên cứu lúc đầu, nhưng chỉ có 142 ứng viên là còn liên lạc được, tương ứng với khoảng 34%.
Đánh giá ứng viên qua Facebook có thể không chính xác. Qua đó, nhà nghiên cứu Philip Roth của Đại học Clemson nói:
“Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng người da đen và gốc Tây Ban Nha có thể bị ảnh hưởng bất lợi khi nhà tuyển dụng sử dụng Facebook để xếp hạng”. Đây cũng là một thực tế chung trong các cuộc phỏng vấn trực tiếp.
Còn người dẫn đầu nghiên cứu, ông Chad H. Van Iddekinge khẳng định:
“Xếp hạng ứng viên tuyển dụng thông qua hồ sơ Facebook về cơ bản không mang lại hiệu suất công việc”.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu khuyến cáo các nhà tuyển dụng không nên quá tin tưởng vào Facebook khi xem xét các ứng viên của họ. Các thông tin trên Facebook không có sự xác thực và kiểm chứng, dù chỉ xem qua để tham khảo nhưng khi thấy những thông tin này, vô hình trung nhà tuyển dụng sẽ hình thành những suy nghĩ có thể không đúng về ứng viên của mình.
Kết quả nghiên cứu khuyên các nhà quản lý nhân sự không nên soi Facebook của ứng viên khi tuyển dụng.Thật ra nghiên cứu này vẫn chưa nói lên hết được tác động của Facebook đối với việc tuyển dụng nhân sự hiện nay, bởi vì nghiên cứu chỉ thực hiện đối với các sinh viên mới ra trường. Trong khi đó, những người dày dặn kinh nghiệm và lớn tuổi hơn có thể sẽ suy nghĩ chu đáo hơn về những gì muốn đăng lên Facebook. Lúc này, Facebook sẽ có khả năng nói lên nhiều hơn về tính cách và năng lực một người.