12 thói quen "khó đỡ" khi sử dụng điện thoại

Mix, Theo Mask Online 14:25 25/05/2012
Chia sẻ

Chúng đều rất xấu và bạn phải cố gắng sửa chữa ngay thôi.

1. Sạc điện thoại qua đêm
 
Người dùng thường đổ thừa cho sự tiện dụng hoặc lười biếng, tuy nhiên việc sạc điện thoại suốt đêm không tốt chút nào. Hiện tượng này vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn, nhưng kết nối chú dế với nguồn điện trong thời gian dài có thể gây nóng máy, chai pin, làm ảnh hưởng đến những linh kiện khác, lãng phí nguồn điện năng quý giá… Hiện nay, một số bộ sạc tiên tiến cho phép tự động dừng sạc khi mobile được nạp đầy pin.
 
 
 
2. Quên tắt chuông khi cần thiết
 
Nếu bạn đi xem phim hoặc tham gia hoạt động tập thể, tiếng chuông cuộc gọi bất ngờ xuất hiện sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều người, thậm chí khiến đối phương cảm thấy bức xúc. Thế nên, trước khi bước vào rạp chiếu phim, phòng họp, nơi làm việc, chỗ đông người… bạn hãy chuyển máy sang chế độ rung ngay thôi.
 
 
 
3. Nói chuyện quá to
 
Nói chuyện điện thoại là quyền riêng tư của mỗi người, nhưng chẳng ai muốn nghe thấy bạn tám chuyện quá lớn. Chúng không chỉ gây khó chịu cho đầu dây bên kia mà còn khiến người xung quanh phiền lòng. Hơn nữa, người khác có thể nghĩ rằng bạn quá vô duyên hoặc thô lỗ. Bởi vậy, cách duy trì giọng nói vừa phải, sao cho càng thân thiện càng tốt sẽ ghi điểm trong mọi tình huống.
 
 
 
4. Bật loa ngoài khi nói chuyện
 
Thêm một thói quen xấu cần phải sửa chữa ngay lập tức. Nếu đối phương nói khó nghe, bạn có thể tăng âm lượng cuộc gọi đến mức tối đa hoặc tìm đến nơi yên tĩnh để tiếp tục trò chuyện. Đừng bắt những người xung quanh phải chịu đựng tiếng nói oang oang khi loa ngoài đang bật nhé.
 
 
 
5. Quên dùng Wi-Fi khi có mạng
 
Hành động này thực lãng phí, làm giảm tốc độ kết nối và nhanh hao pin. Dịch vụ Internet di động (dựa trên mạng 3G hoặc 4G LTE) còn khá đắt đỏ tại nhiều quốc gia, thế nên giá cước sẽ khiến bạn “ngất trên cành quất” khi thanh toán hóa đơn điện. Nếu đường truyền Wi-Fi sẵn sàng tại nơi bạn ngồi, hãy nhớ sử dụng chúng bất cứ khi nào có thể.
 
 
 
6. Dùng điện thoại dưới trời mưa
 
Không nhiều sản phẩm được thiết kế chống nước, thế nhưng một số chủ nhân vẫn nghĩ rằng dùng máy dưới trời mưa sẽ không sao hết. Cũng chẳng hiếm người tin tưởng nước mưa không thể lọt vào điện thoại. Tuy nhiên, nước và hầu hết chất lỏng khác đều không tốt cho linh kiện bên trong, thế nên bạn phải dừng ngay thói quen trên.
 
 
 
7. Không để lại tin nhắn
 
Gọi điện cho đối phương khi có chuyện cấp bách nhưng không thấy trả lời, tốt nhất bạn nên gửi tin nhắn để nhắc nhở họ gọi lại càng sớm càng tốt. Chúng giúp báo hiệu cho người kia thấy tầm quan trọng của vấn đề, kẻo họ lại nghĩ rằng bạn cũng chẳng vội vàng gì đâu.
 
 
 
8. Nói chuyện điện thoại vào thời điểm không thích hợp
 
Bạn đang hẹn hò vào tối thứ 6 nhưng vẫn luôn miệng nói chuyện điện thoại với người khác, liệu nửa kia sẽ cảm thấy như thế nào? Dù đối phương rất kiên nhẫn và thông cảm, điều này chắc chắn không dễ chịu chút nào, thậm chí muốn về nhà ngay lúc đấy.
 
 
 
9. Nhắn tin khi đang nói chuyện với người khác
 
Cả nhóm đang tranh luận sôi nổi thì bỗng một người rút điện thoại và nhắn tin liên tục. Xong xuôi, họ thường quay lại hỏi bạn vừa nói điều gì. Việc phải nhắc lại câu chuyện nhiều lần sẽ khiến mọi người hoàn toàn mất hứng. Hơn nữa, chính bạn cũng thấy buồn lòng khi đối phương không muốn lắng nghe, mất tập trung và làm việc riêng.
 
 
 
10. Mang điện thoại lên bàn ăn
 
Tương tự thói quen trên, hành động mang điện thoại lên bàn ăn sẽ khiến người xung quanh cảm thấy không vui. Thay vì cùng nhau ăn uống và trò chuyện rôm rả, bạn đang mải mê nhắn tin (hoặc gọi điện, check mail…) với ai kia chứ có tập trung vào bữa cơm đâu.
 
 
 
11. Đắm mình vào dế cưng
 
Ngày nay, chiếc di động rất quan trọng nhưng không phải toàn bộ cuộc sống của bạn. Quá tập trung vào điện thoại thường khiến bạn sao lãng thế giới bên ngoài, làm người khác tổn thương hoặc gây tai nạn cho chính bản thân.
 
 
 
12. Sử dụng mobile khi đang lái xe
 
Theo Cục an toàn giao thông Hoa Kỳ, trong năm 2010 có khoảng 3.092 người thiệt mạng vì nguyên nhân “phân tâm trong quá trình lái xe”. Chính việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, dưới bất kỳ hình thức nào, cũng gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Giới chuyên môn khẳng định: “Nếu bạn rời tay khỏi vô lăng để dùng điện thoại, đọc những gì hiện trên màn hình và nghĩ về những tin nhắn, đơn giản là bạn chẳng còn tập trung lái xe. Chúng còn nguy hiểm hơn uống rượu và không thể được chấp nhận được”.
 
 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày