7 lần Facebook khiến người dùng rơi vào vòng lao lý

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/07/2014
Chia sẻ

Những câu chuyện dở khóc dở cười và thậm chí có phần đáng sợ dưới đây là minh chứng cho sự liên quan của Facebook và pháp luật.

Không ít người dùng cho rằng Internet chỉ là “ảo” và trên thế giới mạng, mình có quyền làm mọi điều bản thân muốn. Rõ ràng, đây là một suy nghĩ cần thay đổi và 7 câu chuyện dưới đây sẽ làm bạn nhận ra những gì mình thực hiện trên Facebook có thể để lại hậu quả tồi tệ như thế nào. Dĩ nhiên, mọi thứ có thể không nghiêm trọng đến vậy nhưng khi thực hiện bất cứ điều gì trên Facebook nói riêng hay Internet nói chung, hãy nhớ rằng mạng là ảo nhưng hệ lụy và trách nhiệm của bạn là thật.

1. “Nói xấu” chính phủ Iran


Một người phụ nữ quốc tịch Anh 47 tuổi có tên Roya Saberi Negad Nobakht trong một lần viếng thăm Iran không hiểu vì lí do gì đã đăng trạng thái lên trang cá nhân của mình cho rằng chính phủ nước này “quá Hồi giáo”. Theo chia sẻ của chồng bà, Nobakht đã bị bắt khi đang ở Shiraz với lí do “tham gia có chủ đích trong việc phạm pháp chống lại an ninh quốc gia” và “lăng mạ sự thiêng liêng của Hồi giáo”.

Nobakht bị kết án tới... 20 năm tù và bởi tại Iran không có đại sứ quán Anh Quốc, gia đình bà sau đó đã phải thương thuyết với đại sứ quán Thụy Điển để tìm kiếm sự giúp đỡ và hy vọng Nobakht sẽ được thả.

2. Tư vấn cho người lạ phạm tội


Đầu tháng 6 năm nay, CBSNews đã cho đăng tải một câu chuyện làm không ít người “rùng mình” về những gì Internet có thể mang lại. Theo đó, Marissa Williams, một cô gái 19 tuổi, thường xuyên thích gặp gỡ với người lạ trên mạng xã hội. Lo lắng cho cháu gái của mình, dì cô đã tạo một tài khoản giả mạo với tên Tre "Topdog" Ellis để làm quen và theo dõi hành vi của Marissa.

Sau đó, Marissa trò chuyện với Ellis khá thường xuyên, thậm chí cô gái này còn yêu cầu được trả 50 USD để... “làm chuyện người lớn” với Ellis. Tồi tệ hơn, cô còn bày ra kế hoạch một vụ bắt cóc giả mạo và nói Ellis có thể giết dì cô nếu bị ngăn cản.

Mọi thứ chưa dừng lại ở đây khi Marissa còn bày cho Ellis cách vào phòng ngủ của dì mình và yêu cầu anh này giết chết dì cùng chồng chưa cưới của cô một cách tường tận. Quá hoảng sợ và cũng muốn cháu gái mình tỉnh ngộ, dì của Marissa đã báo cảnh sát và dĩ nhiên cô đã bị bắt.

Trong quá trình lấy lời khai sau đó, Marissa thừa nhận đã vạch ra kế hoạch này nhưng thực sự không muốn làm ai bị thương.

3. Làm rò rỉ thông tin người bệnh


Một trong những nguyên tắc hàng đầu của các bệnh viện là giữ bí mật thông tin của người bệnh, tuy nhiên, cũng có trường hợp mọi thứ hoàn toàn diễn ra theo chiều hướng khác.

Shantelle Twurley lúc đó đang chữa trị một căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ở Cincinnati Medical Center thì tá hỏa khi phát hiện ra tên cùng các thông tin trong hồ sơ bệnh án của mình xuất hiện nhiều nơi trên Facebook.

Được biết, Twurley vừa đệ đơn kiện bệnh viện nêu trên cùng bạn trai cũ của cô Ryan Rawls (người tình nghi đã phát tán các thông tin) vào đầu tháng này, trong đó cô đòi bồi thường 25.000 USD vì bị “xâm phạm đời tư gây ảnh hưởng đến tinh thần, hành vi thiếu nhân tính đồng thời cùng sự cẩu thả của bệnh viện”.

4. Khuyến khích hành vi tải về trái pháp luật


Ca sỹ Prince từng kiện chính hai người hâm mộ của mình số tiền lên tới 22 triệu USD khi họ đã tạo các tài khoản fanpage có liên quan đến ca sỹ này và khuyến khích hành vi tải về bất hợp pháp các bài nhạc của anh.

Tuy nhiên, cuối cùng Prince đã rút lại đơn kiện do bên vi phạm đã bày tỏ thái độ hợp tác.

5. Yêu quý fanpage đến mức sẵn sàng ra tòa


Stacy Mattocks là fan “bự” của một show truyền hình có tên “The Game” và khi chương trình này bị tạm ngưng sản xuất vào năm 2009, cô đã bắt đầu một chiến dịch trên mạng xã hội nhằm cố gắng mang nó trở lại. Nỗ lực của Stacey đã mang lại kết quả khi 2 năm sau đó, “The Game” được sản xuất trở lại và lúc bấy giờ, fanpage của chương trình do cô lập ra đã có tới 6 triệu người theo dõi.

BET (đơn vị chủ quản “The Game”) đã mời Stacey về làm việc với vai trò một người quản trị mạng xã hội nhưng cô một mực từ chối. Đơn vị này cũng bỏ tiền ra để mua lại fanpage mà Stacey sở hữu nhưng cũng không mang lại kết quả gì. Cuối cùng, BET đành yêu cầu Facebook xóa fanpage do Stacey lập ra do “sử dụng tài sản trí tuệ của BET”.

Sự vụ này khiến Stacey chính thức đệ đơn lên tòa án kiện BET do đã làm cô này... thiệt hại về tiền của.

6. Phát tán thông tin cá nhân khi chưa được cho phép


Năm 2013, một bồi bàn có tên Toni Christina Jenkins đã gặp một khách hàng không những không để lại tiền boa khi thanh toán mà còn lên tiếng xúc phạm cô.

Jenkins đã chụp ảnh tờ hóa đơn lại cùng với tên khách hàng Devin Barnes trên đó với đoạn chú thích: “Đây là những gì tôi nhận được tối qua. Quá hạnh phúc khi được sống ở những bang miền Nam này. Nước Mỹ, mảnh đất của tự do và ngôi nhà của những người thích phân biệt chủng tộc tầng lớp dưới”.

Bức ảnh lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng và mặc dù Barnes không đưa ra bất kì một động thái nào cho tới tháng 5 vừa qua, cuối cùng ông này cũng đâm đơn kiện Jenkins vì cho rằng đây là hành động đầy nhẫn tâm và không tôn trọng thông tin cá nhân của ông ta.

7. Ăn trộm vẫn không quên... check-in


Như đã đưa tin gần đây câu chuyện của tên trộm tự “lạy ông tôi ở bụi này” khi đột nhập vào nhà người khác mà vẫn không quên... check-in Facebook cũng là một câu chuyện pháp lý dở khóc dở cười có liên quan đến mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Theo đó, người đàn ông 26 tuổi mang tên Nicholas Wig sau khi đột nhập vào một căn hộ và lấy đi một số đồ có giá trị đã đã quên không thoát Facebook ở máy tính của chính chủ nhà. Hành động bất cẩn và cơn nghiện Facebook của tên trộm này dĩ nhiên đã tố cáo anh ta mà cảnh sát không hề mất nhiều công sức điều tra tìm manh mối.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày