Chưa vội bàn đến chất lượng, chỉ riêng chuyện đòi cập nhật hay hiển thị thông báo không cần thiết quá thường xuyên cũng đủ khiến những chương trình sau đây mất điểm trong mắt khách hàng. Teen hãy cùng chúng tớ nghía qua xem có đúng không nhé!
Norton AntiVirus (1990): Norton AntiVirus mà ngày nay là Symantec Norton AntiVirus được coi như ví dụ điển hình cho việc làm khổ khách hàng. Trước hết, nếu dùng phiên bản miễn phí thì hệ thống sẽ luôn đòi hỏi phải nâng cấp lên bản đầy đủ có tính phí. Nhưng dù cho bạn đã dùng bản trả tiền thì vẫn thấy khó chịu khi liên tục tiếp nhận những thông báo yêu cầu cập nhật cơ sở dữ liệu thường xuyên.
Adobe Reader (1993): Một trong những sản phẩm “cổ” nhất của Adobe Reader đình đám và cũng là nguyên nhân khiến khách hàng phiền lòng. Thực chất, trong phần cài đặt mặc định của chương trình luôn “khuyến mãi” kèm theo nhiều phần mềm “trời ơi đất hỡi” khác, ví dụ bức hình trên có quảng cáo quét virus miễn phí chẳng hạn.
Real Networks/ Real Audio Player (1995): Trước khi Youtube chào đời, những ai muốn xem các tập tin âm nhạc hay video trên website đều cần phải có Real Audio Player cài đặt sẵn trong máy. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận sống chung cùng vô số lời gợi ý bất thường về cập nhật phiên bản trả tiền của hệ thống.
Adobe Flash Player (1997): Một ví dụ tiêu biểu nữa về những phần mềm luôn đòi hỏi cập nhật bản mới nhất và lần này phải kể đến Adobe Flash Player. Thậm chí, có người từng đặt câu hỏi phải chăng vì lý do trên mà CEO Steve Jobs của Apple ghét cay ghét đắng flash?
Windows XP 2001 update: Không thể phủ nhận Windows XP chính là hệ điều hành thành công nhất của Microsoft tính đến thời điểm hiện tại, song bản thân hệ thống vẫn có những điểm trừ đáng tiếc. Chắc hẳn bạn vẫn nhớ cảm giác bực mình mỗi khi đang giải trí mà máy tính lại hiện thông báo đòi restart để cài đặt update chứ?
Apple QuickTime (2002): Trong gần một thập kỷ, "quả táo cắn dở" làm tình làm tội người dùng với QuickTime Multimedia Player khi phần mềm liên tục đòi nâng cấp lên bản Pro. Tuy nhiên, một số người tiết lộ sau khi bấm “later” (để sau) hàng ngàn lần, họ vẫn nhất định không chịu làm thế bởi quá ghét Apple.
Windows Genuine Advantage (2004): Nếu bạn nào dùng Windows không bản quyền thì hẳn sẽ nhớ như in màn hình trên đây. Nói cho cùng, dùng phần mềm “lậu” cũng chẳng hay ho gì nhưng khó chịu vẫn cứ là khó chịu đúng không nào?
Quảng cáo diệt Virus giả mạo (2005): Tiếp theo trong danh sách là chương trình diệt virus giả mạo. Thường thì sau khi nhấp chuột, bạn sẽ lập tức rước mã độc hay sâu vào máy tính của mình – một cú lừa rất phổ biến vào năm 2005 hướng đến những người dùng ngây thơ.
Spotify (2006): Những dịch vụ trực tuyến đang giúp cuộc sống dễ thở hơn, nhưng vẫn còn nhiều nhân vật khiến mọi thứ trở nên tồi tệ. Trong đó, dịch vụ cung cấp nhạc trực tuyến Spotify là một ví dụ điển hình khi luôn đưa ra những cảnh báo đòi người dùng phải trả phí nếu không sẽ bị tạm khóa một số tính năng.
Mobile Nags (2007): Không chỉ máy tính mà các ứng dụng trên điện thoại di động cũng khiến người dùng cảm thấy bức xúc. Theo đó, iOS hay Android khuyến khích bạn mua bản Pro của chương trình, và cả khi đã mua chúng thì vẫn thật rắc rối khi bạn thường xuyên bị mời trả lời các đánh giá chi tiết về ứng dụng.
Mạng xã hội (2008): Hãy quan sát bức ảnh trên đây và trả lời cho chúng tớ xem bạn đã bao nhiêu lần nhìn thấy tấm hình này khi đăng nhập vào Facebook nhé. Có lẽ khi chưa làm khách hàng cảm thấy hài lòng với tính năng bảo mật thông tin thì Facebook đã mất điểm rất nhiều với phiền toái như vậy.
Trình duyệt: Tiêu biểu về cập nhật trong giới trình duyệt phải kể đến Firefox khi Mozilla liên tục tung ra các phiên bản mới. Dĩ nhiên, cách làm của hãng tinh tế hơn khi chỉ thông báo lúc bạn mở “cáo lửa” và vào mạng, bởi vậy đây chính là phiền toái “dễ chịu nhất” với hầu hết mọi người.