Như thông tin trước đó đã đưa, vào 5h45 phút sáng ngày 23/4/2015, tuyến cáp quang biển AAG lại bị đứt. Thông tin này nhanh chóng được người dùng trong nước quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người đăng ký sử dụng dịch vụ
Internet. Nhắc đến nguyên nhân
đứt cáp quang, một lần nữa những chú cá mập lại bị... "đổ tội". Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, cá mập nhiều khả năng hoàn toàn vô tội trong chuyện này.
Ảnh cắt ra từ một video trên YouTube cho thấy một đoạn cáp đang bị cá mập cắn thu hút rất nhiều sự chú ý.
Vào tháng 1 năm nay, ông Michael Costin, Chủ tịch AAG Cable Consortium từng chia sẻ về tình trạng đứt cáp quang thường xuyên xảy ra. Dựa vào những lần tuyến cáp gặp sự cố trong quá khứ, ông này khẳng định nhiều khả năng đứt cáp là do mỏ neo của tàu thuyền hoặc hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trên biển. Dẫn báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Cáp Quốc tế (ICPC), từ năm 2008 đến năm 2013, không có trường hợp cáp đứt do cá mập cắn nào được phát hiện. Dù vậy, trước đó đã có 11 trường hợp liên quan đến cá mập... cắn cáp từ năm 1959 đến năm 2006 được ghi nhận, theo một báo cáo của Liên hợp quốc.
Những bức hình "chế" vui liên quan đến "cá mập - cáp quang" được cộng đồng mạng tạo ra.
Cũng liên quan đến vấn đề cá mập cắn cáp, Kazuhiro Nakaya, một nhà nghiên cứu đại dương tại trường Đại học Hokkaido lại cho rằng: "Cáp đặt dưới nước hoàn toàn có thể bị cắn bởi cá mập. Mặc dù cá mập không thể xuống độ sâu 8.000 mét nhưng ở độ sâu từ 5.000 mét trở lên, chúng hoàn toàn có thể tiếp cận." Ông cho biết thêm răng của cá mập không thực sự sắc, tuy nhiên với cấu trúc đặc biệt hình lưỡi kiếm đồng thời với thói quen cắn con mồi cho đến khi nhìn thấy vết cắn đâm sâu hoàn toàn có thể là nguyên nhân cáp đứt.
Theo tổ chức ICPC, công nghệ cáp quang biển hiện nay được thiết kế tối ưu để tránh các rủi ro liên quan đến động vật dưới nước tấn công gây hư hại.
AAG là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km kết nối khu vực Đông Nam Á với bờ tây nước Mỹ qua Thái Bình Dương và các đảo Guam và Hawaii. Tuyến cáp này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009 và đã nhiều lần gặp sự cố. Mỗi lần cáp quang biển đứt, lưu lượng truy cập Internet từ Việt Nam đến các dịch vụ quốc thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
(Tham khảo: PCworld)