Apple chào đời năm 1976 và trong khoảng 20 năm đầu tiên của mình, hãng không quá tập trung vào thiết kế - điểm mạnh nhất khi nhìn vào những sản phẩm hiện tại. Bên cạnh đó, phong cách "chém gió" trong quá khứ của Apple cũng rất khác ngày nay, có lúc gây được tiếng vang nhưng đôi khi lại dở tệ .
Hôm nay, teen hãy cùng chúng tớ tìm hiểu 12 khoảnh khắc khó quên trong lịch sử quảng cáo của "trái táo khuyết" nha!
1976: Dealer inquiries invited
Quảng cáo đầu tiên vào năm 1976 giới thiệu ý tưởng khá đặc biệt, đi vào chi tiết sản phẩm bằng việc nhấn mạnh bộ nhớ RAM. Điều ấy giống như phong cách của Apple ngày xưa khi chưa khai thác điểm nhấn thiết kế mà chỉ tập trung đến tính năng. Bạn cũng dễ dàng nhận thấy logo có hình Newton ngồi dưới gốc cây táo nữa nhé.
1977: Apple sử dụng kiểu chữ riêng
Bên cạnh biểu tượng hình quả táo 7 màu, kiểu chữ Apple Garamond được sử dụng thường xuyên giống như "tôn chỉ" marketing riêng của hãng trong gần 2 thập niên. Xu hướng này chỉ kết thúc vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước.
1979: Vườn địa đàng
Một trong những quảng cáo tệ nhất mọi thời đại của Apple khi hãng đăng tải thông tin về cuộc thi đang được tổ chức. Nội dung cho biết mọi người hãy viết đoạn văn dưới 1000 từ kể về những gì mình thường làm với "quả táo" (Apple). Dựa vào đấy, giới phê bình châm chọc rằng Apple chẳng có fans "cuồng" nào trong suốt những năm qua.
1981: Dick Cavett và bà nội trợ kiểu Mỹ
Như bạn nhìn thấy, người dẫn chương trình Cavett hỏi người phụ nữ xem cô sử dụng chiếc máy tính Apple thế nào để quản lý chi tiêu gia đình. Cô gái đáp lại, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng mình còn điều hành một xưởng thép nhỏ khiến Cavett chưng hửng vì tài năng này. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa cảm nhận rõ khái niệm thương hiệu của Apple trong video trên.
1983: "Hãy trở thành Apple trong mắt mọi người"
Nếu còn lưu giữ những chiếc áo kia, bạn đang đứng trước cơ hội làm giàu bằng cách rao bán chúng trên eBay. Sản phẩm là dấu hiệu chứng tỏ "trái táo khuyết" đã trưởng thành và định hình phong cách riêng. Vào thời điểm trên, thương hiệu trở nên ngày càng quan trọng, mặc dù ảnh hưởng của khoảnh khắc "chém gió" này không thật sự mạnh mẽ.
1984: “1984”
Nếu bạn thắc mắc về ý nghĩa của đoạn phim thì hãy xem hết nhá. Đây là thông điệp của Apple trước lúc phủ sóng Macintosh và biến năm 1984 thành một thời khắc vô cùng đáng nhớ. Ngoài ra, việc vay mượn ý tưởng từ câu chuyện của George Orwell miêu tả người dùng Apple đánh tan đầu sỏ PC cũng rất sáng tạo đấy chứ!
1989: Life in hell
Apple tận dụng sự nổi tiếng của nhân vật truyện tranh Life in hell để quảng bá cho sản phẩm của mình. "Trái táo khuyết" hướng tới nhóm khách hàng sinh viên – những người luôn muốn sở hữu một chiếc máy tính cho việc học hành.
1996: Navratilova và Art Monk
"Ăn theo" bộ đôi nổi tiếng trong làng thể thao Navratilova và Art Monk, quảng cáo năm 1996 thể hiện hầu hết sai lầm của hãng vào những năm trước đó. Đấy chính là sự dài dòng, thiếu tính thuyết phục và không có điểm nhấn thú vị.
Hơn nữa, biểu tượng quả táo 7 màu và kiểu chữ Garamond vẫn hiện hữu trong suốt 2 thập kỷ. Và khi chúng biến mất cũng là lúc Apple có những thay đổi quan trọng.
1997: Nghĩ khác (Think Different)
Thiết bị được ẩn khỏi quảng cáo thông qua sự xuất hiện của những bức ảnh tuyệt đẹp. Vào thời điểm này, tính phong cách bỗng nhiên được đề cao trong suy nghĩ của Apple. Nhưng cũng thật trớ trêu, Apple tiếp tục thua lỗ từ những sản phẩm của mình trong nỗ lực xây dựng bản sắc riêng.
1998: "Chic. Not Geek"
Mọi thứ bắt đầu từ đây – màn "chém gió" thực sự mở ra kỷ nguyên mới cho Steve Jobs, thời điểm phong cách thiết kế trở thành kim chỉ nam cho mọi sản phẩm. Đúng vậy, "Chic. Not Geek" – "Thời trang chứ không phải công nghệ" chính là đại diện tiêu biểu cho bản sắc Apple.
2006: Mac vs. PC
Cuộc chiến giữa John Hodgman (đóng vai PC) và Justin Long (đóng vai Mac) kéo dài suốt 3 năm và kết thúc đầy tiếc nuối vào năm 2009. Đây là chiến dịch quảng cáo giải trí đầu tiên của Apple và gây được tiếng vang rất lớn.
Sau đó, khi trái táo khuyết chuyển mục tiêu kinh doanh chính sang mảng di động, "Mac vs. PC" cũng phải ngừng lại. Mặc dù vậy, người ta đồn rằng lý do chính của việc này là bởi "PC" Hodgman được yêu thích hơn "Mac" Long.
2007: Kỷ nguyên iPhone
Sự đơn giản được xây dựng bởi những người kỹ sư thiên tài đã khiến Apple phải đổi hướng quảng cáo. Từ đấy, những hướng dẫn đi kèm chẳng còn cần thiết bởi người dùng đều có thể cảm nhận mọi thứ trực quan. Nhờ vậy, mỗi model dường như đang tự quảng cáo cho chính mình.
Bên cạnh đó, Apple đang sở hữu sức hút khó cưỡng mà bất cứ thương hiệu nào cũng phải mơ ước. Vậy nên, vô hình chung "trái táo khuyết" đã có trong tay sức mạnh tổng hợp trên mặt trận "chém gió". Phong cách này rồi cũng phải thay đổi cùng thời gian và sẽ thật thú vị khi theo dõi những bước chuyển hướng của Apple.