Thế giới công nghệ luôn tồn tại sự cạnh tranh gay gắt giữa các tên luổi lớn và những sản phẩm mới liên tục lên sóng với mục đích hạ bệ người đi trước. Tuy nhiên, những thiết bị như vậy không chỉ đem lại thành công mà đôi khi cả thất bại. Sau đây sẽ là câu chuyện của 20 gương mặt được coi như là "sát thủ công nghệ", và hãy xem số phận hiện giờ của chúng ra sao.
Sony 2004 Walkman vs Apple iPod: Trình làng sau iPod đúng 4 năm (2004), sản phẩm thương hiệu Sony được hy vọng sẽ giúp hãng vượt qua Apple trong cuộc chiến nhạc số, thế nhưng dòng máy nghe nhạc của "quả táo cắn dở" hiện đứng vững tại vị trí số 1.
Microsoft Zune vs Apple iPod: Tiếp tục một kẻ thách thức khác, và lần này là từ gã khổng lồ phần mềm. Thế nhưng phần cứng của Zune đã chính thức bị khai tử, trong khi phần mềm thì phải "sống nhờ" trên Windows Phone 7 hay Xbox.
Amazone MP3 Store vs Apple iTunes: iTunes là kho tải nhạc trực tuyến chỉ dành riêng cho các thiết bị của Apple và đã từng một thời khiến các đối thủ phải ghen tỵ, nhất là Android. Song, thật may là còn có Amazone MP3 Store, và điều này đã củng cố thêm thế cân bằng trong cuộc chiến giữa Google và "quả táo cắn dở".
Motorola Droid vs iPhone: Sự thành công của iPhone thì ai cũng biết, nhưng các dòng máy Android do Google phát triển không vì thế mà buông xuôi. Với Motorola Droid, gã khổng lồ tìm kiếm đã cho thấy quyết tâm của mình trong cuộc chiến, dẫu rằng thành tựu mà chú dế đạt được còn lâu mới sánh nổi với iPhone.
Google TV vs Apple TV: Tháng 10 vừa qua, Google hợp tác Logitech trình làng bộ sản phẩm xem TV độc đáo của hãng, trong khi Apple đã giới thiệu tới phiên bản thứ 2 của thiết bị tương tự (Apple TV). Hiện tại, khi "cục cưng" của Google còn chưa tìm được chỗ đứng thì "quả táo cắn dở" đã ghi nhận những nguồn thu khổng lồ.
Dell Adamo vs Apple MacBook Air: Lên kệ với mục tiêu cạnh tranh cùng laptop siêu mỏng nhẹ MacBook Air, nhưng Dell đã phải tuyên bố khai tử Adamo vào tháng 2 năm 2011.
HP Envy vs Apple MacBook Pro: Có những đặc điểm thiết kế tương đồng như MacBook Pro, HP Envy không hẳn là rẻ hơn hay mạnh mẽ hơn mà đơn thuần chỉ khai mào cuộc chiến giữa hai kẻ ngang tài ngang sức. Thế nhưng, mục đích ban đầu đã phần nào không thực hiện được khi phiên bản 13 inch của dòng máy đã bị ngừng cung cấp từ tháng 3 năm nay.
Samsung Galaxy Tab vs Apple iPad: Trong khi máy tính bảng của Apple bán được tới 15 triệu sản phẩm trong năm 2010 thì con số của Samsung Galaxy Tab là hầu như không đáng nhắc tới. Mới đây, tiếp theo phiên bản 7 inch ban đầu, đại gia Hàn Quốc tung thêm dòng máy 10,1 inch nhằm cứu vãn tình thế. Nhưng có vẻ như đây vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi.
Cuil.com vs Google: Được phát triển bởi nhân viên cũ của Google, Cuil.com hy vọng sẽ thu được lợi nhuận trên thị trường tìm kiếm đang bị chiếm giữ. Đáng tiếc, tuy có những sự đầu tư mạnh mẽ về cả tài chính lẫn công nghệ, cho tới nay Cuil.com vẫn chưa thể cất cánh.
Wolfram Alpha vs Google: Tiếp tục là một cỗ máy tìm kiếm khác được mệnh danh là "sát thủ công nghệ" của Google. Wolfram AlPha từng được đánh giá rất cao nhưng cho đến nay, hệ thống vẫn chỉ là một ẩn số.
Motorola Droid Pro vs RIM.BlackBerry: Mục tiêu ban đầu của Android là đánh bại nền tảng BlackBerry OS, và đấy chính là lý do Motorola Droid Pro ra đời đi kèm cùng bàn phím QWERTY. Tuy nhiên sau đó, câu chuyện đã không còn được nhắc đến nhiều bởi đối thủ bây giờ của Android chuyển hướng sang iOS.
Apple iBookstore vs Amazon Kindle Store: Sự thành công của thiết bị đọc sách điện tử do Amazon phát triển đã khiến nhiều đối thủ phải thèm muốn. Đó trở thành một phần lý do khiến Apple tung ra máy tính bảng iPad để chen chân vào lĩnh vực này. Mặc dù vậy, iPad vẫn chưa thể giúp công ty có trụ sở tại Cupertino toại nguyện.
Kobo e-Readers vs Amazon Kindle: Nhẹ hơn và linh hoạt hơn, thiết bị đọc sách điện tử của Kobo cũng được xem là đối thủ đáng gờm của Kindle. Song, thư viện sách khổng lồ và uy tín của Amazon vẫn là thách thức quá lớn cho bất cứ ai muốn vượt qua.
Mozilla Firefox vs Microsoft Internet Explorer: Kể từ khi xuất hiện lần đầu trên Windows vào năm 1995, trình duyệt IE của Microsoft đã từng bước độc chiếm thị trường. Thế nhưng, Mozilla đã không để Microsoft mỉm cười quá lâu khi phủ sóng trình duyệt Firefox và đe dọa lớn tới miếng bánh thị phần của gã khổng lồ.
Mozilla Thunderbird vs Microsoft Outlook: Cũng giống như "cáo lửa", Thunderbird của Mozilla cũng là đối thủ lớn của công cụ e-mail nổi tiếng Outlook do Microsoft sở hữu. Và hiện tại, Thunderbird đang rất được ưa chuộng cũng như chiếm được cảm tình của nhiều người dùng.
Google Buzz vs Twitter: Mạng xã hội đang trở nên rất phổ biến và ngày càng có nhiều đại gia công nghệ muốn tham gia vào lĩnh vực này. Trong đó phải kể đến Google với Buzz, đối thủ trực tiếp của Twitter. Tuy vậy, tính chủ động mở rộng danh sách liên lạc hơi quá đà, cùng với sự riêng tư ít được bảo đảm đã khiến Buzz không thực sự được đón nhận.
Open Office vs Microsoft Office: Từng được kỳ vọng sẽ phá vỡ vị trí bá chủ của bộ phần mềm Microsoft Office nhưng Open Office ngày càng cho thấy sự thua kém của mình. Hiện nay, tuy đã có rất nhiều sự thay đổi nhưng sản phẩm vẫn chỉ là lựa chọn thứ yếu của dân văn phòng.
Diaspora vs Facebook: Đánh vào tính bảo mật không tốt của Facebook, Diaspora dự tính biến mình thành đối thủ số 1 của trang mạng xã hội hàng đầu thế giới. Đến nay, tuy chưa thể hóa thân thành "thiên nga" nhưng "chú vịt" cũng được khá nhiều chuyên gia đánh giá cao.
HD DVD vs Blu-ray: Định dạng đĩa Blu-ray của Sony đang chứng tỏ ưu thế với khả năng lưu trữ lớn từ năm 2000. Vào năm 2005, Microsoft đặt cược vào HD DVD với kỳ vọng đánh bại Blu-ray. Thế nhưng, trận chiến gần như đã kết thúc năm 2008 khi Toshiba tuyên bố ngừng sản xuất HD DVD.
HD radio vs Terrestrial Radio: Mặc dù có chất lượng hơn hẳn loại hình radio truyền thống nhưng HD radio đã không thể chiếm lĩnh thị phần bởi giá thành quá đắt đỏ. Hơn thế nữa, người ta không đòi hỏi quá nhiều ở sóng FM bởi lẽ nếu cần họ đã có những thiết bị khác tuyệt vời hơn.