Tôi bắt ngày hôm nay với chiếc smartphone mới mang tên
Zenfone 2 Laser. Đây là một trong số gần chục mẫu
mà ASUS trình làng trong năm nay. Trong bài viết này tôi chỉ tập trung vào đánh giá thiết kế, những trải nghiệm, tính năng và khả năng chụp ảnh của máy chẳng quan tâm tới những thông số khó hiểu thường chỉ dùng để quảng cáo.
Thiết kế
Ngay khi cầm máy, cảm giác đầu tiên của tôi về chiếc Zenfone 2 Laser đó là khá thoải mái. Mặt lưng cong bằng nhựa sơn sần của máy tạo cảm giác chắc tay, không hề bị cấn. Mặt lưng cong cũng giúp máy nằm gọn gàng trong túi quần bất kể túi sau hay trước. Tuy nhiên, do kích thước lớn nên những mẹ tay nhỏ sẽ bị mỏi tay nếu cầm máy lướt Facebook trong thời gian dài.
Mặt trước của máy khá hài hòa với điểm nhấn là thanh nhựa vân tròn đồng tâm độc đáo ở cạnh dưới. Ba nút điều hướng vật lý được ASUS đặt trên một thanh riêng bên dưới màn hình. Tôi thấy ASUS không được tinh tế cho lắm khi để kích thước của thanh chứa nút điều hướng này quá lớn và thêm nữa là ba nút điều hướng này không hề có đèn nền. Máy có ba tùy chọn màu sắc là đen, trắng và vàng.
Tôi ghét cay ghét đắng cái màn hình các mẹ ạ. Dễ bám vân tay quá thể đáng. Chỉ trong vài tiếng sử dụng mà tôi phải lau màn hình đến 5, 6 lần. Tôi khuyên các mẹ là nên dán thêm một miếng dán cường lực, vừa bảo vệ cho màn hình vừa đỡ khó chịu vì những dấu vân tay. Ốp lưng phía sau cũng bám vân tay mới buồn chứ. Có khi nào chỉ vì chiếc điện thoại hay bám vân tay mà người ta nghĩ tôi là người ở bẩn không nhỉ? Và còn một cái bực mình nữa là mặt lưng cong của máy khiến máy không bám mặt bàn nên rất khó sử dụng, thao tác bằng một tay khi đặt máy trên bàn hoặc các mặt phẳng.
Trông sang chảnh thế nhưng sau nửa ngày sử dụng bắt đầu loang lổ những dấu vân tay
Cụm camera, đèn flash, bộ lấy nét laser và nút điều khiển âm lượng nằm ở phía trên là điểm nhấn chính ở mặt sau máy, dải thoát âm dành cho loa được đặt ở phía dưới. Trông dải thoát âm hoành tráng thế thôi, thực chất bên trong chiếc loa bé tí, chỉ chiếm 1/3 dải thoát âm mới buồn chứ.
Mặt lưng cong cũng giúp máy nằm gọn gàng trong túi quần. Nút nguồn của máy ở cạnh trên, khó nhấn lắm ý. Nhưng mà không sao, ASUS sửa lỗi bằng cách cho phép chúng ta mở/khóa màn hình bằng cách nhấp đôi vào màn hình. ASUS còn hỗ trợ một số cử chỉ khác, tôi sẽ nói với các bạn ở phần sau.
Ảnh cận cảnh Zenfone 2 Laser 5.5 inch bạn có thể xem tại
đây.
Màn hình
Theo thông số của nhà sản xuất, Zenfone 2 Laser có màn hình 5.5 inch độ phân giải 1280x720 pixel. Thay vì tìm hiểu ý nghĩa của những thông số trên, tôi sẽ trải nghiệm trực tiếp và chia sẻ với các bạn cảm nhận của tôi về chất lượng màn hình của Zenfone 2 Laser.
Màn hình lớn nên lướt web và xem video rất sướng.
Đầu tiên, phải thú nhận với các mẹ là do kích thước màn hình lớn nên lướt Facebook, web, chơi game và xem YouTube trên Zenfone 2 Laser rất sướng. Khả năng hiển thị màu sắc của màn hình khá tốt, màu hiển thị tươi và trong. Ở độ sáng 50%, ký tự, hình ảnh trên web và mạng xã hội như Facebook hiển thị khá rõ ràng.
Tuy nhiên, điểm yếu của màn hình Laser là quá bóng, phản chiếu lại ngay cả đèn huỳnh quang trong văn phòng. Tăng độ sáng màn hình lên 100% vẫn không khắc phục được điểm yếu này. Trong nhà còn đỡ chứ cái kiểu độ sáng này ra ngoài trời nắng thì sẽ rất khó nhìn.
Trời không có nắng màn hình vẫn bị lóa dù độ sáng màn hình ở mức 100%. Góc nhìn của máy khá rộng, khi nhìn chéo từ các hướng thì màu sắc và độ tương phản màn hình không bị thay đổi nhiều. Màn hình lớn và góc nhìn rộng nên chúng ta hoàn toàn có thể xem phim chung với bạn bè trên Zenfone 2 Laser.
Theo ASUS, màn hình Laser được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass 4, chống xước cực tốt và giảm khả năng vỡ màn hình tới 85%. Tất nhiên đây chỉ là những công bố của nhà sản xuất, còn khi sử dụng các mẹ nên hạn chế tối đa các trường hợp đánh rơi hoặc đặt điện thoại gần vật cứng dễ gây xước màn hình.
Phần mềm
Asus Zenfone 2 Laser sử dụng giao diện tùy biến ZenUI 2.0 của Asus, trên nền hệ điều hành Android 5 Lollipop. ZenUI có một số tính năng khá cool như ZenMotion cho phép nhận diện các thao tác cảm ứng như viết các chữ cái khác nhau để truy cập nhanh vào ứng dụng nhằm tiết kiệm thời gian hay gõ 2 lần trên màn hình để tắt/ mở màn hình, gõ 2 lần vào nút Home để chuyển qua chế độ dùng 1 tay...
Bàn phím mặc định của máy khá lởm, dù kích thước chiếm tới 60% màn hình nhưng kích thước các phím phân bổ kém hợp lý, tôi rất hay bấm nhầm phím dấu chấm và phím enter bởi phím dấu chấm nằm cạnh phím enter thì quá bé trong khi phím enter lại quá to. Tốt nhất bạn nên sử dụng ứng dụng bàn phím của bên thứ ba.
Với ZenMotion, bạn có thể truy cập camera khi màn hình đang tắt bằng cách viết chữ cái C lên màn hình. Tương tự, viết chữ V để truy cập ứng dụng gọi điện, e cho ứng dụng emai, S cho ứng dụng nhắn tin và W cho trình duyệt web.
Ngoài ra, chế độ trẻ em tích hợp trên Laser giúp các mẹ khoanh vùng các ứng dụng học tập hoặc giải trí mà trẻ em được phép tương tác, quản lý thời gian trẻ chơi với máy. Nhà có nhiều trẻ em nên tôi thích mê chế độ này.
Zenfone 2 Laser còn được cài sẵn rất nhiều ứng dụng tiện ích bao gồm ứng dụng nhắc việc Do It Late, ứng dụng phát nhạc, ứng dụng quản lý năng lượng, đèn pin với khả năng kích hoạt đèn flash hoặc màn hình, Amazon Kindle, ứng dụng đo khoảng cách Laser Ruler... Phần mềm tối ưu pin của Zenfone 2 Laser cung cấp khá nhiều tùy chọn, chế độ sử dụng cho bạn. Thời lượng pin tôi sẽ giới thiệu kỹ càng ở phần sau.
Camera
Mẫu Zenfone 2 Laser 5.5 inch mà tôi đánh giá có camera trước 5MP và camera sau 13MP. Cụm Laser trong tên gọi của chiếc điện thoại này nhấn mạnh rằng máy có khả năng lấy nét bằng cảm biến laser, giúp thời gian lấy nét ngắn hơn. Lấy nét laser hoạt động tốt khi đối tượng lấy nét ở khoảng cách gần, hoặc khi lấy nét trong bóng tối.
Ảnh chụp bởi Zenfone 2 Laser ở điều kiện ngoài trời, đủ sáng khá rõ nét... Thử nghiệm thực tế, máy liên tục tự động lấy nét khi hướng tới các đối tượng khác nhau, còn khi chạm để lấy nét thì máy hoàn thành việc lấy nét rất nhanh. Lấy nét laser hoạt động nhanh hơn khi người dùng chạm vào màn hình để chọn điểm lấy nét, còn nếu để cho máy tự lấy nét thì tốc độ sẽ chậm hơn một chút nhưng vẫn rất ấn tượng. Thông thường, máy tự động lấy nét trong khoảng thời gian dưới 1 giây.
...Màu sắc khá chân thực. Zenfone 2 Laser có thể lấy nét rất gần, máy có thể lấy nét vật thể cách camera khoảng 5cm. Các photographer thích chụp ảnh cận cảnh (macro) chắc chắn sẽ thích khả năng lấy nét gần của Laser.
Ảnh chụp trong nhà, đủ sáng. Ảnh chụp trong nhà, thiếu sáng
Màu sắc ảnh chụp ngoài trời bởi Laser khá trung thực, gần với thực tế, không bị ám màu như các smartphone khác. Máy bắt sáng ổn, gần với ánh sáng mà mắt người thu nhận được. Khi bật chế độ HDR để chụp ngược sáng thì chất lượng ảnh tốt hơn, tuy nhiên thời gian lưu ảnh HDR lâu hơn chụp ảnh thường, mất khoảng 3 giây. Khả năng chụp đêm và chụp trong điều kiện thiếu sáng của máy ở mức chấp nhận được, không bị mờ, nhòe quá nhiều.
Ảnh chụp đêm, ngoài trời. Phần mềm chụp ảnh của Laser giống hệt chiếc ZenFone 2, với nhiều thiết lập thủ công (cho phép điều chỉnh chi tiết để có tấm ảnh ưng ý) nhưng với người không am hiểu nhiếp ảnh như tôi thì cứ để chế độ auto để chụp cho an toàn.
Camera trước của máy có độ phân giải 5MP, phần mềm hỗ trợ nhiều tính năng giúp người dùng làm đẹp khuôn mặt, tạo khung ảnh, cùng với khả năng hẹn giờ chụp khá tiện dụng. Tính năng "làm đẹp" mặc định mở khi bạn bật camera trước.
Theo quan điểm của tôi, camera của Laser thể hiện ấn tượng ở thời gian lấy nét và chụp, lưu hình, chất lượng ảnh chụp cũng ở mức tốt so với những sản phẩm trong tầm giá.
Hiệu suất và pin
Cấu hình của máy ở mức tầm trung với SoC Qualcomm Snapdragon 410 bốn lõi, tốc độ xử lý 1.2GHz, đồ họa Adreno 306 và dung lượng RAM 2GB. Với cấu hình này, máy đảm bảo lướt web mượt mà, chạy Facebook, mạng xã hội, sử dụng các ứng dụng hoặc chơi các game nhẹ mà không hề lag, giật. Thử nghiệm thực tế tôi thấy lướt web và Facebook trên máy khá mượt, không có hiện tượng đơ, giật hay chết ứng dụng giữa chừng. Tôi đã tải về và thử nghiệm game Real Racing 3 trên Laser, game chạy khá mượt mà. Những game nhẹ như 1010! thì Laser chạy tốt, chẳng có gì khó khăn.
Với mức dung lượng pin 3.000 mAh, Laser hoàn toàn có thể trụ được một ngày làm việc căng thẳng. Tôi bắt đầu đánh giá máy vào lúc 8h sáng, ở mức pin 100%, tới 20h máy vẫn còn 20% pin. Tôi thử nghiệm mức hao pin của máy ở nhiều chế độ thử nghiệm thực tế khác nhau như lướt web, Facebook với mạng WiFi; lướt web, Facebook với mạng 3G; ngắt kết nối 3G, WiFi để chơi game nhẹ. Trong tất cả các chế độ thử nghiệm độ sáng màn hình được đặt ở mức 50%, mức hao pin trung bình của máy là 10% trên 1 tiếng. Như vậy, máy hoàn toàn có thể trụ được trong một ngày với cả những người dùng năng động nhất.
Kết
Rõ ràng ZenFone 2 Laser là một mẫu điện thoại tầm trung/giá rẻ với khả năng chụp ảnh tốt, cùng cấu hình vừa tầm. Cảm biến Laser trên smartphone này đem lại tốc độ lấy nét rất ấn tượng, vượt trội so với các smartphone cùng tầm giá, kết hợp cùng chất lượng ảnh chụp ở mức tốt mang tới một trải nghiệm chụp ảnh ổn với một chiếc điện thoại có giá 5 triệu đồng.
Bộ sản phẩm bao gồm thân máy, cáp sạc, củ sạc, thẻ bảo hành và sách hướng dẫn. Bên cạnh khả năng chụp ảnh, những yếu tố khác của ZenFone 2 Laser tuy không thực sự nổi bật nhưng là tốt so với mức giá. Máy có hiệu năng vừa phải, các phần mềm cài sẵn khá đa dạng và phong phú. Thời gian sử dụng pin của máy ở mức tốt, thậm chí còn tốt hơn nữa nếu bạn dùng áp dụng các chế độ tiết kiệm pin. Có lẽ tôi sẽ phải xúc một em Zenfone 2 Laser 5.5 inch trong thời gian tới.
(Tổng hợp)