Ngành công nghiệp công nghệ có thể nói đã khai sinh ra rất nhiều những CEO tài năng và nhận được nhiều sự ngưỡng mộ. Họ đã góp phần tạo ra những sản phẩm trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Mới đây, Harvard Business Review đã công bố danh sách 10 CEO thành công nhất của làng công nghệ. Theo đó, danh sách này được đánh giá dựa trên tình hình tài chính và những đóng góp cho xã hội của các công ty.
1. Steve Jobs
Công ty: Apple, Hoa Kỳ
Nhiệm kì: 1997 – 2011
Steve Jobs là một CEO có nhãn quan chiến lược cực kì nhanh nhạy và chuẩn xác. Mọi sản phẩm ông tung ra thị trường từ thời chiếc iPod đầu tiên đều có những ảnh hưởng to lớn không chỉ gói gọn trong ngành công nghiệp công nghệ. Dẫu vậy, trong suốt sự nghiệp của mình, Jobs cũng phải trải qua những thời điểm hết sức khó khăn. Năm 1985, sau những bất đồng sâu sắc với ban giám đốc, Jobs buộc phải rời khỏi công ty do chính mình sáng lập. Sau đó, ông trở về lại với Apple khi công ty này đang trên bờ vực của sự phá sản. Lúc này, Jobs nắm vai trò của một CEO tạm thời và chỉ trong vòng một năm, ông đã giúp Apple lật ngược thế cờ.
Trong thời gian rời xa Apple, Jobs là người đồng sáng lập Pixar Animation Studios mà về sau được mua lại bởi Walt Disney.
Năm 2003. Jobs bị chẩn đoán có một khối u trong tuyến tụy. Vào ngày 5 tháng Mười năm 2011, Steve Jobs qua đời sau một cơn suy hô hấp, kết thúc những năm tháng kéo dài chiến đấu với bệnh tật của một thiên tài.
2. Jeffrey P. Bezos
Công ty: Amazon.com, Hoa Kỳ
Nhiệm kì: 1996 – nay
Không chỉ nổi tiếng vì đã dựng lên được một đế chế bán lẻ trực tuyến lớn nhất hành tinh, Jeffrey P. Bezos còn đóng vai trò vô cùng to lớn trong cuộc cách mạng ngành thương mại điện tử. Mới đầu, Amazon bắt đầu như một nhà phân phối sách trực tuyến, tuy nhiên, không lâu sau đó, họ tiến hành mở rộng phạm vi kinh doanh của mình với đa dạng các mặt hàng.
Theo Wikipedia, Bezos thành lập Amazon sau chuyến đi dọc nước Mỹ của ông. Trên hành trình, ông đã nhen nhóm ý tưởng về dịch vụ và hoàn thiện bản kế hoạch cho nó. Cũng như rất nhiều các ông lớn công nghệ khác ở thung lũng Silicon, Amazon ra đời tại một gara ô tô.
Khi công ty được thành lập, Amazon không hề có lãi trong vòng 4 năm liên tiếp. Cổ đông phàn nàn về triển vọng u ám Amazon đang nắm giữ. Thế nhưng, nhờ kiên trì duy trì dịch vụ, hiện nay Amazon có lượng khách hàng lên tới 30 triệu người.
3. Yun Jong-Yong
Công ty: Samsung Electronics, Hàn Quốc
Nhiệm kì: 1996 – 2008
Sau khi tốt nghiệp, Yun Jong-Yong tham gia vào đội ngũ lãnh đạo Samsung Group (do chính gia đình ông sở hữu) và luân chuyển về nhánh Samsung Electronics ngay khi nó được thành lập. Tại đây, ông đã dẫn dắt Samsung đi qua cuộc khủng hoảng Châu Á năm 1996 và lần lượt đánh bại các ông lớn khác như Sony.
Sự thành công ở nhiệm kì của Yun Jong-Yong đến từ hai sản phẩm chính là vi xử lý cho máy tính, điện thoại di động... và màn hình tinh thể lỏng. Đây chính là kết quả nỗ lực của Yun Jong-Yong trong việc xác định lại mục tiêu thị trường, từ bỏ hai sản phẩm then chốt cũ là lò vi sóng và TV. Bởi lúc bấy giờ, lò vi sóng và TV Samsung luôn phải núp sau bóng và bị coi là một bản sao giá rẻ của các sản phẩm đến từ Sony.
Những cống hiến kể trên đã mang lại cho Yun Jong-Yong rất nhiều giải thưởng và danh hiệu quý giá như “Asis’s Most Powerful Businessperson” (Doanh nhân quyền lực nhất Châu Á), “Businessman of The Year” (Doanh nhân của năm) và “Top Managers of All Time” (Nhà quản lý hàng đầu mọi thời đại).
4. Margaret C. Whitman
Công ty: eBay, Hoa Kỳ
Nhiệm kì: 1998 – 2007
Hiện đang là Chủ tịch và CEO của HP, Margaret C. Whitman cũng có một thời gian gắn bó với những cái tên như Walt Disney, DreamWorks hay P&G.
Khi còn ở eBay, bà đã dẫn dắt công ty đi từ chỉ có 30 nhân viên với lợi nhuận hàng năm 4 triệu USD lên đến cột mốc hơn 15.000 nhân viên cùng lợi nhuận ròng hàng năm 8 triệu USD.
Bà từ chức từ năm 2007 tuy nhiên vẫn góp mặt trong ban điều hành của eBay thêm một năm nữa với vai trò cố vấn cho CEO mới.
5. John T. Chambers
Công ty: Cisco System, Hoa Kỳ
Nhiệm kì: 1995 – nay
Dưới triều đại của John T. Chambers, Cisco System đã có những bước tiến thần kì về mặt doanh số khi nhảy vọt từ 70 triệu USD đến hơn 46 tỉ USD ở thời điểm hiện tại.
Chambers bắt đầu sự nghiệp tại IBM sau khi tốt nghiệp Đại học Indiana. Sau đó, ông chuyển sang Wang Laboratories và cuối cùng là Cisco vào năm 1991.
Ông đã từng góp mặt trong danh sách “Top 25 người quyền lực nhất” do CNN bầu chọn và danh sách “100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất” của tạo chí Time Magazines.
6. Eric E. Schmidt
Công ty: Google, Hoa Kỳ
Nhiệm kì: 2001 – 2011
Kể từ khi gia nhập Google vào năm 2001, Eric E. Schmidt đã góp một phần quan trọng trong quá trình biến Google từ một dự án khởi nghiệp trở thành một ông lớn của làng công nghệ thế giới.
Sau khi làm việc cho một vài công ty như Bell Labs, Xerox và Sun Microsystems, ông chuyển sang Novell với cương vị CEO. Một thời gian sau, ông lọt vào mắt xanh của Google sau một cuộc phỏng vấn với hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Bin. Đáng ngạc nhiên hơn, ngay sau khi vào Google, ông đã nhanh chóng được bổ nhiệm vào ban điều hành tập đoàn và chỉ 5 tháng sau, Schmidt leo lên vị trí CEO.
Eric E. Schmidt cũng góp mặt trong ban điều hành của Apple trong 3 năm. Đến năm 2009, ông buộc phải từ bỏ vị trí này do những cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt của hai ông lớn.
Hiện Eric E. Schmidt đang nắm chức vụ chủ tịch điều hành của Google. Forbes xếp hạng Eric E. Schmidt ở vị trí 138 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với tài sản ước tính 8,2 tỉ USD.
7. John W. Thompson
Công ty: Symantec, Hoa Kỳ
Nhiệm kì: 1999 – 2009
Tham gia vào Symantec sau một sự nghiệp kéo dài 28 năm ở IBM, Thompson đã biến Symantec từ một nhà phát hành phần mềm đại trà thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và quản lí lưu trữ.
Dưới thời của ông, doanh thu của Symantec đã tăng lên gấp 10 lần, từ 600 triệu USD lên đến 6 tỉ USD.
Hiện nay ông đang là CEO của Virtual Instrument. Bên cạnh đó, Thompson cũng tham gia cố vấn cho rất nhiều công ty, tập đoàn khác như Microsoft hay Seagate Technology.
8. Tomeo Kanbayashi
Công ty: NTT Data, Nhật Bản
Nhiệm kì: 1995 – 1999
Không được biết đến rộng rãi, thế nhưng, Tomeo Kanbayashi chính là cái tên đứng đằng sau thành công của NTT Data – công ty dịch vụ tin học lớn nhất Nhật Bản và cũng là một trong những công ty lớn nhất thế giới thuộc lĩnh vực này.
Theo Harvard Business Review, ở thời gian ông tại vị, tỷ số lợi nhuận trên vốn của cổ đông NTT Data đạt đến 658%.
9. Tim Koogle
Công ty: Yahoo, Hoa Kỳ
Nhiệm kì: 1995 – 2011
Trong quá khứ, vị thế của Yahoo có được cũng tương tự với những gì Google làm được hôm nay. Cùng hai nhà sáng lập, Jerry Yang và David Filo, Tim Koogle đã dẫn dắt Yahoo thách thức cả những cái tên lớn như Microsoft hay các nhà cung cấp nội dung như Walt Disney.
Yahoo cũng là cái tên tiên phong trong việc cung cấp các gói dịch vụ với ngôn ngữ tùy chỉnh phù hợp với người dùng mỗi quốc gia.
Với định hướng phát triển doanh thu dựa trên quảng cáo, ở thời kì hoàng kim, lợi nhuận ròng của Yahoo đã cán mốc 1 tỉ USD.
Trong hai năm liên tiếp 1999 và 2000, Tim Koogle đều nằm trong danh sách “Top 25 nhà điều hành của năm” do tạp chí BusinessWeek bầu chọn.
10. Ming-Kai Tsai
Công ty: MediaTek, Đài Loan
Nhiệm kì: 1997 – nay
Tsai làm việc cho United Microelectronics – một trong những công ty sản xuất vi xử lý lớn nhất Đài Loan. Ông liên tục thăng tiến tại đây và đứng đầu bộ phận sản xuất vi xử lý cho TV và đầu máy chạy đĩa.
Khi bộ phận ông quản lý phát triển nhanh chóng và tách khỏi công ty mẹ, MediaTek được thành lập và ông đóng vai trò CEO của công ty.
Tsai định hướng MediaTek theo con đường cung cấp dịch vụ tốt hơn và sản phẩm rẻ hơn. Ví dụ, trong khi những ông lớn sản xuất vi xử lý 3G, MediaTek tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng của vi xử lý 2G hiện đại để hạ giá thành sản phẩm. MediaTek tập trung vào các thị trường mới nổi trong đó đáng kể nhất là Trung Quốc (về sau đã trở thành thị trường smartphone lớn nhất thế giới.)