Bạn có biết tại sao tin nhắn giới hạn với 160 ký tự hoặc bức ảnh đầu tiên được gửi qua điện thoại? Hãy cùng khám phá 10 sự thật đặc biệt về chiếc di động qua bài tổng hợp trên trang PhoneArena.
1. Tin nhắn văn bản
Philippines dẫn đầu thế giới về số lượng tin nhắn gửi đi mỗi ngày. Thậm chí vào thập niên 90, quốc gia này được gọi là “Thủ đô tin nhắn” của toàn cầu. Tin nhắn được miễn phí tại Philippines trong thời gian đầu. Nhưng sau khi dịch vụ trở nên phổ biến, mức phí được các nhà mạng áp dụng. Hiện nay, mỗi tin nhắn tại đây tiêu tốn 1 peso (xấp xỉ 500 đồng).
2. 160 ký tự
Vào năm 1985, nhà nghiên cứu Friedhelm Hillebrand xác định độ dài tiêu chuẩn cho mỗi tin nhắn là 160 ký tự. Ông đã viết hàng loạt thông điệp khác nhau và nhận thấy chúng đều dài dưới 160 ký tự. Trên quan điểm kỹ thuật, việc hỗ trợ nhiều hơn 128 ký tự rõ ràng không hợp lý. Tuy nhiên, các nhà cung cấp buộc phải thông qua thêm 32 ký tự nữa.
3. Điện thoại nghe nhạc đầu tiên
Siemens SL45 trình làng năm 2001 và trở thành chiếc điện thoại đầu tiên tích hợp bộ nhớ mở rộng và hỗ trợ phát nhạc Mp3. Chú dế tương thích thẻ nhớ MMC dung lượng 32MB và có thể nghe nhạc liên tục 5 tiếng đồng hồ - những con số thần kỳ vào thời bấy giờ.
4. Điện thoại bền nhất thế giới
Kỷ lục Guinness ghi nhận Sonim XP3300 Force là chú dế bền nhất thế giới khi rơi từ độ cao 25 mét xuống nền bê tông cứng mà không gặp thương tổn nào. Bên cạnh đó, Sonim XP3300 Force có thể lặn dưới nước 2 mét mà vẫn hoạt động ngon lành.
5. Chiếc điện thoại đắt nhất thế giới
Phiên bản iPhone 4 Diamond Rose (Bông hồng kim cương) của Stuart Hughes là điện thoại đắt nhất hành tinh với mức giá 7,85 triệu USD (khoảng 165 tỷ đồng). Xung quanh cạnh bên trang trí 500 viên kim cương nặng hơn 100 carat. Lưng máy được ốp vàng và biểu tượng Apple được tạo bằng 53 viên kim cương nhỏ.
Nổi bật nhất phải kể đến viên kim cương 7,4 carat ngay trên phím Home. Theo công bố, chỉ có 2 chiếc điện thoại như thế này được bán ra thị trường.
6. Bức ảnh đầu tiên được gửi qua điện thoại
Bức ảnh đầu tiên được chia sẻ công khai qua điện thoại thuộc về Philippe Kahn (trong hình), thực hiện ngày 11/6/1997. Tác phẩm được chụp tại bệnh viện nơi con gái Sophie của ông chào đời. Philippe Kahn cũng góp công rất lớn trong việc xây dựng camera đầu tiên cho di động.
7. Chú dế bán chạy nhất thế giới
Huyền thoại Nokia 1100 trở thành chú dế bán chạy nhất mọi thời đại. Có tới 250 triệu sản phẩm đến tay người dùng từ khi lên kệ vào năm 2003. Dân tình hết sức ưa chuộng Nokia 1100 nhờ độ bền, thân thiện và mức giá thấp.
Đến năm 2009, tin đồn Nokia 1100 gặp lỗi phần mềm và có thể khiến khách hàng mất cắp tài khoản ngân hàng đã khiến dòng máy qua sử dụng đội giá chóng mặt (tới hàng chục ngàn USD).
8. Điện thoại đầu tiên của James Bond
Chiếc điện thoại mà điệp viên 007 sử dụng đầu tiên có tên Ericsson JB988. Dĩ nhiên, máy chỉ có thể nghe gọi mà chẳng kèm thêm chức năng đặc biệt nào. Nhưng khi lên phim, Ericsson JB988 bỗng sở hữu thêm khả năng đọc vân tay, điện cao áp, điều khiển xe hơi từ xa...
9. Mẫn cảm điện từ
Mẫn cảm điện từ (Electromagnetic Hypersensitivity) là triệu chứng xảy ra khi ở gần thiết bị phát từ trường (bao gồm điện thoại). Người mắc chứng này thường cảm thấy đau đầu hoặc mệt mỏi khi dùng di động. Các nghiên cứu chưa thể chứng minh xác đáng và không được giới chức chấp thuận, song nhiều người đang gặp vấn đề nghiêm trọng do mẫn cảm điện từ gây nên.
10. Nokia sản xuất giấy
Nokia thành lập năm 1865 và ban đầu hãng tập trung sản xuất giấy. Nhiều năm sau, Nokia chuyển sang kinh doanh đồ dùng bằng cao su, dây cáp điện... Đến giữa thế kỷ trước, Nokia vẫn chỉ cung cấp thiết bị liên lạc, mặt nạ khí, sản phẩm nhựa và hóa học cho quân đội Phần Lan. Phải đến những năm 80, Nokia mới chuyển sang lĩnh vực điện thoại.