Ở độ tuổi 105, cụ bà Edythe Kirchmaier chính là người già nhất thế giới sở hữu một tài khoản Facebook. Kirchmaier, đồng thời cũng là người già nhất được cấp bằng lái xe của bang California và cựu sinh viên nhiều tuổi nhất còn sống của trường Đại học Chicago, mới tham gia mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh vào tháng trước. Direct Relief, một tổ chức tình nguyện hỗ trợ y tế nơi bà đang làm việc, đã khuyên bà lập một tài khoản để kỉ niệm ngày sinh nhật thứ 105 của mình.
Kirchmaier rất hạnh phúc khi bà tiếp cận với mạng xã hội.
“Tôi đã liên lạc được với rất nhiều người tuyệt vời và nhận được rất nhiều các tin nhắn và hình ảnh từ mọi người khắp nơi trên thế giới”, Bà Kirchmaier nói, “Tôi ngạc nhiên khi nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy.”
Sinh ra trong thời đại của điện tín và điện thoại quay số, Kirchmaier nói bà yêu thích mạng xã hội vì qua đó bà có thể cập nhật thông tin hàng ngày từ bạn bè và gia đình. Đặc biệt bà tâm sự mình rất thích cách mà mọi người trên khắp thế giới thắp lên một ngọn nến ảo trong ngày sinh nhật đặc biệt thứ 105 của bà.
Kirchmaier hiện nay đã có hơn 20.000 bạn bè và followers trên Facebook.
Tuy yêu quý mạng xã hội, bà vẫn không thể từ bỏ thói quen truyền thống đó là hàng tuần vẫn đến trụ sở tình nguyện và tận tay viết những lá thư cảm ơn đến những nhà hảo tâm.
Trong khi Kirchmaier là người già nhất trên Facebook thì ở mạng xã này cũng không thiếu sự góp mặt của những người lớn tuổi. Độ tuổi người dùng tham gia một số mạng xã hội đang tăng một cách đáng kể trong một vài năm trở lại đây. Bằng chứng là theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Internet Pew và dự án Cuộc sống người Mỹ thì nhóm người trên 65 tuổi là nhóm có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trên các mạng xã hội như Facebook, MySpace hay Linkedln. Bản báo cáo chỉ ra rằng 40% người dùng Internet trên 65 tuổi có sử dụng Facebook, tăng 150% so với cùng kì năm 2009.
Kỉ lục này trước đó bởi thành lập bởi cụ bà Maria Colunia Segura-Metzgar ở tuổi 104.
Số người dùng ở độ tuổi này cũng đang tham gia Twitter, một mạng xã hội khá trẻ trung, với một tốc độ chóng mặt. Năm 2009, chỉ 5% người dùng mạng xã hội “chú chim xanh” thuộc độ tuổi từ 50 đến 64 thì nay con số này tăng lên 11%.
Những người cao tuổi chủ yếu sử dụng mạng xã hội để giữ liên lạc và kết nối lại với bạn bè của mình trong quá khứ. Một nghiên cứu từ trường Đại học Alabama thậm chí còn khẳng định sử dụng mạng xã hội làm giảm đến 30% các triệu chứng chán nản và trầm cảm ở người già.
“Một trong những lợi ích lớn nhất của mạng xã hội với người lớn tuổi đó là làm họ nhận ra rằng họ không hề cô đơn. Chúng giúp cho họ quên đi tuổi già và tập trung vào những điều có ích hơn.” Kristi Grigsby, giám đốc một website về giao tiếp cộng đồng nói.
“Mạng xã hội là cách tôi liên lạc với bạn bè, con cái và các cháu tôi. Tôi thích vào Facebook hàng ngày, xem những bức ảnh được tải lên và đọc tin nhắn. Tôi thường xuyên trao đổi với bạn bè. Chúng giúp tôi quên đi sự cô đơn của tuổi già”. Từ lời tâm sự của một cụ bà 85 tuổi này, chúng ta đã phần nào một lần nữa lại khẳng định được sức mạnh và vai trò của mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại hôm nay.