Apple hiện nay vẫn được công nhận rộng rãi là một trong những công ty có tính tiên phong nhất trong ngành công nghiệp công nghệ. Trong khi đúng là Apple đang có trong tay những nhân viên giỏi nhất trên thế giới thì chúng ta cũng không thể phủ nhận một sự thật rằng “táo cắn dở” sẽ không thể ở vị trí mà họ đang nắm giữ hôm nay nếu không có rất nhiều những sự vụ thâu tóm, mua lại chiến lược. Và trên thực tế, mua lại hay thâu tóm đang là một xu hướng cần tận dụng của bất cứ ông lớn nào có tiềm lực tài chính trong ngành công nghệ bởi nó không chỉ giúp công ty chủ sở hữu cải thiện thêm công nghệ vốn có, tiết kiệm thời gian nghiên cứu phát triển mà còn giúp loại bớt đi những đối thủ đáng gờm và tiềm năng.
1. Cảm ứng đa điểm
FingerWorks là dự án được sáng lập ra bởi một nhóm tiến sĩ tại trường Đại học Delaware, nó tập trung vào phát triển rất nhiều những thiết bị như bàn phím cảm ứng đa điểm TouchStream. Mặc dù những sản phẩm của FingerWorks không đạt được sự thành công trên diện rộng thế nhưng chúng đủ triển vọng để thu hút được sự chú ý của Apple. Năm 2005, “táo cắn dở” thâu tóm công ty này đồng thời chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh của nó. Hai năm sau, iPhone ra đời và như chúng ta đều biết giao diện người dùng của thiết bị này tận dụng tối đa công nghệ cảm ứng đa điểm. Mặc dù, bản thân Apple đã nghiên cứu rất nhiều về cảm ứng đa điểm trước khi mua lại FingerWorks, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của phi vụ thâu tóm FingerWorks trong việc nâng tầm công nghệ đa điểm mà Apple sở hữu trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghệ di động.
2. App Store Genius
Chomp được thành lập năm 2009 và hoạt động như một cỗ máy tìm kiếm các ứng dụng cho iOS và Android. Theo đó, công cụ tìm kiếm này có thể hoạt động cả trên nền web hoặc dưới hình thức là một ứng dụng. Được đánh giá là hiệu quả hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm các ứng dụng mới và phù hợp cho người dùng so với những cỗ máy tìm kiếm gốc của Apple hay Google, Chomp thu hút được đến hàng triệu USD vốn đầu tư và thậm chí được hợp tác với Verizon để xây dựng hệ thống ứng dụng dịch vụ riêng cho nhà mạng này. Thành công là vậy thế nhưng bằng khả năng thương thuyết của mình, Apple vẫn mua lại thành công Chomp vào năm 2012 với mức giá vào khoảng 50 triệu USD. Về sau, tính năng App Store Genius trong iOS được dựng lên chính là kết quả của công nghệ cốt lõi từ Chomp.
3. SoC tùy biến (SoC, System on Chip, có thể hiểu là vi xử lý được thiết kế với tất cả những thành phần quan trọng giúp vận hành một thiết bị điện tử đều được đặt trên nó)
Năm 2010, Apple giới thiệu phiên bản iPad đầu tiên. Bên trong nó là một vi xử lý SoC tùy biến đầy mạnh mẽ mang tên A4. Sau đó, rất nhiều dòng vi xử lý kế nhiệm A4 đã ra đời như A5, A5X, A6,A6X và sắp tới đây là A7 cho iPhone 5S. Tất cả những dòng chip vô cùng mạnh mẽ đó nhiều khả năng sẽ không ra đời nếu như Apple không thâu tóm rất nhiều các chủ sở hữu công nghệ có liên quan. Năm 2008, Apple mua lại P.A.Semi với 280 triệu USD, Intrinsity vào năm 2010 với 121 triệu USD và Passif Semiconductor vào đầu năm nay cùng mức giá không được công bố. Với những bản quyền này, Apple chắc chắn sẽ còn cho ra đời những con chip mạnh mẽ hơn nữa để thu hút khách hàng trong tương lai.
4. Apple Maps
Năm ngoái, khi hợp đồng giữa Apple và Google tới hạn, “táo cắn dở” đã quyết định tìm hướng đi cho riêng mình trên sân chơi bản đồ số và thật đáng tiếc, đây lại là một trong những... “khoảng màu buồn” mà chắc hẳn Apple không thể quên đi. Lúc bấy giờ, Apple Maps là kết quả của một vài thương vụ thâu tóm như Placebase vào tháng Bảy năm 2009, Poly9 vào tháng Bảy năm 2010 và công ty bản dồ 3D C3 Technologies vào tháng Tám năm 2011. Tất cả những vụ mua lại này cộng với hợp đồng hợp tác cùng các công ty như TomTom đã lần đầu tiên khai sinh ra dịch vụ bản đồ số “chính chủ” Apple vào năm 2012. Lúc bấy giờ, Apple Maps là tập hợp của những hình ảnh về một thế giới... méo mó và đổ nát, nhiều khu vực thậm chí còn không có dữ liệu, Apple đã nhận được không ít lời chỉ trích từ cộng đồng. Tất nhiên, hãng vẫn không hề có dấu hiệu từ bỏ, thậm chí, Apple còn đang hứa hẹn một dịch vụ mạnh mẽ hơn sẽ xuất hiện trên iOS 7 với hàng loạt động thái mua lại các công nghệ liên quan trong năm nay như WiFiSlam vào tháng Ba, Locationary cùng HopStop.com vào tháng Bảy và mới đây nhất là Embark.
5. Bộ nhớ Flash
Anobit Technologies được lập ra tại Israel vào năm 2006 với sứ mệnh phát triển rất nhiều bản quyền về việc điều khiển bộ nhớ flash. Và bởi vì Apple sử dụng công nghệ bộ nhớ flash NAND trong các dòng sản phẩm như iPad, iPhone, Mac... nên việc họ quyết tâm mua lại công ty đến từ Israel cùng toàn bộ hồ sơ bản quyền với mức giá lên tới 390 triệu USD cũng không phải là một điều quá khó hiểu. Với những bản quyền công nghệ từ Anobit, Apple hoàn toàn có thể tận dụng để tạo ra các thiết bị có bộ nhớ flash rẻ hơn, từ đó mang lại lợi nhuận lớn hơn cho hãng.
6. Khả năng chụp hình HDR
Apple lần đầu tiên giới thiệu khả năng chụp hình HDR (viết tắt của High Dynamic Range, tạm dịch: dải tần nhạy sáng mở rộng) được tích hợp sẵn trong iOS 4.1 cùng với sự ra đời của iPhone 4. Hiểu nôm na, với HDR, thiết bị sẽ chụp nhiều hình ảnh ở nhiều giá trị phơi sáng khác nhau, sau đó tiến hành gộp các dữ liệu hình ảnh lại để tạo ra sản phẩm cuối cùng hoàn hảo nhất với nhiều điều chỉnh hợp lí ở các vùng tối và vùng sáng. Để cải tiến công nghệ HDR, Apple đã mua lại một công ty Anh Quốc có tên IMSense với một khoản tiền không được công bố vào tháng Chín năm 2010. Bằng cách cải thiện cả phần cứng và phần mềm, chụp ảnh HDR được đánh giá khá cao trên các iDevice.
7. Nhận diện khuôn mặt
Chắc hẳn người dùng các thiết bị của Apple đều biết, iPhoto có khả năng tự động tìm kiếm khuôn mặt và đoán ai là ai trong những bức ảnh dựa vào các dữ liệu đầu vào trước đó. Trên iOS, ứng dụng camera cũng có được khả năng tự nhận diện khuôn mặt này và các nhà phát triển cũng được Apple tạo điều kiện để tận dụng tính năng kể trên trong các ứng dụng của mình một cách hiệu quả nếu cần. Một phần khả năng nhận diện khuôn mặt khá tốt trên iOS đến từ công ty Thụy Điển có tên Polar Rose mà Apple mua lại năm 2010.
8. iAds
Sau khi Google bắt đầu đi những bước nghiêm túc hơn để đấu lại Apple trên thị trường smartphone, Apple cũng quyết định sẽ dấn thân vào sân chơi quảng cáo mà hiện vẫn đang là thế mạnh của Google. Sau một thời gian đấu giá vào năm 2009, Apple đã không thể giành giật AdMob từ tay của Google. Tuy nhiên, "táo cắn dở" không chịu kém cạnh khi ngay năm sau hãng đã thâu tóm cho riêng mình công nghệ của Auattro Wireless và iAds đã ra đời như kết quả của thương vụ này. Đây cũng được coi là một trong những điểm nhấn đáng chú ý đánh dấu mối quan hệ làm ăn ngày càng rạn nứt giữa Apple và Google.
9. iTunes Streaming
Lala.com chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006 và mang đến cho cộng đồng rất nhiều tính năng nghe nhạc xã hội. Người dùng sẽ có thể nghe nhạc, chia sẻ cùng bạn bè và thậm chí là tạo ra các danh sách phát (playlist) trực tuyến. Apple dĩ nhiên nhanh chóng nhận ra triển vọng của công nghệ mà Lala.com đang có và hãng quyết định mua lại dự án vào tháng Mười hai năm 2009. Sau thương vụ này, Apple bắt đầu khai thác những gì mình mua lại và giới thiệu những tính năng mới cho iTunes như web preview, điện toán đám mây cho iTunes hay iTunes Radio. Có thể nói, Lala.com đã đóng một vai trò không hề nhỏ trong việc hiện đại hóa giao diện người dùng và tính năng của iTunes.
10. Siri
Siri hoàn toàn không phải là một tính năng gốc của iOS. Ban đầu, nó đóng vai trò như một ứng dụng bên thứ ba chạy hoàn toàn độc lập trên iOS và đội ngũ phát triển ứng dụng này còn lên kế hoạch để mang công nghệ của mình sang nhiều nền tảng điều hành khác nữa ngoài iOS. Ngay lập tức, Apple để ý đến công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên khá tốt lúc bấy giờ của ứng dụng này và mua lại nó vào năm 2010. Một năm sau, iPhone 4S đã sẵn sàng ra đời với Siri được tích hợp và trở thành một trong những đặc điểm đáng chú ý thuyết phục người dùng nâng cấp lên iPhone 4S. Hiện nay, bên cạnh mục tiêu cải thiện công nghệ của Siri, Apple còn mong muốn tích hợp ứng dụng này vào nhiều thiết bị hơn nữa như xe hơi chẳng hạn.
11. Công nghệ quét dấu vân tay
AuthenTec, một công ty chuyên cung cấp phần mềm và phần cứng liên quan đến giải pháp an ninh hàng đầu, đã bị Apple âm thầm mua lại vào tháng Bảy năm ngoái. Mặc dù đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thiết bị nào của Apple thể hiện kết quả của phi vụ này, nhiều khả năng thế hệ tiếp theo của iPhone sẽ được trang bị một bộ quét dấu vân tay tích hợp. Nếu điều này là sự thực thì chắc chắn iPhone sẽ trở thành chiếc smartphone có bộ bảo mật tốt nhất trên thị trường.