Windows 95 Trở lại thời điểm năm 1995, người dùng thậm chí còn phải xếp hàng đợi mua Windows 95, cùng một phiên bản khác dành cho người dùng doanh nghiệp, Windows NT 4. Đây là những phiên bản Winodws đầu tiên được trang bị Start Menu, yếu tố được thêm vào hệ điều hành này với sứ mệnh giúp người dùng dễ sử dụng hơn và là nơi sắp xếp các ứng dụng được cài trên máy. Trong trường hợp bạn chưa biết, trước khi có Start Menu, người dùng Windows có thể mở phần mềm thông qua Program Manager mà về cơ bản chỉ là một danh sách đơn thuần các phần mềm hiện có, không đi kèm một cơ chế sắp xếp, quản lý thực sự nào. Đến đây, Microsoft có lẽ đã nhận ra Windows cần một cuộc cải tổ và Start Menu chính là thứ cần thiết để đưa Windows đến một "kỉ nguyên" mới.
Đó là chưa kể đến, nút Start Menu trong Windows 95 còn được đi kèm thanh taskbar, cho phép người dùng truy xuất nhanh một số tác vụ như điều chỉnh âm thanh, thời gian, ngày tháng và biểu tượng trạng thái kết nối mạng. Bất kì ứng dụng nào bạn mở trong Windows 95 cũng "hiện diện" gọn gàng trên thanh taskbar khiến người dùng mở đi mở lại khi cần dễ dàng. Lúc này, trong Start Menu, phần mềm vẫn được hiển thị dưới dạng một danh sách nhưng được phân vào các mục khác nhau cùng cơ chế kéo - thả để người dùng tùy ý sắp xếp lại. Sau tất cả, Start Menu trở thành yếu tố "luôn luôn có mặt" và là nơi đầu tiên người dùng tìm đến khi có nhu cầu tìm kiếm phần mềm, tài liệu, trợ giúp, thiết lập và thậm chí là cả tắt máy tính.
Start Menu trong Windows 95 đã khởi động một "xu hướng" tồn tại trong Windows suốt 20 năm và mang đến cho người dùng nhiều trải nghiệm đầy tiện ích.
Windows 98 - 2000 Thoạt tiên, Start Menu trong Windows 98 có vẻ như không mang trên mình nhiều khác biệt so với phiên bản gốc, tuy nhiên có tùy chọn mới "log-off" cho phép người dùng chuyển qua lại giữa các tài khoản khác nhau trên cùng một PC. Ngoài ra, Start Menu trong Windows 98 còn có "nhiệm vụ" kích thích người dùng sử dụng Internet với một folder "favorites", đi kèm với việc Internet Explorer được tích hợp sâu vào Windows 98. Thành thực mà nói, Start Menu đã đóng góp một phần nhỏ bé trong việc khiến Windows thân thiện hơn trong thời kì Internet đang đến.
Trái lại, thanh taskbar lại được đón nhận những thay đổi lớn. Theo đó, Microsoft đã giới thiệu khu vực "Quick Launch" để người dùng "ghim" những phần mềm mà mình yêu thích và tính năng "Show desktop" cho phép thu nhỏ nhanh tất cả các cửa sổ đang mở để trở về desktop nhanh chóng. Đối với những người lưu nhiều icon phần mềm hay thường xuyên lưu tài liệu trên màn hình desktop,"show desktop" trở thành một tính năng tuyệt vời không thể thiếu.
KỶ NGUYÊN INTERNET ĐÃ MỘT PHẦN ĐƯỢC GIÚP SỨC BỞI START MENUTRONG WINDOWS 98.
Tới Windows ME, mặc dù phiên bản Windows này có rất nhiều lỗi và vấn đề, Start Menu vẫn là một tính năng ổn định và nhất quán cao. So với Start Menu trên Windows 98, yếu tố này trên Windows ME không có thay đổi đáng kể.
Windows 2000 được thiết kế dành cho người dùng chuyên nghiệp, tuy nhiên Start Menu thì gần như vẫn giống những gì đã có trên Windows ME. Lúc này, Microsoft "ghim" cố định hai thành phần "Windows Update" và "Set Program Access and Defaults" vào phần đầu Start Menu giúp người dùng truy xuất nhanh một số thành phần quan trọng trong Windows như những bản cập nhật hay cửa sổ cho phép cài/ gỡ phần mềm. Tương tự Windows ME, taskbar của Windows 2000 gần như không thay đổi từ thời Windows 98. Dù vậy, đây là lần cuối cùng thanh này được mặc định có màu xám trong giao diện người dùng.
Windows XP - Windows 7 Kể từ thời Windows 95, phải đến Windows XP, người dùng mới có cơ hội trải nghiệm những thay đổi rõ rệt trong Start Menu với cập nhật về ngoại hình cùng hệ màu xanh lá - xanh da trời. Mặc dù tươi sáng hơn nhưng hệ màu này lại bị không ít người chê là... rẻ tiền. Đáng chú ý, Microsoft lúc này đã bắt đầu áp dụng một số thuật toán giúp Start Menu tự động ẩn đi những icon phần mềm không còn được người dùng sử dụng nhiều nữa. Tính năng này rõ ràng giúp Satrt Menu gọn gàng, ổn định hơn khi mà các hãng phát triển đang ngày càng có nhiều chiêu "lợi dụng" để phần mềm của mình được xuất hiện trên Start Menu hơn trong khi người dùng không thực sự cần đến.
Bên cạnh đó, Start Menu trong Windows XP cũng được chia làm hai phần với các ứng dụng thường xuyên sử dụng/ được ghim ở bên trái và icon truy cập nhanh tài liệu, thiết lập, trợ giúp, tìm kiếm ở bên phải. Danh sách ứng dụng truyền thống trên Start Menu có thể được truy xuất trong mục All Programs và thậm chí nếu thích một phong cách Start Menu cũ, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm lại với theme cổ điển đi kèm. Không dừng lại ở đây, khi Windows XP phát hành, không ít nhà phát triển bên thứ ba cũng cung cấp nhiều loại theme để người dùng tùy biến phần nhìn cho Start Menu.
WINDOWS VISTA CÓ NÚT START MENU TẬP TRUNG VÀO KHẢ NĂNG TÌMKIẾM.
Ông lớn vùng Redmond tiếp tục tiến hành những thay đổi sâu hơn cho Start Menu trong Windows Vista mặc dù về phần nhìn thì không có nhiều cải thiện rõ rệt ngoại trừ giao diện trong suốt "Aero Glass" được thêm vào. Đây là thay đổi về giao diện mà rất nhiều người thích, tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng giao diện này đôi khi bất tiện, rối mắt và "quá sức" cho những chiếc PC đời cũ, cấu hình yếu. Giao diện trong suốt còn được Microsoft áp dụng cho cả thực đơn ứng dụng, thanh taskbar... Một điểm trừ cho Start Menu trên Windows Vista nằm ở việc thiếu các icon cho các tùy chọn truy cập một số mục như thiết lập, tài liệu, trợ giúp... bên mảng thực đơn bên phải khiến người dùng khó nhìn nhanh hơn. Sau tất cả, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến tính năng tìm kiếm được tích hợp. Theo đó, kể từ Windows Vista, người dùng chỉ cần nhấn phím Windows trên bàn phím và gõ các từ khóa để thực hiện việc tìm kiếm.
Tiếp tục hoàn thiện Start Menu qua các năm, Microsoft thực hiện một số thay đổi với thành phần này trong Windows 7 như nút shutdown lớn, dễ nhìn hơn hay tính năng tìm kiếm mạnh mẽ, nhanh hơn.
Windows 8 - Windows 10 Microsoft dũng cảm quyết định tạm biệt Start Menu trong Windows 8. Quyết định này thực sự là một sai lầm và trong thực tế nó làm không ít người dùng Windows... sợ hãi. Theo đó, nút Start Menu quen thuộc lúc này được thay thế bằng màn hình Start cùng các ô giao diện Live Tiles. Tất cả khiến thay đổi trong Windows 8 là thay đổi lớn nhất từng xảy đến với Start Menu.
Lý do cho sự thay đổi nói trên đến từ việc Microsoft đang tập trung vào lối thiết kế toàn màn hình, thân thiện với thao tác chạm. Màn hình Start hướng đến sự đơn giản nhưng sử dụng nó lại không đơn giản chút nào. Ở phiên bản đầu tiên, người dùng thậm chí còn không có cách nào để truy cập nhanh tính năng tìm kiếm hay tùy chọn tắt máy từ màn hình Start. Thay đổi này khiến người dùng Windows mất quá nhiều thời gian để làm quen. Không ít người cảm thấy khó chịu.
Trong Windows 8. thanh taskbar cũng được mặc định ở trạng thái ẩn. Người dùng chỉ có thể thấy lại thành phần này khi rê chuột vào một trong bốn góc màn hình. Thao tác này quá khó và bất tiện. 1,5 triệu người tải về các ứng dụng bên thứ ba giúp Start Menu quay trở lại Windows là minh chứng hùng hồn cho điều này và Microsoft cần làm một điều gì đó để thay đổi. Sau nhiều phản hồi tiêu cực, Microsoft đã cập nhật một số đổi mới trong Windows 8.1. Màn hình Start vẫn được giữ nguyên nhưng tùy chọn tắt máy và ô tìm kiếm đã được thêm vào. Bên cạnh đó là sự trở lại của Start Menu quen thuộc để xoa dịu những "bức xúc" của không ít người.
Ở phiên bản mới nhất, Windows 10, Microsoft bắt đầu nhận được những phản hồi tích cực khi "bảo toàn" được những điểm cộng từ sự hiện đại của Windows 8 trong khi mang nhiều yếu tố truyền thống, quen thuộc của Windows 7 trở lại. Giao diện Start Menu mới là sự kết hợp giữa Start Menu theo phong cách cũ và các ô Live Tiles kiểu mới. Theo đó, các Live Tiles được dùng để người dùng "ghim" các ứng dụng mình hay sử dụng và nằm ở bên tay phải. Bên trái, người dùng sẽ có các phần mềm, ứng dụng xếp dưới dạng danh sách như truyền thống cùng các tùy chọn tắt máy, thiết lập hay mở danh sách tất cả các ứng dụng.
Thanh taskbar trong Windows 10 cũng có một số thay đổi đang chú ý như tính năng Task View hay trợ lý ảo Cortana được tích hợp.
Có vẻ như lần này, người dùng đã hài lòng với Start Menu và cả thanh taskbar mới.
(Tham khảo: The Verge)