Muốn tiến đến thành công, bạn cần thực sự cứng rắn. CEO Mark Zuckerberg cũng không nằm ngoài quy luật đó. Từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến nay, anh chàng phải vượt qua nhiều khó khăn và gạch tên một số người khỏi đế chế Facebook. Dưới đây là các trường hợp điển hình nhất.
1. Anh em sinh đôi nhà Winklevoss
Cặp sinh đôi khét tiếng khiến Zuckerberg gặp rắc rối từ khi Facebook "chào đời" vào năm 2004. Anh em nhà Winklevoss cùng một đối tác kinh doanh khác (được nhắc đến bên dưới) ủy quyền cho Zuckerberg lập trình một trang mạng xã hội mà họ sáng lập với tên gọi ConnectU. Điều không ngờ nhất là họ vướng phải vụ kiện, trong đó Zuckerberg bỏ qua ý tưởng trên và thay thế bằng TheFacebook (tiền thân của Facebook).
Sau khi dàn xếp bằng 65 triệu USD (khoảng 1.365 tỷ đồng) tiền mặt và cổ phiếu, anh em nhà Winklevoss cáo buộc Facebook lừa họ về giá trị thật của cổ phiếu và muốn đảo ngược kết quả. Cuối cùng, họ chỉ chịu đầu hàng vào tháng 6/2011.
2. Divya Narendra
Divya Narendra là đối tác làm ăn của anh em nhà Winklevoss trong dự án ConnectU, vào thời gian họ còn theo học tại trường Harvard. Trong phiên tòa trên, Narendra đứng về phía cặp song sinh và chống lại Zuckerberg. Vì thế, anh cũng nhận được một phần trong khoản tiền dàn xếp 65 triệu USD. Cùng thời gian này, Divya Narendra sáng lập một cộng đồng nhà đầu tư với tên gọi SumZero.
Bộ phim “The Social Network” nhắc đến vai trò của Divya Narendra trong việc sáng lập Facebook, thông qua hình ảnh một chàng sinh viên Harvard hợp tác cùng Zuckerberg trong những ngày đầu của Facebook.
3. Eduardo Saverin
Một nhân vật quen thuộc mà nếu từng xem “The Social Network”, bạn sẽ dễ dàng nhận ra. Eduardo Saverin là người bạn thân của Zuckerberg và chung tay xây dựng Facebook trong bước đường đầu tiên. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cả hai đột ngột xấu đi. Thông tin của trang BussinessInsider cho biết, Saverin bị loại khỏi Facebook do không thể hiện được năng lực trong việc đảm bảo kinh phí và thiết lập mô hình kinh doanh. Thậm chí, anh còn dùng mạng xã hội non trẻ để quảng cáo miễn phí cho Joboozle, một dự án phụ của mình.
Khi quyết toán vào năm 2009, lượng cổ phiếu của Eduardo Saverin tại Facebook giảm xuống còn 5%. Anh cũng từ bỏ quốc tịch Mỹ nhằm tránh đóng khoản thuế khổng lồ khi Facebook tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO).
4. Sean Parker
Sean Parker, nhà sáng lập Napster, cũng tích cực giúp đỡ Facebook từ thuở sơ khai. Ông nắm vai trò quan trọng trong việc phát triển mạng xã hội. Thậm chí, chính Sean Parker là người vạch kế hoạch giúp Zuckerberg tỉnh táo trong việc thu hút đầu tư và sử dụng tiền hợp lý. Dù đóng góp nhiều cho Facebook, Sean Parker phải rời khỏi công ty sau 1 năm làm việc bởi lối sống phóng túng và tiệc tùng.
5. Owen Van Natta
Owen Van Natta từng giữ chức vụ COO Facebook. Anh nắm trọng trách đặc biệt trong nhiều kế hoạch đàm phán, nhất là vụ đầu tư 240 triệu USD của Microsoft vào mạng xã hội. Tuy nhiên, tài năng của Owen Van Natta chỉ thật sự nằm ở mảng thương thuyết chứ không phải quản lý. Người ta cho rằng anh luôn muốn trở thành Giám đốc điều hành đúng nghĩa, điều không thể tìm thấy tại Facebook. Thế nên, Owen Van Natta quyết định rời khỏi hãng và tìm kiếm công việc đúng theo ý mình.