Đĩa mềm Floppy Disk: “Thời oanh liệt nay còn đâu”

Anh Đức, Theo 12:01 27/04/2010
Chia sẻ

Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đơn vị đầu tiên phổ biến định dạng đĩa 3.5 inch ra thị trường vừa quyết định dừng sản xuất vào năm tới.

Với nhiều người sử dụng máy tính từ xửa từ xưa, có lẽ chiếc đĩa mềm 3.5 inch vuông vuông là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Thời điểm mà USB vẫn chưa phổ biến như bây giờ, mỗi khi cần lưu trữ dữ liệu thì đĩa mềm Floppy Disk trở thành cứu cánh quan trọng nếu không muốn nói rằng duy nhất giai đoạn ấy. “Có 1.44 MB mà hữu ích thật. Nhớ cái thời năm 2002 USB còn khan hiếm. Đĩa mềm là thứ để đi cóp những trò như mario, contra, và cũng là đĩa boot” – Trungmercury, một fan của đĩa mềm lúc bấy giờ cho biết. Teen đừng mơ đường truyền internet tốc độ cao để sao lưu trực tuyến thoải mái hay chiếc ổ cứng di động làm gì, nhà nhà vẫn đang vào mạng nhờ vào kết nối quay số dial-up thì đào đâu ra những thứ “hại điện” đến vậy cơ chứ!

Tuy nhiên, một loạt những “điểm trừ” như tốc độ chậm, dung lượng ghi nhớ thấp (chỉ có 1,44 MB), “kêu cạch cạch khi khởi động” (Tuanlinh25), hoặc tạo ra những câu chuyện “để đời” như của cậu bạn Tuấn Anh:“Symantec Antivirus mỗi lần update virus tớ phải mua tận 8 đĩa mềm mang lên trường copy về nhà, về nhà một cái… hỏng luôn, đi tong cả ngày”, khiến cho đĩa mềm ngày càng trở nên “mất điểm trầm trọng”. Thế nhưng bạn ấy từng là món đồ xa xỉ và chỉ những ai khá giả mới có thể mua nổi, sắm về rồi phải giữ gìn nhan sắc kỹ lắm, chẳng dám dùng nhiều bởi lẽ “cứ format đĩa mềm đến lần thứ 3 là đĩa ‘đi đời’ rồi” (Trungmercury cho biết thêm). Còn với dân theo học công nghệ thông tin, ngoài sách vở dường như“trong ba lô lúc nào cũng có cả tạ đĩa mềm”(Chuba).
 

Đĩa mềm Floppy Disk: “Thời oanh liệt nay còn đâu”.

Nổi tiếng khắp nơi, Sony vinh dự là đơn vị đầu tiên phổ biến định dạng đĩa 3.5 inch ra thị trường và giờ đây họ quyết định giết chết “con khủng long công nghệ” đình đám một thời. Nhiều lần nấn ná, nhà sản xuất lớn nhất thế giới dự định đóng cửa hoàn toàn dây chuyền vào tháng 3/2011, nên khả năng chắc chắn đĩa mềm sẽ kịp kỷ niệm “sinh nhật” tròn 30 tuổi. Tình hình kinh doanh xuống dốc thẳng đứng mấy năm gần đây là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả trên.

“Khai tử” không quá đột ngột, phần lớn người dùng công nghệ Việt Nam đón nhận sự kiện này với tâm trạng nhiều tiếc nuối “Xem ra ai cũng cảm thấy một chút tiếc nuối khi biết tin này nhỉ. Công nhận một thời để nhớ với bao kỉ niệm” (Misao). Nhắc lại kỉ niệm xưa, Tanchuvt vẫn rõ như in “hồi lớp 8, em và mấy đứa bạn góp tất cả đĩa mềm lại. Sau đó ra ngoài quán nét, đứa canh chừng chủ quán, đứa cóp lấy cóp để mấy cái game ngoài đó để mang về nhà chơi. Ai ngờ về nhà mở ra toàn shortcut”. Buồn vậy thôi và chào tạm biệt “người yêu” thưở nào nhá!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày